MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao Amata Thái Lan ồ ạt đầu tư vào Đồng Nai?

24-08-2015 - 15:07 PM | Bất động sản

Ngoài dự án khu công nghiệp Amata hiện hữu đang phát triển khá tốt, Tập đoàn Amata Thái Lan chuẩn bị đầu tư tiếp một dự án Khu công nghệ cao và 2 khu đô thị hiện đại vào tỉnh này.

Tóm tắt

Dự kiến, dự án khu công nghiệp CNC sẽ được thực hiện vào giữa 2016, khởi công xây dựng hạ tầng và đầu năm 2017 có thể thu hút nhà đầu tư. Trong tương lai Khu CNC này sẽ thu hút các nhà đầu tư ở những ngành như công nghệ sinh học, công nghệ nano và dược từ Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore…

Thành phố Amata Long Thành hiện được xem là một trong những giai đoạn đầu tư của “siêu kế hoạch” của Amata, và hy vọng sẽ nhận được mặt bằng xây dựng từ chính quyền địa phương trong thời gian sớm nhất. 


“Siêu” dự án công nghiệp – đô thị

Theo thông tin mới nhất từ Amata Corporation Plc., của Thái Lan, Tập đoàn này đang chuẩn bị khởi động đầu tư dự án Khu công nghiệp công nghệ cao (CNC) và 2 Khu đô thị dịch vụ cao cấp tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Thỏa thuận hợp tác đầu tư với các đối tác chiến lược trong và ngoài nước sẽ được ký vào cuối năm nay.

Theo đó, các dự án trên sẽ được triển khai xây dựng trong năm 2016 trên diện tích 1.285ha tại xã Tam An và An Phước thuộc huyện Long Thành, với tổng vốn đầu tư gần 500 triệu USD. Trong đó, Khu công nghiệp CNC có diện tích 410 ha có tổng vốn khoảng 282 triệu USD, Công ty CP Amata Việt Nam và Công ty Amata Việt Nam Public Limited - Thái Lan làm chủ đầu tư. Dự án đã được Ban quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cấp giấy chứng nhận đầu tư vào cuối tháng 6/2015.

Dự kiến, dự án trên sẽ được thực hiện vào giữa 2016, khởi công xây dựng hạ tầng và đầu năm 2017 có thể thu hút nhà đầu tư. Trong tương lai Khu CNC này sẽ thu hút các nhà đầu tư ở những ngành như công nghệ sinh học, công nghệ nano và dược từ Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore…

Ngoài ra, dự án khu đô thị dịch vụ tại xã Tam An (huyện Long Thành) có diện tích 753 ha; Dự án khu đô thị dịch vụ có diện tích trên 122 ha tại xã Tam An, một phần xã An Phước đều do Công ty cổ phần Amata Việt Nam và Công ty Amata Việt Nam Public Limited (Thái Lan) làm chủ đầu tư. Hiện nhà đầu tư đang trong quá trình hoàn tất hồ sơ quy hoạch để trình phê duyệt và phối hợp với huyện Long Thành để kiểm kê đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tổng vốn đầu tư dự kiến của hai khu đô thị dịch vụ này gần 250 triệu USD.

Toàn bộ các dự án trên được chia làm 3 giai đoạn đầu tư, và Amata kỳ vọng sẽ hoàn thành toàn bộ dự án này trong vòng từ 10-15 năm. Trong đó, vốn đầu tư cho hệ thống cơ sở hạ tầng cơ bản trong khu công nghiệp CNC sẽ chiếm khoảng 20% tổng vốn đầu tư toàn Dự án.

“Amata đã có trên 25 năm kinh nghiệp phát triển BĐS khu công nghiệp tại Thái Lan và 20 năm tại Việt Nam, với việc hoạt động rất hiệu quả khu công nghiệp Amata Biên Hòa. Việt Nam hiện có dân số gần 90 triệu người, đa số đang trong độ tuổi lao động. Chi phí lao động chỉ một nửa so với tại Thái Lan, do đó các ngành công nghiệp sản xuất vẫn còn rất nhiều tiềm năng mở rộng phát triển”, ông Vikrom Kromadit, Chủ tịch HĐQT Amata Thái Lan, cho biết mới đây trên Bangkok Post.

Lập “đại bản doanh” cho các DN Thái

Giai đoạn hai, nhà đầu tư sẽ xây dựng khu đô thị dịch vụ có tên Thành phố Amata Long Thành, bao gồm một dự án nhà ở hiện đại, bệnh viên, trường học và cơ sở hạ tầng dịch vụ logistics. Giai đoạn ba sẽ đầu tư phát triển một khu dịch vụ siêu hiện đại và quy mô với một loạt các trung tâm mua sắm, những khu vực ẩm thực và giải trí.

Trong giai đoạn một và hai sẽ được Công ty CP Amata Việt Nam, thực hiện đầu tư và quản lý. Trong đó, Amata Việt Nam sẽ quản lý 65% Khu công nghiệp CNC, 35% còn lại và khu dịch vụ siêu hiện đại sẽ thuộc quyền sở hữu của Công ty TNHH Amata Việt Nam.

“Chúng tôi chọn địa điểm này để đầu tư vì tận dụng được những cơ hội mang lại từ quá trình Việt Nam đang là một mắc xích quan trọng trong các hiệp định thương mại song phương và đa phương. Chúng tôi đang quan tâm đến hàng loạt dự án hạ tầng giao thông lớn đã và đang được đầu tư tại khu vực phía Nam, đặc biệt là Dự án sân bay quốc tế Long Thành, các cảng biển nước sâu tại Cái Mép – Thị Vải, và khu công nghiệp Amata hiện hữu của chúng tôi”, ông Somhatai Panichewa, Chủ tịch Công ty TNHH Amata Việt Nam kiêm Giám đốc Công ty CP Amata Việt Nam JSC, cho biết.

Ông còn tiết lộ thêm, “Thành phố Amata Long Thành hiện được xem là một trong những giai đoạn đầu tư của “siêu kế hoạch” của Amata, và hy vọng sẽ nhận được mặt bằng xây dựng từ chính quyền địa phương trong thời gian sớm nhất. Nếu như mọi việc diễn ra suôn sẻ, chúng tôi kỳ vọng dự án sẽ được chấp thuận đầu tư vào năm 2015, và công việc thi công sẽ bắt đầu vào năm 2016. Quá trình xây dựng sẽ được hoàn thành theo từng giai đoạn, phụ thuộc vào nhu cầu của khách hàng”.

Dự kiến, Amata Việt Nam đang hoạch định chiến lược niêm yết trên thị trường chứng khoán Thái Lan vào thời gian tới. Đây là động thái nhằm thu hút các công ty đa quốc gia cùng tham gia phát triển “siêu” dự án trên tại Đồng Nai.

Ngoài dự án khu công nghiệp Amata đang hoạt động tại TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, Tập đoàn Amata Thái Lan vừa có dự án đầu tư khu đô thị "khủng" 1,6 tỷ USD tại Quảng Ninh.

Nếu không có gì thay đổi, trong năm 2016, ba dự án khu công nghiệp - đô thị cao cấp của Amata sẽ bắt đầu khởi công. Dự kiến đến năm 2018 sẽ đi vào hoạt động.

Song song đó, Tập đoàn Amata Thái Lan đang làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định về việc xin chủ trương đầu tư một dự án khu công nghiệp CNC và một khu đô thị cao cấp nhằm chuẩn bị phục vụ cho đội ngũ chuyên gia, người lao động tại dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội do Tập đoàn Dầu khí Thái Lan làm chủ đầu tư.

 

Đăng Khải

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên