MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơ hội của những dự án “chết” rất lớn

18-05-2015 - 15:10 PM | Bất động sản

TP.HCM đang tích cực rà soát toàn bộ những dự án bất động sản đã và đang triển khai trên địa bàn. Qua đó, những doanh nghiệp nếu bị lọt vào danh sách “tay không bắt giặt”, chây ỳ trong triển khai dự án theo cam kết chắc chắn sẽ bị thu hồi để chuyển đổi mục đích và chủ đầu tư.

Tóm tắt

- Những dự án nằm trong diện bị thu hồi, hủy bỏ chủ trương đầu tư phần lớn rơi vào các dự án chưa di dời, giải phóng xong mặt bằng, đền bù giải tỏa dẫn đến chậm hoặc không hoàn thành tiến độ thi công, thực hiện dự án, buộc phải “đắp chiếu” trong thời gian dài.

- Trong năm nay tiến trình mua bán, chuyển nhượng dự án sẽ còn tiếp tục sôi động hơn vì chính thị trường đang có sự cơ cấu, sàng lọc lại.

- Trước kia việc chuyển nhượng dự án khá khó khăn do nhiều quy định ràng buộc từ giải phóng mặt bằng, đóng tiền sử dụng đất, quy hoạch 1/500… thì nay, chủ đầu tư cũ chỉ cần chứng minh được có quỹ “đất sạch” là có thể chuyển sang cho chủ đầu tư mới được.


Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP. HCM tính đến nay, trên toàn địa bàn thành phố có gần 2.000 dự án phát triển nhà ở, trong đó có 526 dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng, gần 500 dự án đang triển khai xây dựng. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm, số dự án buộc phải tạm ngưng triển khai xây dựng lại chiếm con số đáng kể, gần cán mốc 700 dự án (chiếm tỷ lệ  xấp xỉ gần 50%) và nhiều dự án khác vừa bị thành phố thu hồi hoặc hủy bỏ chủ trương đầu tư.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (Horea) cho rằng, những dự án nằm trong diện bị thu hồi, hủy bỏ chủ trương đầu tư phần lớn rơi vào các dự án chưa di dời, giải phóng xong mặt bằng, đền bù giải tỏa dẫn đến chậm hoặc không hoàn thành tiến độ thi công, thực hiện dự án, buộc phải “đắp chiếu” trong thời gian dài.

Trong đó, không loại trừ những trường hợp, chủ đầu tư yếu về năng lực tài chính, năng lực quản trị dẫn đến đầu tư sai trọng tâm, không đáp ứng đúng được yêu cầu thị trường khiến dự án không thể triển khai nổi.

“Còn đối với những dự án đang phải tạm ngưng triển khai, mặc dù đến nay vẫn chưa có sự phân loại, sắp xếp cụ thể đối với từng dự án nhưng theo giới phân tích đầu tư, đây sẽ là ẩn số cho thị trường trong năm nay. Thậm chí còn trở thành “miếng mồi” béo bở cho những thương vụ mua bán, chuyển nhượng đã âm thầm khởi động từ một vài năm trước, ngay trong bối cảnh thị trường vẫn còn bao phủ bởi bầu không khí trầm lắng”, ông Châu cho biết.

Theo phân tích của nhiều chuyên gia kinh tế, trong năm nay tiến trình mua bán, chuyển nhượng dự án sẽ còn tiếp tục sôi động hơn vì chính thị trường đang có sự cơ cấu, sàng lọc lại.  Một số chủ đầu tư, dự án nào không còn đủ khả năng sẽ bị những đối thủ “nặng ký” hơn thâu tóm hoặc phải tự động rời bỏ cuộc chơi đang ngày một canh tranh gay gắt, cũng như ngày một chuyên nghiệp hơn .

Khẳng định mạnh mẽ cho nhận định trên, ông Nguyễn Nam Sơn, Giám đốc Điều hành Vietnam Capital Partners, nói: “Những gì đang diễn ra cho thấy thị trường bất động sản Việt Nam đã xác lập đáy và đang bước vào một chu kỳ mới. Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ quay trở lại thị trường này sớm hơn tính toán và đó cũng là lý do sau 7 năm quỹ đầu tư này mới quay trở lại lĩnh vực bất động sản Việt Nam”.

Tuy nhiên, khi nói về con số hàng trăm dự án phải ngưng triển khai, thu hồi, một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) cho rằng, với hàng loạt quy định mới trong Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật kinh doanh Bất động sản… được thông qua việc “khai tử” đối với những DN yếu kém, không có đủ năng lực sẽ dễ dàng, thuận lợi hơn. Nên thời gian tới, nhiều nhà phát triển dự án “tay ngang”, đầu tư theo phong trào, ngoài ngành sẽ khó có thể bám trụ thị trường bởi quy luật đào thải.

Đồng thời, Luật mới quy định rất chặt chẽ đối với những chủ đầu tư, dự án không đáp đúng yêu cầu, tiến độ sẽ buộc phải thu hồi để giao cho các đầu tư khác có tiềm lực hơn tiếp tục triển khai. Ngoài ra, nếu như trước kia việc chuyển nhượng dự án khá khó khăn do nhiều quy định ràng buộc từ giải phóng mặt bằng, đóng tiền sử dụng đất, quy hoạch 1/500… thì nay, chủ đầu tư cũ chỉ cần chứng minh được có quỹ “đất sạch” là có thể chuyển sang cho chủ đầu tư mới được.

Đứng về phía một số chủ đầu tư, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho rằng, không phải tất cả những doanh nghiệp bán đi dự án của mình trong bối cảnh thị trường trầm lắng đều rơi vào cảnh khó khăn về tài chính hoặc quản trị yếu kém mới phải tìm cách xoay xở, bán đi dự án khi vừa mới khởi động hoặc thậm chí đã hoàn thành. Ngược lại, đây là hoạt động kinh doanh hết sức bình thường của các nhà đầu tư, phát triển BĐS chuyên nghiệp. Khi bên mua và bên bán gặp nhau ở một điểm chung thì việc mua hoặc bán đều đạt được kỳ vọng từ cả hai phía.

Đăng Khải

CTV - Minh Tú

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên