MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đường nghìn tỷ không có rào chống lóa

17-03-2016 - 08:29 AM | Bất động sản

Các tuyến đường đôi (có dải phân cách giữa) được xây dựng nhiều thời gian qua giúp tăng tốc độ lưu thông, an toàn cho lái xe. Tuy nhiên, hạng mục chống chói trên dải phân cách giữa lại chưa được lắp đặt.

Tai ương rình rập

Nhằm giảm áp lực giao thông trên quốc lộ 1A, tuyến đường tránh BOT quốc lộ 1A từ cầu Bến Thủy II (Nghệ An - Hà Tĩnh) đến thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) được khởi công và hoàn thành năm 2014. Đã 2 năm đưa vào sử dụng nhưng trên đoạn đường lại không được lắp đặt hệ thống rào chống lóa.

Ông Nguyễn Văn Tuân (SN 1965, trú tại Xuân Lĩnh, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) cho biết: “Chúng tôi chứng kiến nhiều vụ tai nạn, xe tải đâm nhau hay va chạm với xe máy đều có hết. Có lúc trâu bò ra đường cũng bị đâm chết. Từ khi xong đường cho đến bây giờ chưa thấy họ lắp tấm chống lóa nào”.

Một cán bộ CSGT thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) cho biết thêm, hầu hết các vụ tai nạn đều xuất phát từ nguyên nhân tài xế bị hạn chế tầm nhìn dẫn tới va chạm. Tại ngã tư giao nhau Quốc lộ 1 BOT và đường Nguyễn Đổng Chi (phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh) là nơi tai nạn nhiều và nặng nhất. “Chúng tôi đã có kiến nghị lên cấp trên nhưng chưa thấy khắc phục về hệ thống chống lóa trên đoạn đường này”.

“Trong khi chưa đầu tư được toàn bộ tấm chống chói trên toàn tuyến quốc lộ 1A, lại xảy ra điều rất đáng tiếc tại các đoạn đã đầu tư. Người dân tháo tấm chống chói, găm cọc tre, gỗ vào dải phân cách để trèo qua gây nhiều nguy cơ tai nạn”.

Ông Vũ Ngọc Lăng -Vụ trưởng ATGT,Tổng cục Đường bộ Việt Nam

Anh Bùi Đình Nam (SN 1972, tài xế xe tải) phản ánh: “Tôi thường xuyên đi trên đường tránh, dọc theo đường xuất hiện nhiều cua nhưng không có rào chống lóa, nếu tài xế nào chạy nhanh thì sẽ rất nguy hiểm. Nếu lắp gương chống lóa thì dễ dàng nhận biết được đường phía trước hơn, giảm tai nạn. Để an toàn, tài xế chúng tôi chỉ biết ấn còi. Có lúc người dân ra đường, lớn tiếng phản ứng về tiếng còi”. Ông Nguyễn Chiến Thắng (Đội trưởng đội tuần tra cơ động dẫn đoàn, phòng CSGT tỉnh Hà Tĩnh) cho biết: “Trong hai tháng đầu năm, số vụ tai nạn tăng lên, nhiều trường hợp có người chết, người dân lên tiếng và chúng tôi cũng đã phản ánh về việc phải lắp hệ thống chống lóa trên tuyến đường này”.

Ông Vũ Ngọc Lăng, Vụ trưởng An toàn giao thông (Tổng cục Đường bộ) cho hay: Vừa qua, nhiều tuyến đường đã được nâng cấp thành đường đôi; đặc biệt là QL 1A kéo dài từ Hà Nội đến Cần Thơ. Dải phân cách cứng ở giữa này giúp lái xe “vững” tin khi điều khiển với tốc độ cao, giảm nguy cơ đâm va với xe ngược chiều (các đoạn ngoài đô thị của đường đôi đã được nâng lên 90 km/h).

Tuy nhiên, dải phân cách cứng của nhiều đoạn tuyến hiện nay chỉ được lắp đặt các khối bê tông cao ngang thắt lưng, phát sinh nguy cơ tai nạn. Do dải phân cách thấp, người dân leo qua dải phân cách, băng qua đường gây bất ngờ cho lái xe. Đặc biệt, do thiết kế thấp, về đêm, đèn pha ô tô ngược chiều chiếu thẳng vào nhau, đe dọa đến khả năng cầm lái.

QL 1A và QL 14 dư 14.000 tỉ đồng, sao không đầu tư?

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Dương Viết Roãn, Phó Cục trưởng Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cho hay: Trên QL 1A từ Thanh Hóa đến Cần Thơ vừa hoàn thành (dài 1.440 km) chỉ có khoảng 1/3 chiều dài được trang bị tấm chống chói.

Theo ông Roãn, việc thiếu tấm chống chói không do các nhà đầu tư (dự án BOT) và các ban quản lý dự án, nhà thầu (các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ) tự ý cắt giảm mà được sự thống nhất, giám sát của Bộ GTVT. “Để tiết kiệm chi phí, lãnh đạo Bộ GTVT đã cho phép chỉ lắp hạng mục chống chói tại các khu vực đông dân cư và đoạn đường cong để hai xe ngược chiều không chiếu thẳng vào nhau. Việc nghiệm thu, quyết toán dự án theo từng hạng mục; không có việc nhà thầu hay nhà đầu tư tự bớt xén” - ông Roãn nói.

Ông Roãn cho hay, “lý tưởng” nhất là đầu tư đầy đủ tấm chống chói toàn tuyến, trước hết là QL 1A. Tuy nhiên, do kinh phí xây dựng tấm chống chói lên đến 700 – 800 triệu đồng/km nên chưa đủ nguồn lực thực hiện. “Chúng tôi sẽ xem xét lại vấn đề này để báo cáo lãnh đạo bộ. Có thể, trước mắt sẽ xem xét các đoạn có nguy cơ cao để lắp đặt trước”, ông nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, lường trước vấn đề này, từ năm 2015, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường cũng đã có văn bản hỏa tốc chỉ đạo các ban quản lý dự án, các nhà đầu tư dự án BOT, đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát dự án QL 1A đoạn Thanh Hóa - Cần Thơ với nội dung: “Đoạn qua khu vực đô thị cần bố trí tấm chống chói, kết hợp với ngăn người dân băng qua đường”.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đề nghị, hạng mục tấm chống chói đang rất cấp bách với QL 1A cần được sớm đầu tư toàn diện; đặc biệt khi Bộ GTVT đã áp dụng nhiều giải pháp để QL 1A và QL 14 có được nguồn vốn dư 14.000 tỷ đồng. Theo đó, tổng chiều dài của QL 1A đoạn từ Thanh Hóa đến Cần Thơ là 1.440 km; đoạn tuyến chưa đầu tư tấm chống chói là 2/3 chiều dài, chiếm 960 km. Với mức đầu tư 700-800 triệu đồng/km sẽ cần khoảng 700 tỷ đồng đầu tư.

“So với số vốn dư 14.000 tỷ đồng của QL 1A và QL 14, số tiền dành cho hạng mục chống chói không quá lớn. Chống chói là hạng mục rất cần cho an toàn giao thông, nâng cao khả năng khai thác của tuyến, Bộ GTVT cần nghiên cứu để bổ sung, hoàn thiện”, một chuyên gia giao thông đề nghị.

Theo Sỹ Lực- Cảnh Huệ

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên