Bát nháo thị trường thực phẩm chức năng
Các mặt hàng thực phẩm chức năng không chỉ được bán ở các nhà thuốc, hệ thống cửa hàng, qua hệ thống bán hàng đa cấp mà còn được bán tràn lan trên mạng và thậm chí được quảng cáo với nhiều công dụng đặc biệt.
- 10-10-2016Thực phẩm chức năng: Thật - giả khó biết
- 03-10-2016Lỗ hổng trong công bố chất lượng thực phẩm chức năng
- 01-10-2016Thực phẩm chức năng giả "len lỏi" vào nhà thuốc bằng cách nào?
Tiền mất tật mang
Nắm bắt được tâm lý của phụ nữ, luôn muốn mình trẻ, đẹp và cũng không ngại chi tiền cho việc làm đẹp nên các mặt hàng thực phẩm chức năng dành cho làm đẹp như collagen, sữa ong chúa, vitamin các loại... được xem là dòng sản phẩm sôi động nhất ở các cửa hàng, nhà thuốc và trên các trang mạng. Đa số những sản phẩm này đều được quảng cáo bằng những lời “có cánh” kiểu như xóa mọi vết nhăn trong vòng 7 ngày, làm trẻ da, chống lão hóa, 50 tuổi nhìn giống 30 tuổi... Để tạo độ tin cậy, những người bán sản phẩm này còn đưa ra rất nhiều “chứng cứ khoa học” hay những “nhân chứng” đã sử dụng sản phẩm này từ "vịt hóa thiên nga". Giá sản phẩm này cũng từ đó được đội lên cao ngất ngưởng, từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu, và mỗi nơi một giá, ai cũng đảm bảo hàng mình là hàng chính hãng xách tay từ nước ngoài về.
Kiểm tra một cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng tại tỉnh Vĩnh Long.
Tóc ít và rụng nhiều, nên chị Nguyễn Thị Dương Thanh (Bình Thạnh) lo lắng sẽ bị hói đầu. Thông qua giới thiệu của bạn bè, chị lên mạng đặt mua một loại thực phẩm chức năng được giới thiệu là hàng xách tay có chứa collagen và biotin có chức năng hỗ trợ mọc tóc, đẹp da với giá 790.000 đồng/hộp và phải uống hai hộp như vậy thì sẽ có tác dụng. Thế nhưng sau khi uống thì chị cảm thấy tóc rụng nhiều hơn và thường xuyên bị mất ngủ. Chị Thanh bức xúc: “Sau khi uống tôi thấy tóc rụng nhiều hơn và có lúc bị chóng mặt, mất ngủ. Khi gọi điện thoại tới hỏi người bán thì họ bảo là phản ứng như vậy là bình thường và khuyên tiếp tục sử dụng, nếu mất ngủ thì chuyển sang uống buổi sáng. Uống thêm một hộp nữa nhưng tình trạng như vậy vẫn kéo dài, tôi tiếp tục gọi hỏi thì lần này người bán hàng lại nói chắc do nguyên nhân uống không đúng liều và do cơ địa không phù hợp".
Chị Thùy Linh vì muốn tạo ấn tượng tốt với gia đình nhà chồng tương lai mà suýt nữa thì đã gây họa vì nghe lời quảng cáo trên mạng. Chị Linh chia sẻ: “Mẹ bạn trai bị cao huyết áp và tiểu đường, để tạo ấn tượng tốt với ông bà mình cũng tìm những bài thuốc hay các loại thực phẩm về căn bệnh này. Sau khi đọc các bình luận và đánh giá tốt về một loại sản phẩm được xách tay từ Nhật Bản có tác dụng hỗ trợ điều hòa huyết áp, giảm tiểu đường và rất nhiều công dụng tốt cho sức khỏe của người già nên mình đã mua với giá 4 triệu/hộp sử dụng trong vòng 1 tháng. Thế nhưng sau khi uống loại đó vào, một thời gian bà phải nhập viện gấp vì đường máu và huyết áp đều tăng và bác sĩ yêu cầu ngừng sử dụng sản phẩm này".
Theo các bác sĩ, hiện nay nhiều người nghe theo lời quảng cáo mua thực phẩm chức năng về uống với suy nghĩ "không bổ ngang cũng bổ dọc". Nhiều người lầm tưởng đó là thuốc chữa bệnh. Thói quen của người tiêu dùng khi sử dụng thực phẩm chức năng chủ yếu là qua mách bảo của người quen, người bán hàng mà chưa có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực này. Việc bổ sung thực phẩm không đúng cách sẽ không có lợi cho sức khỏe.
Siết chặt quản lý kinh doanh
Tiến sĩ Lê Văn Giang, Cục phó Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế cho biết, do lợi nhuận cao nên nhiều doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng ngày càng có nhiều thủ đoạn lách luật tinh vi để qua mặt các cơ quan chức năng. Cục đang tập trung kiểm soát tình trạng làm giả các sản phẩm thực phẩm chức năng, đồng thời phối hợp với Bộ Thông tin Truyền thông siết chặt hơn hoạt động quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Ông Trần Hùng, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia) cho biết, thời gian qua nhiều vụ vi phạm lớn của những đường dây, ổ nhóm làm hàng giả đã được phanh phui. Các mặt hàng bị làm giả nhiều hiện nay là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. TP Hồ Chí Minh là địa bàn trọng điểm về sản xuất thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm giả lớn nhất cả nước. Đặc biệt mỗi dịp Tết đến, các mặt hàng này được sử dụng để làm quà biếu nhiều. Chính vì vậy, lượng hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng cũng tăng vọt.
Theo Bộ Y tế, trong 9 tháng đầu năm, cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện 56.978 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, chiếm 16,51% trong tổng số 345.106 cơ sở được kiểm tra. Ngoài xử phạt hơn 26 tỷ đồng, 145 cơ sở còn bị đình chỉ hoạt động, 133 loại thực phẩm bị đình chỉ lưu hành, 606 cơ sở có nhãn phải khắc phục. Hàng nghìn loại thực phẩm bị tiêu hủy do không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm như không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hết hạn sử dụng...
Trước tình hình đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn yêu cầu các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ cần rà soát lại việc cấp phép các mặt hàng thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược liệu. Chủ động lấy mẫu để thực hiện kiểm nghiệm đồng thời tăng cường công tác thanh kiểm tra, đặc biệt là kiểm tra đột xuất. “Cần khoanh vùng cụ thể những mặt hàng nào có khả năng làm giả, khu vực nào hay có đối tượng sản xuất hàng giả, nhất là các vùng ven, vùng giáp ranh để phát hiện và xử lý kịp thời”, Thứ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo.
Báo tin tức