MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Bắt mạch” sụt giảm kim ngạch xuất, nhập khẩu những tháng đầu năm nay

Kim ngạch xuất, nhập khẩu 4 tháng đầu năm sụt giảm mạnh, cần tập trung tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, tìm kiếm và mở rộng thị trường cho các ngành hàng chủ lực.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 4 chỉ đạt 27,54 tỷ USD, giảm 7,3% so với tháng trước và giảm hơn 17% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 108,57 tỷ USD, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Bộ Công Thương dự báo, khả năng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá năm 2023 chỉ đạt trên dưới 600 tỷ USD, thấp hơn nhiều con số mục tiêu đặt ra 775-800 tỷ USD hồi đầu năm.

Tổng hợp từ báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá 4 tháng đầu năm ước đạt khoảng 210,78 tỷ USD (trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 108,57 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 102,22 tỷ USD). Mặc dù cán cân thương mại tiếp tục có xuất siêu với giá trị lên tới 6,35 tỷ USD (cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước xuất siêu 2,35 tỷ USD), song sự sụt giảm mạnh ở mức 2 con số - và ở cả 2 chiều xuất khẩu và nhập khẩu cho thấy rõ những khó khăn trong hoạt động sản xuất và kinh doanh hàng xuất khẩu.

Nhìn vào cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 4 tháng qua, nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 96,1 tỷ USD, chiếm 88,5%, tiếp tục là nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của cả nước, nhưng lại đang gặp rất nhiều khó khăn do tình hình suy giảm nhu cầu chung của các nước trên thế giới.

“Bắt mạch” sụt giảm kim ngạch xuất, nhập khẩu những tháng đầu năm nay - Ảnh 1.

Các ngành hàng xuất khẩu đều gặp khó khăn do lạm phát cao, sức mua sụt giảm.

Cụ thể, dệt may, da giày, sản phẩm điện tử máy vi tính, đồ gỗ giảm từ 2% - 20%. Một số ngành hàng giá trị xuất khẩu giảm hơn 25% như ngành cao su, thuỷ sản. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may quý đầu năm chỉ đạt 8,701 tỷ USD, giảm 18,63% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là con số suy giảm rất mạnh so với cùng kỳ nhiều năm trước đó.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, có rất nhiều nnguyên nhân khiến sản xuất và xuất khẩu các ngành hàng đều giảm mạnh trong các tháng đầu năm. Trong đó phải kể đến yếu tố thị trường xuất khẩu, các ngành hàng đều gặp khó khăn do lạm phát cao, sức mua sụt giảm, đặc biệt là hàng hóa tiêu dùng không thiết yếu. Những ngành hàng như dệt may, da giày, gỗ, thủy sản có thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, EU... chứng kiến sự sụt giảm nhiều nhất. Cùng với đó là yếu tố chi phí nguyên liệu, vật tư đầu vào, chi phí nhân công, vận chuyển… tăng cao trong khi mức giá xuất khẩu không tăng làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm.

Hàng loạt giải pháp đầu ra cho các ngành công nghiệp chủ lực đã được ngành Công Thương tính đến. Theo ông Nguyễn Ngọc Thành - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), cần tận dụng các cơ hội từ nguồn vốn đầu tư công các dự án lớn trong lĩnh vực hạ tầng, giao thông, năng lượng để tạo thị trường cho một số ngành hàng như thép, vật liệu xây dựng, phương tiện vận tải, cơ khí xây lắp và chế tạo…

Để tăng cường sức mua nhằm phục hồi thị trường ô tô, duy trì và thúc đẩy hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước cần có chính sách hỗ trợ về tài chính như tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt hay ưu đãi về lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước…

Đối với các ngành xuất khẩu chủ lực (như dệt may, da - giày, điện tử…) ông Nguyễn Ngọc Thành nhấn mạnh, cùng với tích cực tìm kiếm những cơ hội, đơn hàng mới DN cần đáp ứng các tiêu chuẩn “xanh” của các thị trường xuất khẩu.

“Đối với các đơn hàng dệt may, da giày nhiều thị trường xuất khẩu yêu cầu đầu tiên là chất lượng sau đó là phải nhanh. Các DN phải tìm kiếm đầu tư một cách bài bản về công nghệ cũng như con người mới đáp ứng được các yêu cầu mới đặt ra. Cục tiếp tục theo dõi và cùng phối hợp với các DN, ngành hàng để cùng đưa ra giải pháp trong thời gian tới, thậm chí kiến nghị các chính sách liên quan để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay”, ông Thành cho biết.

Trong lĩnh vực công thương địa phương, ông Ngô Quang Trung Cục trưởng Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) cho biết sẽ tập trung vào việc thúc đẩy các dự án trong lĩnh vực ngành Công Thương tại các địa bàn, đặc biệt là các dự án lớn, có vai trò quan trọng như là trong lĩnh vực công nghiệp nền tảng, lĩnh vực năng lượng, công nghiệp hóa chất. Đồng thời tiếp tục có những giải pháp để thúc đẩy phát triển thị trường nội địa 100 triệu dân.

Vừa tập trung phát triển thị trường truyền thống, vừa đa dạng hóa thị trường xuất khẩu là các giải pháp được các Sở, ngành tích cực triển khai. Ông Nguyễn Đình Đại, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn cho biết thực tế trong hợp tác xuất nhập khẩu với thị trường Trung Quốc.

“Sở đã thực hiện nhiều chương trình hội đàm với tỉnh Quảng Tây (trung Quốc) để thống nhất đẩy thương mại và xuất nhập khẩu giữa Lạng Sơn  với Quảng Tây. Cùng với, nhiều đoàn công tác cấp Sở, ngành của Lạng Sơn và tỉnh Quảng Tây cũng đã trao đổi, hội đàm, ký kết thỏa thuận để thúc đẩy hợp tác trên tất cả các lĩnh vực và đặc biệt là thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa”, ông Đại thông tin.

Với ngành Công Thương TP.HCM, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, sẽ đẩy mạnh việc tổ chức các hội chợ hàng Việt Nam xuất khẩu, nhằm tạo sự giao lưu giữa các nhà mua hàng, chuỗi siêu thị lớn nước ngoài, gặp gỡ những DN sản xuất hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam ở TP.HCM. Một số chương trình khuyến mãi tập trung do UBND TP.HCM chủ trì cũng sẽ được tổ chức từ tháng 5 - 6 tới.

“Bắt mạch” sụt giảm kim ngạch xuất, nhập khẩu những tháng đầu năm nay - Ảnh 2.

Vừa tập trung phát triển thị trường truyền thống, vừa đa dạng hóa thị trường xuất khẩu là hướng đi của nhiều DN trong nước.

Tăng cường đàm phán, tận dụng để mở rộng thị trường ngoài nước thông qua các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết trong thời gian qua; khẩn trương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tạo điều kiện để DN, hiệp hội ngành hàng kết nối trực tiếp với các cơ quan Thương vụ ở nước ngoài để tìm hiểu, nắm bắt thị trường… là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại Hội nghị giao ban XTTM tháng 4/2023 vừa qua.

“Bộ Công Thương sớm kết nối để các Hiệp hội, DN trong nước được tiếp xúc, được trao đổi trực tiếp với các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để có thể giải quyết được những vướng mắc hiện nay, từ đó thúc đẩy cho làn sóng xuất khẩu ra nước ngoài một cách mạnh mẽ hơn, hiệu quả và bền vững hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo.

Người đứng đầu ngành Công Thương cũng yêu cầu các đơn vị tiếp tục theo sát diễn biến của kinh tế thế giới, nhất là sự điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản,… có thể ảnh hưởng tới thương mại với Việt Nam, từ đó kịp thời đưa ra cảnh báo cho cộng đồng DN, tham mưu cho Chính phủ các phản ứng chính sách phù hợp. Cùng với đó, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh sẽ tiếp tục đề xuất, kiến nghị hỗ trợ các giải pháp về chính sách, nhất là vốn vay, giãn thuế, giãn nợ để doanh nghiệp duy trì ổn định sản xuất phục vụ xuất khẩu./.

Theo Nguyên Long

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên