Bất ngờ khi Sở Xây dựng Hà Nội nói “JVE đã từ bỏ xử lý sông Tô lịch”
JVE bất ngờ khi PGĐ Sở Xây dựng Hà Nội nói “JVE đã từ bỏ xử lý sông Tô Lịch” trong khi đang chuẩn bị công bố giải pháp tổng thể cho sông Tô Lịch.
- 19-05-2020Đường ống 50 km thu gom nước thải kỳ vọng hồi sinh sông Tô Lịch dùng công nghệ gì?
- 09-02-2020Đã có phương án hồi sinh sông Tô Lịch
- 16-12-2019Nhà máy xử lý nước thải 16.000 tỷ được kỳ vọng 'cứu' sông Tô Lịch giờ thế nào?
- 04-12-2019Chế phẩm xử lý nước Redoxy-3C dùng làm sạch sông Tô Lịch kỳ diệu thế nào?
Chiều 16/6, trả lời báo chí, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng cho biết, từ tháng 11/2019, thành phố Hà Nội đã họp yêu cầu Công ty Việt Nhật (JVE) - đơn vị thí điểm công nghệ nano làm sạch một đoạn sông Tô Lịch, báo cáo rõ kết quả thí nghiệm, các văn bản pháp lý liên quan đến công ty và công nghệ xử lý.
Sở Xây dựng Hà Nội sau đó yêu cầu công ty cung cấp các tài liệu theo chỉ đạo của thành phố, nhưng đến giờ vẫn chưa nhận được và công ty không liên hệ lại. "Vậy chúng tôi hiểu là công ty đã từ bỏ việc xử lý nước trên sông Tô Lịch", ông Hoàng Cao Thắng nói.
Khu vực thí điểm làm sạch sông Tô Lịch.
Ngoài thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch, Công ty Việt Nhật còn quây một khu vực Hồ Tây để thí điểm làm sạch. Đến nay, khu vực này vẫn chưa dỡ bỏ.
Về vấn đề này, đại diện JVE cho rằng đó là thông tin sai. "JVE chúng tôi chưa từng có phát ngôn hay có công văn nào nói rằng chúng tôi từ bỏ việc xử lý ô nhiễm, cải tạo sông Tô Lịch", công văn của JVE khẳng định.
Đại diện JVE cũng cho biết, hiện nay sông Tô Lịch có 2 nguồn gây ô nhiễm: Nguồn ô nhiễm do nước thải ở bên ngoài (đã có dự án xây dựng cống ngầm thu gom nước thải đưa về Nhà máy xử lý nước thải tập trung); Nguồn ô nhiễm ở bên trong con sông: Theo đánh giá của chuyên gia Nhật Bản, ngay cả việc khoan cống ngầm thu gom nước thải dọc sông Tô Lịch thì cũng mới giải quyết được ô nhiễm ở bên ngoài, còn phần bên trong đã và đang bị ô nhiễm thì chưa xử lý được.
Nếu việc xây cống bao thu gom nước thải đó làm trước khi sông Tô Lịch bị ô nhiễm thì có thể chỉ cần thu gom nước thải ở bên ngoài đã xử lý được ô nhiễm.
Tuy nhiên việc xây cống bao thu gom nước thải được thực hiện sau khi sông Tô Lịch bị ô nhiễm nên chỉ thu gom thôi là chưa đủ vì không tác dụng xử lý ở bên trong. Sông Tô Lịch không thể hết ô nhiễm nếu như không có giải pháp như áp dụng công nghệ sục khí nano Nhật Bản để phân hủy toàn bộ chất hữu cơ ô nhiễm nổi váng trên bề mặt, phân hủy tầng bùn hữu cơ ở đáy và phân hủy tận gốc các yếu tố gây ra mùi hôi thối bốc lên là các khí độc như H2S, NH3, CH4;...
Các máy sục khí trên sông Tô Lịch. |
JVE cho biết, hiện nay phía Nhật Bản đang xây dựng phương án xử lý tổng thể kết hợp giữa cả việc thu gom nước thải bên ngoài bằng cống ngầm hiện nay và giải pháp xử lý triệt để tận gốc ô nhiễm bên trong "cơ thể sống" của sông Tô Lịch. Từ đó, phía Nhật Bản sẽ báo cáo lãnh đạo Thành ủy Hà Nội về dự án cải tạo sông Tô Lịch thành một khu tham quan du lịch đẹp và ý nghĩa như dòng suối Cheonggyecheon giữa lòng Thủ đô Seoul, Hàn Quốc.
Về thông tin tài liệu liên quan mà các cơ quan của Hà Nội yêu cầu, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nên các chuyên gia Nhật Bản chưa thể nhập cảnh vào Việt Nam và tiến hành các nội dung như đã đề cập. JVE khẳng định không có thẩm quyền thay thế phía Nhật Bản để hoàn thành các yêu cầu mà các cơ quan của Hà Nội đưa ra.
Về việc Hà Nội hoài nghi công nghệ nano và giao xử lý một ao tù, JVE cho rằng: “Với việc tài trợ miễn phí đơn vị này xứng đáng nhận được sự “chào đón” thay vì một loạt những phát ngôn của phía các cơ quan chuyên môn của Hà Nội. Do vậy, thay vì chứng minh giảm mùi hôi thối và phân hủy chất hữu cơ tại một ao tù như đề nghị của Hà Nội, phía đơn vị Nhật Bản họ đã được một địa phương khác mời và thực hiện xử lý tại một nơi mà nồng độ ô nhiễm và mùi hôi thối gấp hàng chục lần ô nhiễm của một ao tù thông thường như đề xuất của Hà Nội”, văn bản của JVE nêu./.
VOV