MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bất ngờ những thương vụ Shark Thủy rót vốn khi ngồi 'ghế nóng' Shark Tank

Nổi tiếng sau khi ngồi "ghế nóng" chương trình truyền hình thực tế Shark Tank, đầu tư cả chục thương vụ bạc tỷ nhưng Shark Thủy lại sa lầy với chính đế chế của mình gây dựng.

Ngày 26/3, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an (C03) vừa khởi tố bắt tạm giam đối với Nguyễn Ngọc Thủy (người thường được biết đến là Shark Thủy) - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn giáo dục Egroup, Công ty CP Đầu tư và Phân phối Egame cùng đồng phạm về tội “ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, thông qua hình thức chuyển nhượng cổ phần Công ty CP Tập đoàn Giáo dục Egroup.

Cơ quan điều tra đã khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Ngọc Thủy và Đặng Văn Hiền - Trưởng Ban quan hệ cổ đông Công ty CP Đầu tư và Phân phối Egame.

Bất ngờ những thương vụ Shark Thủy rót vốn khi ngồi 'ghế nóng' Shark Tank- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Ngọc Thủy khi ngồi ghế nóng chương trình Shark Tank Việt Nam.

Biệt danh Shark Thủy là do ông Nguyễn Ngọc Thủy có 2 mùa tham gia chương trình Shark Tank Việt Nam (năm 2018, 2019). Khi đó, ông góp mặt trên “ghế nóng" Shark Tank với tư cách Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn giáo dục Egroup.

“Muốn đi cùng với các start up là lý do tôi nhận lời là nhà đầu tư khách mời của Shark Tank Việt Nam. Tôi muốn tìm kiếm những start up có khát vọng mạnh mẽ, thể hiện được khát vọng đó bằng hành động”, Shark Thủy từng nói trong chương trình Shark Tank Việt Nam.

Ở mùa đầu tiên, Shark Thủy xuất hiện trong chương trình Shark Tank Việt Nam trong vai trò nhà đầu tư khách mời, bên cạnh 4 cá mập chính của chương trình. Shark Thủy là “cá mập” duy nhất chưa tốt nghiệp đại học. Khi đang là sinh viên năm nhất Đại học Mỏ Địa chất, Hà Nội, ông Thủy đã phải bảo lưu để tập trung hoàn toàn vào việc kinh doanh luyện thi đại học tại khu vực Hà Đông.

Trong 2 mùa tham gia Shark Tank, Shark Thủy là người giữ tỷ lệ “vàng” của chương trình với lời đề nghị đầu tư vào 9 công ty trên truyền hình, trong đó có 8 công ty đã được rót vốn với tổng tiền đầu tư lên đến 74 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến cuối năm 2022, chỉ có 4/9 dự án còn hoạt động.

Bất ngờ những thương vụ Shark Thủy rót vốn khi ngồi 'ghế nóng' Shark Tank- Ảnh 2.

Soya Garden trước khi đóng cửa đã mở cửa hàng tại Ngã 6 Phù Đổng, quận 1, TPHCM với giá thuê 25.000 USD (khoảng hơn 600 triệu đồng/tháng) nhưng chỉ trụ được gần 2 năm.

Theo đó, Shark Thủy đã cam kết đầu tư vào chuỗi sữa đậu nành Soya Garden 15 tỷ đồng. Umbala cam kết đầu tư 260.000 USD đổi 15% cổ phần (deal chung với Shark Vương). Xe lăn đa năng VH cam kết đầu tư 1 tỷ đồng đổi 36% cổ phần (deal chung với Shark Vương và Shark Hưng).

Với Bống chè bưởi, Shark Thủy cam kết đầu tư 300 triệu đồng đổi lấy 30% cổ phần (deal chung với Shark Hưng). Chuỗi Talks cafe cam kết đầu tư 5 tỷ đồng đổi lấy 45% cổ phần. Nhà hàng chay Pema cam kết đầu tư 3 tỷ đồng đổi lấy 80% cổ phần. Trò chơi nhập vai We Escape được cam kết đầu tư 5 tỷ đồng. Luxstay cam kết đầu tư 3 triệu USD + 3 triệu USD quyền mua (deal chung với Shark Việt và Shark Hưng, mỗi Shark 1 triệu USD + quyền mua 1 triệu USD trong round sau).

Đáng chú ý, 2 thương vụ được Shark Thủy kỳ vọng là Soya Garden và We Escape. Với Soya Garden, dù chỉ cam kết đầu tư 15 tỷ đồng nhưng thực tế Shark Thủy rót vốn tới 100 tỷ đồng. Với We Escape, ông Thủy chỉ cam kết đầu tư 5 tỷ nhưng thực rót 25 tỷ đồng. Tuy nhiên, cả 2 startup ông Thuỷ chọn ươm đều đã đóng cửa.

Theo Duy Quang

Tiền Phong

Trở lên trên