Nguyên Tổng Giám đốc PVL lĩnh án 30 năm tù, người mua nhà như "ngồi trên đống lửa"
Nhiều khách hàng đã mua căn hộ tại dự án Petrovietnam Landmark và Green House như “ngồi trên đống lửa” vì không biết “bám víu” vào ai để đòi được nhà và tiền.
- 24-09-2014Chủ đầu tư PV LandMark vướng nợ, người dân có nguy cơ mất nhà
- 30-12-2012PVC Land 'cù nhầy' trả lại tiền cho khách hàng
- 12-11-2011PVFC Land tiếp tục được thực hiện dự án Dầu khí Đức Giang tại Hoài Đức
- 12-08-2010PVX: Khởi công khách sạn Petroland Tây Ninh
- 17-07-2010940 tỷ đồng đầu tư xây dựng Dragon PVFC Land
Tóm tắt
Trong số các doanh nghiệp có dự án đầu tư tại Tp. HCM, có lẽ công ty CP Địa ốc Dầu khí (PVL) đã để lại cho dư luận nhiều tai tiếng nhất. Điểm qua 2 dự án căn hộ là PetroVietnam Landmark tại quận 2 và Green House ở Thủ Đức cũng đủ thấy được sự bê bết trong đầu tư bất động sản của doanh nghiệp này.
Được biết, dự án PetroVietnam Landmark là Tổ hợp công trình chung cư cao cấp, trung tâm thương mại, văn phòng được xây dựng trên khu đất Tiểu khu 7, Khu đô thị phát triển An Phú, quận 2, Tp. HCM. Công trình có hơn 400 căn hộ chung cư trên diện tích hơn 19 nghìn m2. Trước đó, công ty đã triển khai bán hàng với giá bán bình quân 23,8 triệu mỗi m2.
Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, năm 2008, khi đang là Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng Sông Hồng, Sáu đã thành lập Công ty cổ phần Thương mại và đô thị Sông Hồng, giao cho Hà Văn Sơn (nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Việt Nam (VN Land) giữ chức Tổng Giám đốc công ty này. Sau đó, Sáu rút tên khỏi danh sách cổ đông nhưng vẫn để hai người thân trong gia đình đứng tên nên Sáu vẫn nắm quyền chỉ đạo và điều hành Công ty Việt Nam Land.
Tháng 9/2010, Sáu chỉ đạo Sơn (với tư cách là đại diện Công ty Việt Nam Land) ký hợp đồng với Công ty cổ phần Bất động sản xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC Land) về dịch vụ quản lý, khai thác, vận hành trung tâm thương mại văn phòng và chung cư Tòa nhà PetroVietnam Landmark. Mọi chuyện về sau đều được chính Sáu “phù phép” đến mức độ không còn khả năng tài chính để triển khai tiếp dự án, tiền thu về của khách hàng một phần đem trả nợ ngân hàng, phần khác tiêu xài cá nhân.
Trong khi đó, Dự án Green House cũng chẳng kém cạnh gì về mặt tai tiếng. Được khởi công xây dựng từ tháng 7/2010, dự kiến hoàn thành sau 2 năm xây dựng. Tuy nhiên, sau khi xây dựng xong tầng hầm và móng, dự án bị “trùm mền” đến nay.
Cuối năm 2012, vì không còn khả năng tiếp tục xây dựng, PVL đã công bố bán tháo dự án này thông qua hình thức bán đấu giá với mức giá khởi điểm 51 tỷ đồng. Theo thông tin công bố bán đấu giá, công ty này đã đầu tư 163,3 tỷ đồng vào Dự án Green House, như vậy, nếu bán thành công ở mức 51 tỷ đồng, dự kiến PVL sẽ lỗ 112,3 tỷ đồng từ dự án. Tuy nhiên, đến nay, dự án này vẫn chưa bán được.
Hầu hết những người mua nhà dự án PetroVietnam Landmark đang tỏ ra khá bức xúc, bởi họ đã thanh toán đến 95%, thậm chí có người đã trả 102% (gồm 2% phí bảo trì), nhưng giờ họ chỉ biết chờ đợi và gửi đơn kêu cứu khắp nơi để mong nhận được nhà theo hợp đồng đã ký. Thế nhưng, đến nay, không một khách hàng nào có thể tìm được “tung tích” của những người liên quan của công ty.
Điển hình như trường hợp bà Trần Thị Châu Giang đã mua căn hộ PetroVietnam Landmark với giá hơn 2 tỷ đồng từ tháng 3/2010. Theo hợp đồng, chủ đầu tư cam kết bàn giao nhà vào cuối năm 2011. Khách hàng đã đóng 95% giá trị căn hộ và được giảm giá 5%. Đến nay, chủ đầu tư hơn 10 lần hẹn giao nhà nhưng đều thất hứa.
Các khách hàng cho biết, họ đã cùng nhau ký vào đơn kiến nghị tập thể gửi UBND thành phố, các bộ ngành liên quan mong tìm được một giải pháp tốt nhất cho tình trạng này. Hơn 4 năm qua, hàng trăm khách hàng đã đóng đầy đủ tiền mua nhà nhưng dự án không được tiếp tục xây dựng, chủ đầu tư thì không bao giờ trả lời khi nào sẽ bàn giao nhà.
Tại một cuộc gặp mặt các khách hàng đã mua nhà của dự án trên, bà Trần T. T. My – đại diện cộng đồng PetroVietnam Landmark, cho biết hàng trăm khách hàng sẵn sàng tiếp tục trả thêm phần tiền còn lại hoặc đóng thêm tiền để thanh toán cho các nhà thầu nhằm tiếp tục xây dựng dự án.
“Bởi vì, khách hàng thà chấp nhận mất thêm một số tiền để nhận lại đúng tài sản của mình đã mua, còn hơn hàng ngày phải chứng kiến cảnh dự án “trơ gan cùng tuế nguyệt” và xuống cấp nghiêm trọng”, bà My cho chúng tôi biết.
Một số hình ảnh dự án "cù nhầy" của PVC Land tại Tp.HCM
Dự án nằm cách trung tâm hiện hữu của TPHCM khoảng 8 km. Với một bán kính khoảng 2.5 km, dự án sẽ là trung tâm của một khu đô thị, dịch vụ cao cấp bao gồm cả Thủ Thiêm, An Phú, Anh khánh…
Vị trí khu đất khá lý tưởng với 4 con đường bao quanh. Mặt chính tiếp xúc với một trục giao thông quan trọng như Đại lộ Đông Tây. Đây là trục giao thông quan trọng để đi vào trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm và Quận Nhất của TpHCM.
Do không được thi công suốt nhiều năm qua, dự án đang bắt đầu xuống cấp. Nhiều khách hàng đã mua nhà ở đây hàng ngày tỏ ra "đứt ruột" vì cảnh này.
Nhiều khách hàng mua nhà ở đây sáng 14/9 cho chúng tôi biết rằng họ đang mong mỏi chính quyền các cấp vào cuộc xử lý để dự án sớm triển khai trở lại để được bàn giao nhà. Nhìn cảnh này, một số người cho rằng đồng tiền của mình đang bị phơi nắng, phơi sương...
Lâu lâu, hàng trăm khách hàng lại "kéo" đến trụ sở của công ty PVC Land và Văn phòng đại diện miền Nam của Tập đoàn Dầu khi Việt Nam giăng biểu ngữ đòi quyền lợi.
Dự án Green House ở Thủ Đức đang được rao bán nhưng đang trong cảnh "chợ chiều" vì không có nhà đầu tư mới nào.