Đầu cơ bất động sản Tp.HCM đã quay lại?
Thị trường bất động sản Tp.HCM vẫn đang phát triển ổn định, tình trạng đầu cơ còn ít. Giao dịch phần lớn trên thị trường ước tính khoảng 90% là mua ở thực và cho thuê.
- 08-04-2015Bất động sản nghỉ dưỡng: Kênh đầu cơ của giới nhiều tiền?
- 21-01-2015Chưa hết hàng tồn đã hối nhau đầu cơ căn hộ
- 12-01-2015Đầu cơ tăng mạnh tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản 2015
- 12-01-2015Bất động sản hứng khởi, chỉ lo... máu đầu cơ
Tóm tắt
- Theo ông Nguyễn Vĩnh Trân, Chủ tịch Quỹ Jen Capital, trên thị trường hiện nay, có đến 90% người mua là có nhu cầu ở thật đối với loại nhà vừa túi tiền, còn lại 10% mua là để cho thuê lại. Điều này đang phản ánh đúng bản chất của thị trường BĐS Việt Nam lúc này.
- Hiện nay, việc gửi tiền nhàn rỗi của người dân vào ngân hàng không sinh lợi nhiều bằng đầu tư vào nhà ở. Do vậy, người dân đầu tư nhiều vào nhà ở để đón đầu cơ hội vài năm tới là nhu cầu có thật.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng nếu nền kinh tế vĩ mô Việt Nam phục hồi đúng như dự báo và tính toán của Chính phủ thì thị trường BĐS cũng sẽ phục hồi trong thời gian tới. Tuy nhiên, nếu trên thị trường BĐS tiếp tục xuất hiện chiêu thức làm giá, đẩy giá ảo và đầu cơ thì thị trường luôn tiềm ẩn nguy cơ "bong bóng". Chính phủ có đưa ra giải pháp, chính sách tốt tới đâu cũng khó tạo được sự phát triển bền vững cho thị trường.
Theo nhận định của ông Nguyễn Vĩnh Trân, Chủ tịch điều hành Quỹ Jen Capital, trước đây giao dịch trên thị trường nhà đất có đến 70% thuộc dạng đầu cơ. Tuy nhiên, thời gian gần đây đã xuất hiện làn sóng đầu tư thật theo đúng nhu cầu thật của thị trường nên dần loại bỏ bớt tình trạng đầu cơ, tạo bong bóng ảo trên thị trường.
Ông Trân cho rằng, đối với các dòng sản phẩm vừa túi tiền của nhiều nhà đầu tư trên thị trường hiện nay, cho thấy có đến 90% người mua là có nhu cầu ở thật, còn lại 10% mua là để cho thuê lại. Điều này đang phản ánh đúng bản chất của thị trường BĐS Việt Nam lúc này.
Trao đổi với chúng tôi mới đây, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Đầu tư công ty Savills Việt Nam, khẳng định rằng từ quý 3/2014 đến nay lượng giao dịch nhà ở trên thị trường tăng mạnh. Tuy nhiên, xét trên bình diện chung, đầu cơ trong khối này tương đối nhỏ, chủ yếu mua nhà cho thuê.
Bởi vì hiện nay, việc gửi tiền nhàn rỗi của người dân vào ngân hàng không sinh lợi nhiều bằng đầu tư vào nhà ở. Do vậy, đầu tư vào nhà ở để đón đầu cơ hội vài năm tới là nhu cầu có thật.
Thống kê mới nhất từ Bộ Xây dựng cho thấy trong 4 tháng đầu năm 2015, trên thị trường địa ốc Hà Nội và Tp.HCM có lượng giao dịch thành công tăng cao, gấp khoảng 3 lần so với năm 2014. Cụ thể, tại Hà Nội khoảng 5800 giao dịch thành công còn Tp.HCM khoảng 5400 giao dịch thành công.
Thị trường BĐS khởi sắc hơn, giá bất động sản cũng vì thế đang có xu hướng tăng lên, đặc biệt là phân khúc căn hộ. Từ đó, những người mua bất động sản trong giai đoạn "đáy" của thị trường hiện đang có giá trị gia tăng đáng kể, ước tính khoảng 15% so với năm ngoái.
Đây là mức lợi nhuận đủ hấp dẫn để giới đầu tư địa ốc tham gia thị trường. Theo quan điểm của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), một khi thị trường bắt đầu trở lại quỹ đạo phát triển, việc một số nhà đầu cơ xuất hiện là điều khó tránh khỏi.
"Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại chúng tôi có thể khẳng định rằng trên thị trường hiện nay hầu như ít có hiện tượng này, chưa có một báo cáo phân tích nào cho thấy có đầu cơ làm lũng đoạn thị trường. Thay vào đó, các nhà đầu tư quay trở lại thị trường là một tín hiệu rõ nhất”. ông Châu nói
Bên cạnh đó, nhà đầu tư thứ cấp hiện nay khác nhiều so với trước đây. Giai đoạn 2006-2007 có rất nhiều nhà đầu tư thứ cấp thiếu thông tin, kỹ năng, chủ yếu đầu tư kiểu lướt sóng, “bầy đàn” và bị thất bại. Còn nhà đầu tư thứ cấp hiện tại là những nhà đầu tư có trình độ, am hiểu thị trường, có năng lực tài chính và tầm nhìn dài hạn, hoàn toàn khác so với trước về chất.
Những nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp chính là người kết nối phát triển BĐS với người tiêu dùng. Họ rất cần thiết trong dây chuyền sản xuất kinh doanh BĐS, là một thành phần trên thị trường.
Ông Châu nói thêm: “Chúng ta cần có các quy định kiểm soát chặt số lượng nhà được mua đối với một người và thời hạn được phép bán hay sang nhượng, chứ không phải làm ăn kiểu “rau tươi trao tay ngay khi ra khỏi chợ”.