Thời gian thi công dự kiến kéo dài từ ngày 15.10.2014 đến ngày 25.4.2015. Dự án với tổng mức đầu tư gần 400 tỉ đồng.
Con đường này sẽ được phong tỏa để cải tạo, xây dựng thành đường đi bộ, mặt đường và vỉa hè được lát bằng đá granite với hệ thống đèn chiếu sáng, cây xanh.
Tuyến đường này có tổng chiều dài 670m, điểm đầu là đường Lê Lợi điểm cuối là đường Tôn Đức Thắng; bề rộng 60,6m trong đó phần xe chạy là 21 m, phần quảng trường, đường đi bộ rộng 27m, vỉa hè hai bên rộng 12,6m.
Việc phong tỏa đường Nguyễn Huệ khiến việc buôn bán, đi lại gặp khó khăn và nhiều người Sài Gòn cảm thấy hết sức ngỡ ngàng.
Lập rào chắn, đào với vỉa hè buôn bán ế ẩm
Theo ghi nhận của PV Một Thế Giới, tại tuyến đường Nguyễn Huệ, quận 1 chủ đầu tư đã đào bới, lập lô cốt, rào chắn ở một số đoạn khiến tuyến đường sầm uất ít người qua lại bởi việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều hộ kinh doanh, buôn bán vắng khách, ế ẩm.
|
Chủ đầu tư đã đào bới, lập lô cốt, rào chắn ở một số đoạn khiến tuyến đường sầm uất ít người qua lại |
|
Đường Nguyễn Huệ sắp bị bế quan tỏa cảng buôn bán, kinh doanh vắng khách |
Công trình lập rào chắn thi công phương tiện ít qua lại, vỉa hè bị đào bới nên người nước ngoài cũng sợ đi trên đường này bởi việc đi lại diễn ra khó khăn dẫn đến việc kinh doanh, buôn bán của các hộ dân trên tuyến đường Nguyện Huệ trở nên vắng vẻ.
“Cả ngày ngồi bán được có mấy bộ đồ. Cứ tình trạng này mà kéo dài thì chắc tôi chỉ biết đường trả, đóng cửa, kiếm chỗ khác buôn bán chứ ế ẩm thế này sao đủ tiền trả mặt bằng hàng tháng”, bà Phương chủ cửa hàng số 70C đường Nguyễn Huệ than vãn.
|
Thương xa Tax cũng đóng cửa để bàn giao mặt bằng. |
Không chỉ các chủ cửa hàng, quán xá, trung tâm thương mại bị ảnh hưởng mà trên con đường Nguyễn Huệ còn có rất nhiều nỗi lo thầm lặng của những người bán hàng rong, bác xe ôm gắn bó ở đây gần nửa đời người vẫn cố cầm cự.
Ông Phạm Văn Phú chạy xe ôm 25 năm trên đường Nguyễn Huệ cho biết: “Chạy ở đâu quen đó chú ơi, giờ mà đi chỗ khác tranh giành khách cũng không được, già rồi không biết làm gì nên cũng chỉ biết ngồi ở đây phải gắn bó với cái nghề. Khách tôi chạy chủ yếu là mối lái đi mua hàng, giờ Thương xá Tax chuyển đi chỗ khác, đường Nguyễn Huệ kinh doanh, buôn bán ế ẩm nên ngồi cả ngày cũng chỉ được 2 cuốc xe”.
|
Ông Phạm Văn Phú chạy xe ôm 25 năm trên đường Nguyễn Huệ ngồi cả buổi sáng vẫn không có khách
|
Cùng chung với cảnh ngộ của ông Phú, chị Đặng Thanh Đào bán nước hơn 20 năm tại góc đường Nguyễn Huệ - Tôn Đức Thắng nói với giọng buồn: “Tôi bán ở đây từ khi còn là con gái nên toàn là khách văn phòng quen trong các tòa nhà.
Từ hôm 2.10, Công ty Công viên cây xanh TP.HCM đốn hạnhững cây cổ thụ, bàn giao mặt bằng phục vụ thi công tuyến Metro Bến Thành-Suối Tiên khách vắng tanh bởi không còn bóng mát. Buôn có bạn bán có bán có phường nên giờ đi đâu cũng rất khó khăn trong việc buôn bán và kiếm khách”.
|
Đường Nguyễn Huệ sắp bị bế quan tỏa cảng nhiều tấm biển cho thuê mặt bằng
|
|
Nhiều du khách tranh thủ chụp lại tuyến đường Nguyễn Huệ làm kỉ niệm |
|
Những băng rôn thông báo cho người dân |
Lưu thông như thế nào?
Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tránh ùn tắc tại khu vực thi công, bắt đầu từ ngày 11.10.2014, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM điều chỉnh giao thông phục vụ thi công công trình nâng cấp đường Nguyễn Huệ, quận 1.
Theo đó, các phương tiện sẽ hạn chế lưu thông trên tuyến đường Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM (đoạn từ đường Lê Lợi đến đường Tôn Đức Thắng).
Để tránh đoạn đường thi công, người dân có 2 hướng lưu thông; hướng đi từ Tây sang Đông: Lộ trình 1: Vòng xoay Quách Thị Trang - Hàm Nghi - Hồ Tùng Mậu - Võ Văn Kiệt - Tôn Đức Thắng - Vòng xoay Công trường Mê Linh - Hai Bà Trưng - Công trường Lam Sơn.
Lộ trình 2: Vòng xoay Quách Thị Trang - Lê Lợi - Pasteur - Lý Tự Trọng - Đồng Khởi - Công trường Lam Sơn.
Lộ trình 3: Vòng xoay Ngã 6 Phù Đổng Thiên Vương - Lý Tự Trọng - Đồng Khởi - Công trường Lam Sơn.
Lộ trình 4: Vòng xoay Ngã 6 Phù Đổng Thiên Vương - Nguyễn Thị Nghĩa - Nguyễn Thái Học - Trần Hưng Đạo - Hàm Nghi - Hồ Tùng Mậu - Võ Văn Kiệt - Tôn Đức Thắng - Vòng xoay Công trường Mê Linh - Hai Bà Trưng - Công trường Lam Sơn.
Hướng từ Đông sang Tây: Lộ trình 1: Lê Thánh Tôn - Đồng Khởi - Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi - Vòng xoay Quách Thị Trang - Lê Lai.
Lộ trình 2: Lê Thánh Tôn - Hai Bà Trưng - Nguyễn Du - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Lợi - Vòng xoay Quách Thị Trang - Lê Lai.
Lộ trình 3: Lê Thánh Tôn - Hai Bà Trưng - Vòng xoay Công trường Mê Linh - Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi - Vòng xoay Quách Thị Trang - Lê Lai.
Xe dân cư trong khu vực được phép lưu thông theo hướng dẫn của lực lượng điều tiết giao thông. Người tham gia giao thông qua khu vực này phải tuân thủ hệ thống biển báo hiệu, đồng thời chấp hành theo hướng dẫn của lực lượng điều tiết giao thông và cảnh sát giao thông.
Theo Lê Quyết