Điểm danh dự án BĐS nợ đầm đìa ngân sách
Nhiều chủ đầu tư các dự án bất động sản (BĐS) trên địa bàn thành phố Hà Nội đang viện đủ lý do để chây ì nộp tiền sử dụng đất. Thậm chí có những dự án đã triển khai bán và doanh thu lớn vẫn chây ì.
- 26-02-2016Sai phạm tại doanh nghiệp "họ" Sông Đà: Tiền tạm ứng cá nhân, nợ thuế hàng chục tỷ đồng
- 01-02-2016Hà Nội yêu cầu xử lý vi phạm tại dự án Discovery Complex
- 21-01-2016Chưa thể khẳng định dự án Discovery Complex 302 Cầu Giấy sai phạm
- 19-01-2016Lộ sai phạm tại Dự án Discovery Complex 302 Cầu Giấy
Nhiều khúc mắc nợ thuế
Số tiền các dự án BĐS trốn nghĩa vụ ngân sách hiện lên tới khoảng 7.000 tỷ đồng, trong đó phần lớn là tiền sử dụng đất và các khoản nợ thuế.
Theo Cục Thuế thành phố Hà Nội, đứng đầu danh sách là Tổng Cty Đường sắt Việt Nam có một dự án tại quận Đống Đa với số tiền nợ lên tới hơn 657 tỷ đồng (tính đến thời điểm 30/11/2015). Ngoài ra, Tổng Cty Đường sắt Việt Nam còn nhùng nhằng liên quan đến chuyển nhượng vốn tại Cty TNHH Khách sạn Thương mại Sài Gòn. Cty này quản lý Khách sạn Thương mại Sài Gòn nằm tại lô đất “vàng” khoảng 1.260 m2 tại ngã tư Lý Thường Kiệt - Phan Bội Châu (quận Hoàn kiếm).
Việc “bán đứt” miếng đất tài sản nhà nước thay vì cho thuê dài hạn đã gây tranh cãi suốt năm trước. Điều này ảnh hưởng đến việc xác định nghĩa vụ ngân sách khi chuyển nhượng lô đất. Theo một cán bộ Chi cục Quản lý Công sản (Sở Tài chính thành phố Hà Nội) cho biết, hiện phải chờ Bộ GTVT quyết định phương án.
Một đơn vị không có chức năng kinh doanh BĐS là Tổng Cty Thép Việt Nam, cũng nợ đến hơn 70 tỷ đồng tiền sử dụng đất tại dự án nhà cao tầng, văn phòng căn hộ ở 120 Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy, Hà Nội).
Trao đổi về vấn đề này, ông Trịnh Khôi Nguyên, Phó Tổng Giám đốc Tổng Cty Thép Việt Nam cho biết, bản thân Cty không có kinh nghiệm làm BĐS nên gọi liên doanh, liên kết. Tuy nhiên, Cty liên doanh, liên kết cũng không đủ khả năng triển khai, dẫn đến chậm trễ kéo dài. Hiện, số tiền phạt chậm trả tiền sử dụng đất lớn. Trong khi đó, dự án đang gặp khó khăn nhất ở khâu giải phóng mặt bằng.
Trong danh sách nợ đầm đìa ngân sách, còn có những tên tuổi lớn trên thị trường địa ốc, như: Hòa Bình Green City (Minh Khai, Hà Nội) do Cty TNHH Hòa Bình làm chủ đầu tư nợ tiền sử dụng đất chưa nộp đến 30/11/2015 với tổng cộng lên đến 225,014 tỷ đồng.
Chủ đầu tư 8B Lê Trực từng chây ì
Chúng tôi từng đưa tin đến các sai phạm tại Dự án Discovery Complex 302 Cầu Giấy của Cty CP Đầu tư Thương mại Dịch vụ Cầu Giấy (là thành viên của Tập đoàn Kinh Đô TCI - chủ đầu tư của công trình 8B Lê Trực). Trong số đó, Thanh tra thành phố Hà Nội từng xác định sai phạm nghĩa vụ tiền sử dụng đất lên tới hơn 41 tỷ đồng do điều chỉnh tăng thêm 20 tầng từ nhiều năm trước. Theo chuyên gia tài chính tính toán, nếu cộng thêm khoản tiền phạt theo quy định, chủ đầu tư sẽ phải nộp số tiền lên tới gần 100 tỷ đồng. Được biết, sau khi bị bêu tên, chủ đầu tư đã chấp nhận nộp khoản tiền trên vào ngân sách.
Trao đổi với chúng tôi, Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội, ông Hà Minh Hải cho biết, căn cứ tính tiền thuê đất các dự án BĐS do cơ quan tài nguyên môi trường xác định, từ đó cơ quan thuế ra thông báo cho chủ đầu tư thực hiện. Việc ra thông báo chỉ trong 2 ngày, sắp tới áp dụng hệ thống điện tử, quy trình ra thông báo để chủ đầu tư thực hiện còn nhanh hơn. Với những dự án có thay đổi, cơ quan thuế sẽ căn cứ vào hồ sơ của cơ quan tài nguyên môi trường để xác định nghĩa vụ tài chính, trình thành phố ra quyết định.
Tiền Phong