MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ đầu tư ParkCity bị tố lật kèo

02-11-2015 - 09:43 AM | Bất động sản

Tự ý thay đổi thiết kế xây dựng để “ép” khách hàng phải nộp thêm tiền mua nhà; tranh chấp hợp đồng với khách hàng vẫn chưa được giải quyết, thì chủ đầu tư đã tự ý mang bán tài sản cho bên thứ ba gây thiệt hại hàng tỷ đồng cho khách hàng…

Đây là hàng loạt dấu hiệu làm “khó” của Công ty Cổ phần Phát triển đô thị quốc tế Việt Nam - chủ đầu tư Dự án ParkCity đã bị khách hàng tố cáo đến các cơ quan chức năng. 

Bỗng dưng bị thu thêm tiền?

Những nội dung phản ánh như trên, được bà Trần Thị Dung (trú tại N1, C12 Tập thể Nhà máy Pin Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội) là một khách hàng mua nhà tại Dự án Khu đô thị mới ParkCity gửi đến các cơ quan năng.

Theo bà Dung, ngày 24/11/2011, bà đã ký Hợp đồng mua bán nhà ở số 153/SPA-TH-VIDC với Công ty Cổ phần Phát triển đô thị quốc tế Việt Nam (VIDC) căn nhà số 06, dãy 05 thuộc Tiểu khu Ngọc Lan, Khu đô thị mới ParkCity. Ngay sau khi ký hợp đồng kèm bản vẽ thiết kế thi công, bà Dung đã phải nộp 30% tổng giá trị hợp đồng mua bán, tương đương hơn 3,2 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến ngày 10/1/2013, Tổng Giám đốc VIDC Lawrence Peh lại gửi văn bản yêu cầu bà phải nộp thêm 315 triệu đồng tiền chỉnh sửa, thay đổi thiết kế căn nhà. Lý do được Tổng Giám đốc VIDC Lawrence Peh đưa ra là do: “Bản vẽ và thiết kế gốc căn nhà 06/05/TH4B(M) đã bị thay đổi theo yêu cầu của chồng bà, ông Nguyễn Chân Phương”!

Cho rằng cách lý giải trên của Tổng Giám đốc VIDC là hoàn toàn vô lý, không có cơ sở pháp luật; VIDC đã tự ý cho thi công căn nhà không theo như thiết kế tại bản vẽ kèm theo trong hợp đồng, hai bên chưa từng có thêm thỏa thuận hay ký thêm phụ lục để thay đổi hợp đồng mua bán, chỉnh sửa thiết kế xây dựng; bà Dung đã không chấp thuận đóng số tiền nói trên.

“Hợp đồng mua bán nhà ở số 153/SPA-TH-VIDC được thỏa thuận và ký kết giữa tôi và VIDC, không liên quan đến chồng tôi là ông Nguyễn Chân Phương. Tôi là chủ thể pháp lý đứng tên trong hợp đồng, do vậy mọi giao dịch, thỏa thuận phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng chỉ có tôi mới đủ tư cách đàm phán với VIDC” - bà Trần Thị Dung cho biết.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Chân Phương (chồng bà Dung) cho biết thêm, trong quãng thời gian từ 2008 - 2012, ông giữ cương vị Phó Tổng Giám đốc VIDC, nhưng kể từ ngày 24/11/2011, khi bà Dung và VIDC ký kết hợp đồng mua bán nhà kèm bản vẽ thiết kế xây dựng, cá nhân ông không có bất kỳ ý kiến nào với VIDC về việc chỉnh sửa, thay đổi thiết kế căn nhà nói trên.

“Bản thân gia đình tôi luôn có thiện chí chủ động đề nghị được gặp, làm việc trực tiếp với Tổng Giám đốc VIDC Lawrence Peh để làm rõ các tranh chấp giữa hai bên, cùng nhau tìm cách giải quyết. Nhưng đến nay, vị Tổng Giám đốc này chưa một lần sắp xếp lịch làm việc với gia đình tôi. Thậm chí, phía VIDC còn có dấu hiệu lạm dụng chiếm đoạt tài sản của gia đình tôi thông qua vụ việc tranh chấp này” - ông Phương chia sẻ.

Khách hàng thiệt đơn thiệt kép khi “chơi” với VIDC

Trong khi số tiền phát sinh ngoài hợp đồng 315 triệu đồng còn chưa được giải quyết xong, ngày 22/8/2013, VIDC tiếp tục gửi Thông báo nộp tiền lần 2 tới bà Dung, với số tiền hơn 1,6 tỷ đồng, tương đương 15% giá trị hợp đồng mua bán nhà ở.

Bà Trần Thị Dung đã từ chối chưa nộp và có văn bản gửi đến VIDC nêu rõ: “Tôi sẽ thực hiện nghĩa vụ thanh toán đúng theo quy định trong hợp đồng nếu VIDC cũng chấp hành đúng các điều khoản về nghĩa vụ của Công ty trong Hợp đồng (thi công theo đúng bản vẽ trong hợp đồng, đúng chất lượng, tiến độ và thời hạn bàn giao nhà)”.

Lấy lý do bà Dung vi phạm thời gian nộp tiền, ngày 19/2/2014, Công ty Luật TNHH Winco (số 343 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) là đơn vị được VIDC ủy quyền, đã có Thông báo chấm dứt hợp đồng số 153/SPA-TH-VIDC gửi tới bà Dung. Ngoài ra, bà Dung còn phải chịu các khoản tiền phạt hợp đồng, lãi suất chậm thanh toán, phí luật sư do VIDC đưa ra và chỉ còn được nhận lại gần 1,8 tỷ đồng so với số tiền thực tế đã nộp hơn là 3,2 tỷ đồng (tương đương 30% giá trị hợp đồng)! “Việc thanh toán sẽ được thực hiện sau khi VIDC bán được căn nhà số 06, dãy 05… cho người thứ 3” - luật sư Vũ Sông Hồng, Công ty Luật TNHH Winco nhấn mạnh.

Để giải quyết dứt điểm các tranh chấp giữa hai bên, ngày 19/5/2014, đại diện VIDC, Công ty Luật Winco và bà Dung đã có buổi làm việc. Các bên cùng thống nhất sẽ tiếp tục thương lượng, hòa giải để giải quyết.

Tuy nhiên, đến ngày 7/8/2015, phía Công ty Luật Winco đã ra Thông báo số 78/2015/CV-Winco gửi tới bà Dung về việc nhận lại số tiền sau khi đã phạt hợp đồng và Công ty VIDC đã hoàn tất các thủ tục chuyển nhượng căn hộ số 06/05/TH4B(M) cho bên thứ 3!

Để tìm hiểu hướng giải quyết của VIDC trong vụ tranh chấp này, ngày 15/10/2015, chúng tôi đã đến trụ sở giao dịch của VIDC (Khu đô thị ParkCity, đường Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội) để đặt lịch làm việc với lãnh đạo Công ty. Bà Nguyễn Hồng Sáng, cán bộ Phòng Phát triển Doanh nghiệp của VIDC đã tiếp nhận nội dung cũng như giấy giới thiệu của phóng viên và hẹn sẽ báo cáo lãnh đạo để sắp lịch làm việc sớm nhất. Tuy nhiên, từ ngày 15/10 đến nay, dù cho chúng tôi đã rất nhiều lần chủ động liên hệ lại để nắm bắt lịch làm việc cụ thể, nhưng phía VIDC vẫn chưa bố trí lịch.

Được biết, để bảo việc quyền lời chính đáng của mình, cũng như cho rằng phía VIDC đang bất hợp tác, cố tình gây khó dễ cho khách hàng, có dấu hiệu lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, bà Trần Thị Dung đã gửi đơn tố cáo đến cáo Cơ quan Cơ quan Cảnh sát Bộ Công an đề nghị giải quyết. Cục Cảnh sát Hình sự (C45) Bộ Công an đã có giấy mời bà Dung lên để làm việc, giải quyết.

Nhìn nhận vụ việc tranh chấp dưới góc độ pháp lý, luật sư Lê Thanh Sơn, Trưởng Văn phòng Luật sư AJC, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết: Theo Điều 428 Bộ Luật Dân sự năm 2005 quy định về Hợp đồng mua bán tài sản thì: “Hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao tài sản cho bên mua và nhận tiền, còn bên mua có nghĩa vụ nhận tài sản và trả tiền cho bên bán”.

Như vậy, hợp đồng mua bán nhà ở số 153/SPA-TH-VIDC được thỏa thuận và ký kết giữa bà Trần Thị Dung và VIDC, không liên quan đến ông Nguyễn Chân Phương. Mọi sửa đổi, bổ sung liên quan đến hợp đồng này đều phải do bà Dung và VIDC thỏa thuận.

Theo Quang Đông

Thanh Tra

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên