Vì sao nguyên Giám đốc Hanoi Land bị bắt?
Lê Trung Kiên đã có hành vi chiếm đoạt tài sản của các nhà đầu tư rót tiền cho Kiên mua cổ phần Công ty Lilama Land vào năm 2007.
Tóm tắt
-Năm 2007, Lê Trung Kiên nguyên Giám đốc Hanoi Land đã huy động tiền của hàng chục nhà đầu tư để mua cổ phần Lilama Land. Tuy nhiên, trong lúc huy động vốn thì Lilama Land chưa được thành lập, Kiên đã có hành vi chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư.
Đối tượng Lê Trung Kiên sinh năm 1972, nguyên là Giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản Hà Nội (Hanoi Land) đã bị cơ quan cảnh sát điều tra bắt giữ vào ngày 17/7/2015 ngay khi ông này rời Tp.HCM ra Hà Nội để gặp đối tác làm ăn.
Được biết ông Lê Trung Kiên đã bị khởi tố vụ án và truy nã từ năm 2009 đến nay về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, liên quan đến vụ việc huy động tiền của các nhà đầu tư để thành lập công ty Lilama Land.
Năm 2007, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản ở giai đoạn “tăng nóng”. Người người làm bất động sản, nhà nhà làm bất động sản, vì thế các công ty bất động sản mọc lên như nấm. Với thế mạnh trong ngành xây dựng, khi đó Tổng Cty Lắp máy Việt Nam (Lilama) muốn thành lập một công ty chuyên đầu tư bất động sản.
Và cái tên Lilama Land từ đó đã xuất hiện trên thị trường. Khoảng đầu quý 2/2007, thị trường tài chính, bất động sản đã xôn xao với thông tin Lilama Land được thành lập với số vốn điều lệ lên tới 1.000 tỷ đồng, sau đó có thể tăng lên 3.000 tỷ đồng vào 2008 thậm chí là có cả kế hoạch niêm yết ở thị trường chứng khoán Hong Kong khi nâng vốn lên 10.000 tỷ…
Trong đó, Hanoi Land cũng đã tuyên bố “bắt tay” với Lilama để lập Lilama Land với sự góp vốn của cổ đông sáng lập khoảng 40% vốn điều lệ (trong Hanoi Land nắm 10%, Lilama 10% và cổ đông khác 20%), 60% còn lại sẽ phát hành ra công chúng.
Và không ai khác vẽ ra bức tranh đầy tiềm năng của Lilama Land chính là Lê Trung Kiên nguyên Chủ tịch HĐQT Hanoi Land. Trong lúc thị trường cổ phiếu OTC “nóng”, Lê Trung Kiên đã huy động một lượng vốn khổng lồ từ hàng chục cá nhân, pháp nhân cho Lilama Land mặc dù công ty này vẫn chưa chính thức được thành lập.
Các nhà đầu tư đóng tiền cho Hanoi Land để mua cổ phần Lilama Land khi đó chỉ là những tờ giấy viết tay với giá gấp 1,7 đến 2,5 lần so với mệnh giá, thậm chí có nhà đầu tư còn phải mua lại “suất” với giá cao hơn.
Tuy nhiên, câu chuyện huy động vốn của Hanoi Land dần lộ ra những điều bất thường khi vào ngày 17/5/2007 HĐQT Lilama mới có Quyết định tham gia góp vốn vào Lilama Land và đến ngày 31/7/2015 Công ty Lilama Land mới ra mắt chính thức với số vốn 1.000 tỷ đồng, nhưng điều bất thường là không có cổ đông sáng lập là Hanoi Land.
Các cổ đông sáng lập của Lilama Land khi đó gồm 6 cổ đông là Lilama nắm 9 triệu cổ phần, Vinataba nắm 5 triệu cổ phần, Habeco nắm 5 triệu cổ phần, Công ty TNHH Tân Long 5 triệu cổ phần; Tổng Công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam (VNCC) 2 triệu cổ phần.
Thông tin này được công bố thì cũng là lúc nhiều nhà đầu tư rất hoang mang và lo sợ khi đổ tiền cho Lê Trung Kiên để mua đống giấy lộn.
Sau khi xảy ra vụ việc, đại diện của Lilama lúc đó là ông Phạm Hùng, Tổng Giám đốc cũng đã trả lời báo chí về vấn đề các nhà đầu tư đóng tiền cho Hanoi Land mua cổ phần Lilama Land và khẳng định Lilama không chịu trách nhiệm chuyện đó. Đồng thời cho rằng lúc đô Lilama Land chưa có tư cách pháp nhân, chưa có tài khoản thì sao huy động vốn được.
Từ đó, rất nhiều nhà đầu tư mới hoảng hốt tìm đến cơ quan chức năng để tố cáo Lê Trung Kiên. Năm 2009, Kiên đã bị lực lượng chức năng truy nã. Sau 6 năm truy tìm đến nay Lê Trung Kiên cũng đã sa lưới pháp luật.
Lilama Land công ty có nhiều dự án bất động sản tiềm năng dẫn đến nhiều nhà đầu tư rất kỳ vọng vào công ty này. Tuy nhiên, nay nhiều dự án của Lilama Land như một “cục xương ngang cổ”:
-Tháng 12/2007 Lilama Land được giao lập quy hoạch chi tiết 1/500 dự án Sơn Đồng (Hà Tây cũ) 36,6ha trên tổng số 310ha Khu đô thị mới Sơn Đồng. Nhưng khi Hà Tây sáp nhập Hà Nội, các dự án bị rà soát nên Lilama Land đã không triển khai được dự án đúng kế hoạch do phải tạm dừng.
-Ngoài ra, công ty này cũng đang gặp khó khăn ở dự án khu đô thị Hoàng Phát 69ha tại Bạc Liêu, Lilama Land góp 70% vốn, Công ty Hoàng Phát góp 30% vốn.