MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TPHCM: "Cò” đất rậm rịch trở lại

22-05-2015 - 08:32 AM | Bất động sản

Cùng với sự chuyển động của thị trường, nghề môi giới bất động sản lại có đất sống.

Tóm tắt

- “Đón gió” thị trường ngay trong năm 2014 nhiều văn phòng, trung tâm môi giới BĐS đã rậm rịch hoạt động trở lại sau thời gian đóng cửa vì vắng khách.

- Việc hiểu rõ nhu cầu của khách hàng cũng như nắm bắt được giá cả cả nhanh, chính xác, thông thuộc từng con hẻm, ngõ ngách chính là lợi thế của các “cò” đất.

- Thông thường khi môi giới thành công sản phẩm, cò đất sẽ được bên bán trích lại từ 1-2%/tổng giá trị BĐS tùy theo giá trị lớn nhỏ của sản phẩm giới thiệu. 


Chưa đầy 500m tại đường Dương Đình Hội, P. Phước Long B, Quận 9, từ cuối năm 2014 đến nay đã “mọc” thêm 3 trung tâm, văn phòng môi giới nhà đất quy mô nhỏ nhưng ngày nào cũng có khách ra khách vào.

Anh Trần Hữu Huân, Giám đốc Trung tâm môi giới nhà đất An Gia cho biết, “đón gió” thị trường ngay trong năm 2014 nhiều văn phòng, trung tâm môi giới BĐS đã rậm rịch hoạt động trở lại sau thời gian đóng cửa vì vắng khách. Cùng với sự ấm lên của thị trường BĐS, nghề môi giới nhà đất lại có đất sống.

“Trung bình hiện nay, trung tâm cũng giới thiệu, giao dịch thành công cho khách có nhu cầu được khoảng từ 2 - 3 căn nhà trong khu dân cư hoặc đất nền dự án, đủ để duy trì hoạt động cho văn phòng và trả lương cho 2 nhân viên làm việc thường xuyên. Mặc dù không thể so sánh với thời kỳ hưng thịnh của thị trường nhà đất nhưng vẫn còn tốt chán so với một vài năm trước đây khi giao dịch gần như ngưng trệ khiến nhiều trung tâm phải đóng cửa”, anh Huân chia sẻ.

Một số giám đốc trung tâm môi giới bám trụ tại các khu dân cư cho biết, lợi thế của các trung tâm nhỏ chính là dễ thay đổi để phù hợp với tình hình. Hơn nữa các trung tâm này chủ yếu là môi giới nhà đất với giá tiền phù hợp nằm rải rác trong các khu dân cư nên lúc nào cũng có khách hỏi mua. Đặc biệt là với nhiều căn nhà nhỏ quy mô 40 – 50 m2 , mức giá 700 – 800 triệu đồng rất dễ giao dịch và trở thành hàng “hot”, lợi thế của những trung tâm môi giới nhỏ.

Bà Nguyễn Thị Hồng Hà, chuyên viên kinh doanh của sàn BĐS Kim Oanh, cho biết thêm thỉnh thoảng, các trung tâm này cũng nhận hàng ký gửi là đất nền tại các dự án hoặc căn hộ chung cư nhưng chỉ là thêm vào cho phong phú do lượng khách có nhu cầu tìm mua không cao. Hơn nữa, khi muốn mua căn hộ chung cư hoặc đất nền dự án, khách hàng thường tìm đến thẳng chủ đầu tư dự án để mua được giá gốc chứ ít khi qua “cò” bên ngoài.

Ông Trần Văn Thịnh, một cò đất có thâm niên lâu năm bám trụ với nghề cho biết, việc hiểu rõ nhu cầu của khách hàng cũng như nắm bắt được giá cả cả nhanh, chính xác, thông thuộc từng con hẻm, ngõ ngách chính là lợi thế của các “cò” đất. Tuy nhiên, để sống được với nghề quan trọng nhất vẫn là sự trung thực để tạo được uy tín với khách hàng.

Theo ông Thịnh, nhiều “cò” đất trẻ mới vào nghề tưởng ngon ăn, giới thiệu không đúng với thực tế nên thường đi lại vất vả, mất công mà vẫn “xôi hỏng bỏng không”, thậm chí còn bị ăn chửi vì làm mất công mất việc của cả người mua và người bán.

“Nhất là những trường hợp nâng giá để ăn chênh lệch cũng vẫn xảy ra, nhưng qua thời gian thị trường sàng lọc cũng như khách hàng ngày một tinh tường hơn nên cò đất cũng không còn dễ gì khua môi múa mép nữa”, ông Thịnh nói.

Thông thường khi môi giới thành công sản phẩm, cò đất sẽ được bên bán trích lại từ 1-2%/tổng giá trị BĐS tùy theo giá trị lớn nhỏ của sản phẩm giới thiệu. Nhiều cò đất còn được khách “bo” thêm vì đã mua được căn nhà hoặc mảnh đất ưng ý hoặc bên bán đã thuận chèo mát mái, nhanh chóng bán được hàng…

Theo một chuyên gia BĐS, nghề môi giới BĐS đã hình thành khá lâu và xuất phát từ nhu cầu kết nối giữa bên mua, tại một dự thảo luật kinh doanh BĐS đã từng đưa ra quy định người hành nghề môi giới BĐS phải có bằng đại học, nay chỉ cần có bằng tốt nghiệp THPT.

Tuy nhiên khi đưa ra đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều. Phần lớn các ý kiến đều cho rằng có bằng đại học hay không, không quan trọng bởi theo quy luật của thị trường có cầu ắt có cung, song vấn đề quan trọng chính là cá nhân đó phải làm việc tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật cũng như tôn trọng đạo đức nghề nghiệp thì mới có thể tồn tại và được xã hội chấp nhận.

Đăng Khải

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên