MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bắt nhịp với kinh tế tuần hoàn

Ngày càng nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh mới hướng đến gần hơn với kinh tế tuần hoàn. Đó là những tín hiệu cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng nỗ lực để hướng đến nền kinh tế xanh, phát triển bền vững.

Bắt nhịp với kinh tế tuần hoàn - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp dệt may nỗ lực phát triển theo mô hình kinh tế tuần hoàn.

Tiếp cận mô hình kinh tế tuần hoàn

Một trong những doanh nghiệp (DN) đã chủ động bắt nhịp với kinh tế tuần hoàn phải kể đến Công ty Nestle. Với việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, mỗi năm việc chế biến cà phê của Công ty Nestle có thể giảm gần 13.000 tấn CO2 phát thải trong quá trình đốt lò hơi. Cùng với đó, phần bã cà phê, cát thải đều được tuần hoàn, tái sử dụng. Riêng việc sử dụng viên năng lượng sinh khối giúp doanh nghiệp tiết kiệm 40-50 tỷ đồng/năm chi phí năng lượng lò hơi. Nước thải màu trong quá trình sản xuất cà phê được lọc, làm sạch, tái sử dụng cho lò hơi, tiết kiệm hơn 112.000 m3 nước/năm, tái sử dụng 65% lượng nước tái chế, tiết kiệm 30% lượng nước và 40% năng lượng…

Đại diện Nestle Việt Nam cho biết, giá trị của kinh tế tuần hoàn nằm ở việc tạo giá trị tác động tích cực cho cộng đồng. Mô hình kinh tế tuần hoàn không chỉ trong chuỗi sản xuất mà còn được áp dụng xuyên suốt trong cả chuỗi cung ứng, từ khâu trồng trọt, sản xuất đến người tiêu dùng.

Nestle Việt Nam là một trong số nhiều DN thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn vì mục tiêu phát triển bền vững. Đơn cử với ngành gỗ, hiện nay, nhiều DN gỗ đang thực hiện mô hình này với việc tái chế các phế liệu gỗ phục vụ cho các mục đích sản xuất khác. Cụ thể, thay vì bỏ các phụ phẩm, hiện nay, phế liệu gỗ tại các nhà máy đã được dùng để cung cấp nhiệt cho nồi hơi, lò hơi thay cho sử dụng than đá, hoặc dầu như trước đây, giúp bảo vệ môi trường và giảm khí thải CO2.

Nhiều mô hình khu công nghiệp sinh thái tại các tỉnh Ninh Bình, thành phố Cần Thơ và thành phố Ðà Nẵng… cũng đang phát triển theo xu hướng kinh tế tuần hoàn, việc này không chỉ giúp tiết kiệm hàng triệu USD mỗi năm mà còn giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường rõ rệt.

Các chuyên gia kinh tế cho hay, hiện tại Việt Nam đã hình thành liên minh tái chế bao bì. Khu vực DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khá năng động trong việc thúc đẩy kinh tế tuần hoàn thông qua các kế hoạch tái chế rác thải, phụ phẩm với quy trình xử lý chất thải hiện đại, tiên tiến và được kiểm soát minh bạch.

Trong ngành dệt may, những phần vải vụn được nhiều DN may mặc đưa vào tái chế thành vải mới và các sản phẩm quần, áo được tạo ra có sử dụng một phần vải tái chế này được gắn nhãn CE (giúp lưu thông sản phẩm trên thị trường châu Âu và Hiệp hội thương mại tự do EFTA).

Trong ngành xây dựng, với các biện pháp tăng cường sử dụng vật liệu xây dựng tái chế, không nung… giúp đánh giá vòng đời của các tòa nhà và thúc đẩy phát triển thị trường thứ cấp cho vật liệu xây dựng, thúc đẩy đổi mới về sử dụng tài nguyên và giải quyết hiệu quả các vấn đề thâm dụng vật liệu...

Thúc đẩy bằng cơ chế, chính sách

Có thể thấy, các DN đã ý thức rất rõ về lợi ích của việc phát triển kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các mô hình sản xuất, kinh doanh theo nền kinh tế tuần hoàn ở nước ta vẫn khá khiêm tốn.

Nguyên nhân của sự “khiêm tốn” này được giới chuyên gia chỉ rõ, là do các điều kiện về pháp lý, kết cấu hạ tầng cho phát triển kinh tế tuần hoàn ở nước ta chưa đầy đủ, chưa hoàn thiện, còn tồn tại nhiều bất cập, gây khó khăn cho DN trong việc triển khai các mô hình kinh doanh mới.

Kinh tế tuần hoàn đòi hỏi ngay từ đầu phải có chiến lược sản xuất và phát triển sử dụng sản phẩm lâu nhất có thể và lập kế hoạch đưa nguyên liệu trở lại sản xuất sau này. Ðể đạt được điều đó, đòi hỏi đầu tư lớn vào kết cấu hạ tầng thu gom, phân loại và tái chế rác thải.

Nhìn nhận rằng, gần đây các DN trong nước bắt đầu chú trọng hơn đến mô hình kinh tế tuần hoàn, trong khi thế giới đã phát triển mạnh từ khá lâu, TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho hay, thời điểm này, các DN Việt bắt đầu “thấm” hơn về khái niệm “tồn tại hay không tồn tại”. Thứ nữa, chúng ta cũng đã có sự thay đổi về quan điểm cũng như nhận thức về phát triển, không còn chỉ là tăng trưởng đơn thuần mà phải bền vững, bao trùm, sáng tạo. Và cuối cùng, chính là khát vọng của Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. “Để hiện thực hóa được những mục tiêu phát triển bền vững, phát triển kinh tế theo hướng xanh, kinh tế tuần hoàn, mấu chốt nhất vẫn là câu chuyện về chính sách. Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chuẩn bị những chương trình hành động, nghiên cứu các chính sách. Và chính sách quan trọng nhất là Sandbox (cơ chế) cho kinh tế tuần hoàn”, ông Thành nói.

Về phía các công ty, DN, ông Thành cho rằng, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh là câu chuyện làm ăn, kiếm tiền, do vậy, dù muốn hay không các DN cũng phải chuyển đổi. "Theo điều tra, tại các thành phố lớn của việt Nam, thế hệ tiêu dùng xanh nhiều nhất là gen Y và gen Z. Các bạn trẻ hiện nay tiêu dùng rất xanh, rất văn minh và điều tích cực này đang được lan toả mạnh mẽ. Thực trạng này tạo ra áp lực cho DN" - vị chuyên gia nhận định và nhấn mạnh, các DN nhỏ và vừa của Việt Nam, muốn tồn tại và phát triển không có con đường nào khác phải gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn, sản xuất phải luôn gắn với chữ “xanh”.

"Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng nêu rõ tất cả những DN có tinh thần chuyển đổi xanh về phương thức kinh doanh đều có sức chống chịu tốt hơn trong đại dịch Covid-19. Kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh rất có giá trị thực tiễn", ông Thành lưu ý.

Giới chuyên gia kinh tế cũng nhận định, để kinh tế tuần hoàn đi vào đời sống là quá trình có thể mất thời gian và đòi hỏi sự thay đổi tư duy trong nhiều thế hệ. Trong đó, cần có cách tiếp cận mới, thậm chí cần động lực có tính chất kinh tế được đưa ra để khuyến khích tái chế.

“Đã đến lúc các DN cần phải tham gia thực chất. Phía nhà quản lý, cần phải có hành lang pháp lý mạnh mẽ hơn quy định trách nhiệm cụ thể cho các nhà sản xuất, nhà phân phối về thu hồi, phân loại và tái chế hoặc thanh toán chi phí xử lý thải cho các sản phẩm thải bỏ. Đây chính là những điều kiện để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, từ đó hướng đến phát triển bền vững”, ông David Riddle - Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Tân Hiệp Phát kiến nghị.

Theo Duy Khang

Đại đoàn kết

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên