MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dừng gói vay 30.000 tỷ: Khách hàng và chủ đầu tư “ngồi trên lửa”

31-03-2016 - 07:01 AM | Bất động sản

Ngày 28/3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục có văn bản gửi các ngân hàng đang triển khai gói 30.000 tỷ về việc dừng ký hợp đồng tín dụng mới trong chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở. Theo đó, 31/3 là thời hạn các ngân hàng kết thúc ký hợp đồng vay mới.

Ngân hàng, chủ đầu tư và người vay mua nhà ở xã hội vì vậy đã, đang “vắt chân lên cổ” chạy đua ký hợp đồng trước 31/3.

So bó đũa, chọn… hợp đồng giải ngân

Theo văn bản ngày 28/3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết qua theo dõi về tình hình cho vay hỗ trợ nhà ở, đến nay số tiền cam kết cho vay của các ngân hàng đối với khách hàng đã đạt trên 30.000 tỷ đồng. Vì vậy, NHNN yêu cầu các ngân hàng dừng ký hợp đồng tín dụng mới kể từ ngày 31/3/2016 đối với toàn bộ đối tượng khách hàng của chương trình . Đồng thời, tập trung giải ngân các hợp đồng tín dụng đã ký theo đúng quy định pháp luật.

Trước đó, NHNN cũng thống kê tính đến ngày 10.3.2016, các ngân hàng đã ký hợp đồng cam kết vay là 30.122 tỷ đồng đối với 46.246 khách hàng, đã giải ngân theo tiến độ 21.321 tỷ đồng.

Với thời hạn chỉ 3 ngày kể từ khi văn bản hôm 28.3 được đưa ra để các NH khép lại hợp đồng vay, chủ đầu tư vay phát triển dự án nhà ở xã hội và cả khách hàng vay mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ, khách hàng vay sửa chữa, cải tạo nhà thuộc nhóm đối tượng được hưởng gói vay…đều đã và đang nháo nhào chen chân sao cho lọt cửa danh sách ngân hàng sẽ ký cho vay mới hoặc chuyển từ hợp đồng cam kết cho vay thành hợp đồng tín dụng có hiệu lực, với dư địa vô cùng hạn hẹp.

Nếu chủ thể đi vay là chủ đầu tư thì phải đang có dự án được khởi công, theo tiến độ giải ngân. Còn chuyển hướng từ hợp đồng cam kết cho vay đến giải ngân mà dự án thực tế không có cơ sở xây dựng theo tiến độ là điệp vụ bất khả, trừ… ngân hàng và chủ đầu tư có cửa lách luật.

Với chủ thể cá nhân vay thuê, mua nhà ở xã hội, cơ hội còn eo hơn kể cả nếu lọt danh sách được ngân hàng cam kết cho vay, vì họ vẫn phải chờ quá trình thẩm định phê duyệt từ phía ngân hàng. Bởi quan trọng nhất, nhiều khách hàng cũng đang phải chờ cả phía chủ đầu tư hợp lệ giấy tờ - điều kiện theo quy định của Luật, như được Sở Xây dựng địa phương cấp phép đủ điều kiện mở bán (Xây, nghiệm thu xong móng dự án). Trên cơ sở đó người vay mua mới được ký hợp đồng mua bán với chủ đầu tư – đủ điều kiện để ngân hàng có thể ký hợp đồng tín dụng giải ngân cho người vay.

Khách hàng và chủ đầu tư cùng “gặp hạn”

Nỗi lo về khách hàng đòi lại suất góp vốn đặt chỗ, hủy hợp đồng mua bán (chưa hợp lệ) vì thông báo dừng gói 30.000 tỷ, trên thực tế đã diễn ra tại TP. HCM.

Theo ghi nhận của phóng viên trong mấy ngày gần đây, người mua nhà đã chen chúc chầu chực để được ký hợp đồng mua bán căn hộ chính thức với Sacomreal, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội Jamona Apartment (đã đổi tên thành Luxury Home). Hàng trăm bức xúc của người mua cũng liên tục được phản ánh trên nhóm “Hội mua nhà Jamona City Quận 7”.

Liên lạc với một vài khách hàng, ghi nhận chung là nhận được phản ánh về việc “chủ đầu tư hứa hẹn người mua được cho vay trong gói 30,000 tỷ, vì vậy họ (khách hàng) mới theo miếng mồi câu dẫn đăng ký mua căn hộ Jamona Apartment. Trong trường hợp không được vay gói tín dụng 30.000 tỷ mà phải trả theo lãi suất thương mại, khách hàng sẽ không mua dự án này”.

Anh Nguyễn Công Thắng, một khách hàng cho biết nếu trường hợp vay tín dụng lãi suất thương mại, anh không chọn Jamona Apartment vì riêng thời gian theo đuổi hồ sơ thủ tục với mong muốn được vay cũng quá phức tạp và tốn quá nhiều thời gian, chi phí cơ hội.

Đáng lo ngại, nhiều khách hàng cho biết họ đang muốn đòi lại tiền nếu không được ký mua bán và được vay gói 30.000 tỷ, do họ đã có suất giao dịch và góp tới 30% trị giá căn hộ ở Block M1 của Jamona Apartment. “Mặc dù chưa xong móng, chủ đầu tư Sacomreal đã huy động của người mua 30% trị giá căn hộ. Biết sai luật, chúng tôi vẫn cố gắng vay tiền để đóng với hy vọng sớm được ký hợp đồng, được NH giải ngân. Không được vay tiền, dĩ nhiên chúng tôi muốn đòi lại tiền để mua căn hộ khác, thậm chí chấp nhận tiền “đóng chết” không lãi suất suốt thời gian qua”, một khách hàng nói.

Được biết Jamona Apartment (Luxury Home) của Sacomreal là dự án có 1.290 căn hộ gồm 2 Block M1 và M2. 80% /tổng số căn là nhà ở xã hội. Từ năm 2015, chủ đầu tư đã công bố đây là dự án bán tốt. Đã có hơn 700 căn hộ được giao dịch.

Trong khi đó, theo công bố của Sở Xây dựng TP. HCM, Block M2 đã được đủ điều kiện được bán, cho thuê thì M1 chưa có trong danh sách này (tính đến 28/3/2016). Tuy nhiên, chủ đầu tư đã huy động vốn 30% / khách hàng từ cách đây 1-2 tháng, và hàng trăm khách vẫn chưa được ký kết hợp đồng tín dụng để giải ngân.

Trả lời báo chí gần đây, ông Bùi Tiến Thắng – Phó tổng giám đốc Thường trực Sacomreal cho biết, tới thời điểm hiện tại phần lớn khách hàng mua nhà tại dự án Jamona Apartment đều chưa được vay giải ngân gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng, dù khoảng 400 trong tổng số hơn 700 khách hàng mua nhà tại dự án đã ký hợp đồng mua bán. Nguyên nhân là do phía ngân hàng phải chờ hoàn thành thủ tục xét duyệt. Và nếu như khách hàng nào chưa được ký hợp đồng, không được vay Sacomreal sẽ trả lại tiền cho khách hàng.

Như vậy, số phận của khoảng 300 khách hàng của Sacomreal đang nắm dao đằng lưỡi mà chưa biết thực tế có được trả lại tiền (với tổng số tiền đã huy động hàng chục tỷ đồng) hay không. Và tại sao Sacomreal đươc phép huy động vốn trái luật mà không ai (cơ quan quản lý, khách hàng) lên tiếng, cho đến khi gói 30.000 tỷ bị thông báo dừng?

Một chuyên gia cho rằng trong trường hợp nếu buộc phải trả tiền, Sacomreal sẽ gặp khó khăn lớn. Hiện dự án này đang tồn kho gần 200 căn nhà ở thương mại, đây là sản phẩm “phái sinh” của dự án nhà ở xã hội, có mức tiêu thụ rất chậm. Sau 5 tháng mở bán, dù đã thay tên, tăng giá, tăng giá trị nội thất… vẫn chỉ bán được trên dưới 20 căn.

Nay cộng thêm lượng tồn kho bị hủy hợp đồng, trong khi “mồi câu dẫn” 30.000 tỷ đã kết thúc, niềm tin với Sacomreal bị ảnh hưởng nếu khách hàng bị hoàn tiền, Luxury Home – tên gọi mới của dự án và thương hiệu của Sacomreal sẽ khó lôi kéo được khách hàng mới đặt mua? Bài toán là nan giải.

Chờ cụ thể hóa chủ trương

Không chỉ khách hàng mua nhà tại dự án của Sacomreal, mà hàng ngàn khách hàng đã đặt kỳ vọng vào gói 30.000 tỷ nhưng chưa được ký hợp đồng giải ngân cũng đều đang rất lo lắng. Đặc biệt là những khách hàng đã có hợp đồng với chủ đầu tư các dự án NOXH như HQC Plaza, HQC Hóc Môn (Hoàng Quân), Chung cư Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội…)

Trấn an khách hàng rằng đã có chủ trương từ cấp Nhà nước và NHNN với văn bản 1425 cho biết nếu hết gói 30.000 tỷ đồng sẽ có gói chuyển tiếp, ông Trương Anh Tuấn – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công Ty Cổ Phần Địa Ốc Hoàng Quân (HQC) ngay sau thông tin gói 30.000 tỷ chấm dứt, đã họp báo công bố đối với khách hàng mua nhà tại các dự án của Hoàng Quân, trong thời gian gói hỗ trợ mới chưa ra đời, Hoàng Quân cam kết sẽ bù lãi suất cho khách hàng để mức lãi suất mà khách hàng chịu chỉ ở mức 6%/ năm.

Ông Tuấn tin là gói mới sẽ được ban hành. Biện pháp cụ thể đó đã khiến khách hàng của HQC không “náo loạn” đòi tiền hoặc “đứng ngồi trên lửa” như ở những dự án mà chủ đầu tư im hơi lặng tiếng khác.

Ghi nhận 1 ngày trước khi gói 30.000 tỷ dừng lại, hiện các ngân hàng thương mại tham gia giải ngân gói 30.000 tỷ, chẳng hạn như OCB hay TienPhongBank, vẫn đang ráo riết “thúc hồ sơ” để ký hợp đồng tín dụng, giải chấp đối với khách hàng đã được cam kết vay mua, đặc biệt là OCB – nhà bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai của Jamona Apartment.

Tuy nhiên việc ráo riết ký hợp đồng tín dụng theo kiểu chạy đua trước thời hạn 31/3, trong khi có dự án chưa có nghiệm thu hạ tầng, đủ điều kiện mua bán, cho thuê nhà ở hình thành trong tương lai như vậy, liệu có bảo đảm tuân thủ đúng luật cũng như đảm bảo chất lượng cho vay- khả năng trả nợ của khách hàng theo đúng tiêu chí gói hỗ trợ?

Theo Thuận Hóa

Diễn Đàn Doanh Nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên