“Chủ đầu tư kéo dài tiến độ dự án đường sắt Cát Linh vì lý do gì?”
Cơ quan Quốc hội cho rằng, chủ thầu chậm đưa dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào khai thác là không đạt hiệu quả sử dụng gây lãng phí.
- 15-03-2016Chủ dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông trần tình về những sai phạm
- 11-03-2016Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ do Tổng thầu Trung Quốc nợ hơn 500 tỷ đồng
- 10-03-2016“Phải Thanh tra toàn diện công trình đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông”
- 10-03-2016Công trình đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông: Thiếu an toàn, nhiều sai phạm
Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội về dự án Đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, đây là một dự án có dấu hiệu không bình thường. Dự án này liên tục chậm tiến độ, đội vốn song trong quá trình thi công chưa đảm bảo an toàn và đã có trường hợp tử vong do sự mất an toàn gây ra.
Đặt vấn đề cơ quan Quốc hội có nên giám sát dự án này hay không, ông Hiển cho rằng việc giám sát của Quốc hội phải được đưa vào kế hoạch từ trước. Còn việc thanh tra hay không thì cần xem xét nếu có dấu hiệu như chậm tiến độ, nâng giá không hợp lý.
“Cấp độ Quốc hội có giám sát hay không còn phụ thuộc vào các Uỷ ban. Nếu các Ủy ban thấy rằng cần thiết phải tiến hành, giám sát ở cấp độ Uỷ ban. Còn giám sát ở cấp độ Quốc hội thì đối với các dự án tầm quan trọng lớn hơn như giám sát việc sử dụng vốn ODA. Nhiều đại biểu Quốc hội đang bàn để giám sát việc sử dụng vốn ODA. Vốn ODA cũng có rất nhiều công trình, dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông đó là một trong những công trình có vốn ODA, khi đủ điều kiện cần thiết sẽ tiến hành”, ông Hiển cho biết.
Tuy nhiên theo ông Hiển, hiện Bộ GTVT, TP Hà Nội đã tiến hành giám sát, đôn đốc kĩ lưỡng đối với dự án này, do đó các ủy ban của Quốc hội chưa chắc sẽ vào cuộc vì dễ dẫn đến sự chồng chéo.
Cũng theo ông Hiển, thời gian tới, Quốc hội khóa mới sẽ giám sát việc sử dụng nguồn vốn ODA. Trong quá trình giám sát đầu tư công cũng có thể tiến hành giám sát. Vấn đề đã được tính trong kế hoạch của Uỷ ban. Trước mắt, khi dự án này có tổng vốn đầu tư tăng lên, chậm thi công, không đảm bảo an toàn…là những vấn đề có dấu hiệu không bình thường nên ần phải được xem xét thấu đáo.
Quá trình xem xét cụ thể sẽ là việc tăng mức tổng đầu tư lên thì mức tăng đó có hợp lý hay không? Vì sao lại tăng hoặc khi chủ thầu cố tình bỏ thầu thấp để trúng thầu nhưng lại kéo dài thời gian để mà nâng mức tổng đầu tư lên…là những yếu tố cần được xem xét một cách kỹ lưỡng trong quy trình điều tra.
Ông Hiển còn cho rằng, vừa qua có một số dự án ODA khi tổ chức đấu thầu cũng có một số yếu tố cần phải xem xét. Ví dụ, một nước khi bỏ vốn để đầu tư, người ta lại yêu cầu đối tượng tham gia chỉ ở trong khuôn khổ nhất định nên khi ký kết vay ODA phải tính đến những yếu tố đó.
Ngoài ra cũng cần phải tìm hiểu kỹ thời gian chủ đầu tư kéo dài tiến độ thi công so với kế hoạch là vì lý do gì? Tất cả các công trình đều phải có tiến độ thi công đảm bảo, đó là một yếu tố để xác định chất lượng và vấn đề đấu thầu. Nhưng chủ thầu chậm đưa công trình vào khai thác trong khi có vốn, tức là hiệu quả sử dụng không đúng kế hoạch theo ông Hiển thì rõ ràng là có lãng phí.
Điều bất ổn nhất của dự án này theo ông Hiển là việc người dân đang lo ngại về vấn đề an toàn của dự án, do đó tổng thầu phải tính đến những giải pháp nào đó đảm bảo tuyệt đối an toàn, giảm ùn tắc giao thông và hơn lúc nào hết phải luôn đặt tính mạng người dân lên hàng đầu./.
VOV