"Trung tâm thành phố ở đâu đặt nhà ga ở đó"
Đó là ý kiến của Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng. Theo ông, không thể muốn dời là dời một cách cảm tính, "chẳng hạn, số ôtô chiếm 6% số xe nhưng lại gây 25% số tai nạn...
- 26-03-2016Nên dời ga Sài Gòn hay làm đường sắt trên cao?
- 22-03-2016Dời hay không dời ga Sài Gòn ?
Ga Sài Gòn hiện nay đặt gần các quận 1, 3, 10 là khu vực trung tâm TP thì không nên di dời. Còn nếu dời ga Sài Gòn về chỗ mới thì khu vực đó phải là trung tâm TP.
Và khi nói dời hay không dời ga này thì phải đề cập đến vấn đề kỹ thuật, như quy hoạch phát triển không gian, vai trò vị thế của giao thông đầu mối vận chuyển hành khách chính của TP.HCM và quan hệ với nhiều phương thức vận tải khác.
Không thể nói cảm tính rằng việc xe lửa chạy qua mười mấy tuyến đường giao cắt với đường sắt gây ùn tắc giao thông nên phải dời ga Sài Gòn.
Chẳng hạn về tai nạn giao thông, có đến 75% số vụ tai nạn giao thông do xe máy gây ra nên nhiều người đề nghị phải cấm xe máy vì đây là nguyên nhân gây ùn tắc và tai nạn giao thông.
Trong khi đó, hiện nay cả nước có 43,5 triệu xe máy và 2,5 triệu ôtô, nhưng số người lái ôtô lại gây ra 25% số vụ tai nạn và người lái xe máy gây ra 75% số vụ tai nạn.
Số lượng ôtô chỉ chiếm 6% số lượng xe lưu thông, nhưng tính trên tỉ lệ xe gây tai nạn thì ôtô lại gây ra tai nạn nhiều hơn xe máy. Đây là điều đáng quan tâm, phải đánh giá đầy đủ, không thể nói cảm tính.
Hiện nay cơ quan chức năng quy hoạch và điều chỉnh chức năng của ga trung tâm TP chứ không phải là di dời ga. Do đó, ở đây cần điều chỉnh chức năng nhà ga trung tâm TP là gì, kết nối ra sao với đường sắt quốc gia, đường sắt vùng.
Về ý kiến cho rằng xây dựng đường sắt trên cao (đoạn Bình Triệu - Hòa Hưng) tốn kinh phí rất lớn nên không dễ dàng thực hiện, tôi cho rằng nếu có cơ chế mới phù hợp với đặc thù của TP thì có thể làm được.
Cụ thể là cần có cơ chế mới về vốn, về quyết định đầu tư, về đền bù giải tỏa mặt bằng phù hợp với điều kiện đặc thù TP.
* Ông Doãn Phi Anh (nguyên giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển giao thông vận tải phía Nam):
Làm đường sắt trên cao rất tốn kém
Có thể nói quyết định về quy hoạch giao thông vận tải TP xác định giữ lại ga Sài Gòn là có thể đúng và cũng có thể sai vì đến nay quy hoạch này không còn phù hợp.
Thế nhưng để xác định việc dời ga Sài Gòn là đúng thì phải làm nghiên cứu thật kỹ để đưa ra kết luận đầy đủ và chứng minh là đúng, tránh xảy ra sai lầm và phải trả giá sau khi dời ga.
Còn việc đầu tư xây dựng cả một tuyến đường sắt trên cao (từ ga Bình Triệu về ga Sài Gòn) càng không dễ dàng và rất tốn kém.
Có thể nói các cơ quan quản lý cái gì cũng muốn theo kiểu: “Tôi thích làm cái này, thích làm cái kia”, nhưng vốn có hạn không thể cân đối để lấy vốn đầu tư và nợ công đang quá lớn cũng là điều cần phải tính đến.
Tuổi trẻ