Đất vàng chung cư cũ:10 năm chờ ngày hồi sinh!
Gần như 10 năm sau Nghị quyết của Chính phủ về cải tạo, xây mới chung cư cũ, tại Hà Nội chỉ 1% chung cư được cải tạo xây mới. Vướng mắc lớn nhất trong việc cải tạo chung cư cũ là hạn chế nhà cao tầng trong nội đô đã được tháo gỡ bằng Nghị định 101/2015/NĐ-CP.
Nhìn từ chung cư B6 Giảng Võ
Năm 2007, hơn 100 hộ dân chung cư B6 Giảng Võ đã bàn giao nhà cho chủ đầu tư phá dỡ để xây dựng lại. Đây là dự án cải tạo chung cư cũ đầu tư áp dụng theo mô hình người dân tự chọn chủ đầu tư. Tuy nhiên, sau hơn 6 năm triển khai thi công, chỉ có hàng rào bao quanh được dựng lên và bên trong là nền đất trống. Các hộ dân nhà B6 phải tự thuê nhà tạm cư suốt 6 năm qua, không biết đến bao giờ về nơi ở cũ. Bà Tô Thị Thanh (cư dân B6) nói: “Chúng tôi đã thuê nhà hơn 6 năm, chuyển tới vài lần chỗ ở mà vẫn chưa thấy nhà mới...”.
Hơn 8 năm trước, cư dân nhà B6 Giảng Võ chọn Tổng Cty 36 và Cty Mefrimex làm chủ đầu tư. Trong đó Tổng Cty 36 làm nhà thầu thi công và đại diện chủ đầu tư, Cty Mefrimex chịu trách nhiệm cung cấp vốn và toàn quyền quyết định các phương án đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, sau một thời gian thi công, Cty Mefrimex không có tiền trả cho bên thi công, dẫn đến kiện cáo giữa hai nhà đầu tư diễn ra kéo dài. Dù hiện tại, bản án của tòa án xác định phần lỗi hoàn toàn do Cty Mefrimex, nhưng lại không áp mức bồi thường cho Tổng Cty 36. Bởi vậy, sau gần 10 năm, đến giờ cư dân vẫn bơ vơ.
Thống kê của Sở Xây dựng TP. Hà Nội cho biết, 4 quận nội thành cũ có 935 nhà chung cư cũ, còn lại phân bố rải rác 8 quận còn lại và các huyện Đông Anh, Gia Lâm. Trong tổng số quỹ nhà chung cư nói trên, có 273 nhà lắp ghép tấm lớn, 856 nhà xây gạch, 193 nhà khung bêtông cốt thép, còn lại là các kết cấu khác. Tuy nhiên đã hơn 10 năm kể từ khi nghị quyết cải tạo chung cư cũ được ban hành đến nay, mới chỉ có khoảng 14 chung cư cũ được cải tạo, sửa chữa- tương đương chưa đến 1% tổng số chung cư cũ.
“Đất vàng” vẫn không đủ sức hút!
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, đầu tư cải tạo, xây mới nhà chung cư cũ thì doanh nghiệp nào cũng muốn làm, nhưng khó khăn nhiều vô kể. Động đâu cũng thấy rắc rối và trở ngại. Doanh nghiệp muốn xây dựng cao hơn lại vấp phải quy hoạch nội đô và kiến trúc cảnh quan của thành phố. Nhưng nếu không tăng chiều cao, diện tích xây dựng thì không đủ chi phí giải toả và không có lợi nhuận. Còn nếu tăng chiều cao, tăng hệ số sử dụng đất sẽ gây áp lực lên hạ tầng kỹ thuật: Điện, nước, giao thông ở các quận nội đô vốn đã rất yếu. Bên cạnh đó, việc xây mới các chung cư cũ cũng làm gia tăng mâu thuẫn về chủ trương giảm dân số nội đô của Hà Nội.
Ông Nguyễn Chí Thanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội môi giới BĐS, cho rằng, nếu các nhà chung cư cũ có khoảng 3 tầng, 5 tầng mà chỉ được xây lên đến 7 tầng, 9 tầng thì chưa đủ diện tích để trả lại cho người dân theo đề nghị tăng diện tích lên để đảm bảo chỗ ở của họ, chứ chưa nói đến việc có lợi nhuận.
Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Cty TNHH quản lý và phát triển nhà Hà Nội - ông Nguyễn Đức Sơn, cho rằng, trên thực tế việc chậm trễ cải tạo chung cư tại Hà Nội một phần do chính sách thay đổi (do siết việc xây cao tầng trong nội đô), một nguyên nhân khác nữa là do người dân phản đối. “Nhiều chủ đầu tư đã đưa ra rất nhiều ưu đãi như trả lại diện tích gấp 2,5 lần diện tích cũ, giá mua cũng ưu đãi. Tuy nhiên, người dân vẫn phản đối, đặc biệt là các hộ dân ở tầng 1. Tuy nhiên ông Sơn cho rằng, thành phố phải đứng ra làm chủ. Theo ông Sơn, nếu 70% người dân đồng thuận cải tạo xây mới thì có thể cưỡng chế những hộ dân còn lại để cải tạo, xây mới”.
Khi được hỏi về lợi nhuận của doanh nghiệp bị khống chế ở mức 10% trong trường hợp doanh nghiệp kinh doanh bất động sản được UBND cấp tỉnh quyết định làm chủ đầu tư, ông Sơn cho rằng: “Giờ nhiều doanh nghiệp BĐS cũng chỉ mong có việc. Có khi lợi nhuận chỉ cần 5 - 7% hoặc gần như hòa vốn thôi cũng hút các doanh nghiệp. Điều họ ngại nhất là đáp ứng quyền lợi của cư dân chung cư cũ”.
Trong khi đó, để có một hành lang pháp lý hoàn chỉnh, sắp tới, Sở Xây dựng TP.Hà Nội sẽ xây dựng ban hành quy định về cơ chế chính sách cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tiễn của thủ đô để đẩy nhanh tiến độ cải tạo - xây dựng chung cư cũ. Nghĩa là các doanh nghiệp sẽ phải đợi một thời gian nữa.
Lao động