“Bắt tay” giải quyết nợ công tăng nhanh sát trần
Với sự quan tâm của toàn hệ thống chính trị, việc triển khai thực hiện Luật Quản lý nợ công thời gian qua đã cơ bản đạt được mục tiêu đề ra, đảm bảo huy động nguồn lực cho ngân sách và cho đầu tư phát triển. Tuy nhiên, dư nợ tăng nhanh, đã tiến sát trần, hiệu quả sử dụng thấp,... là những vấn đề cần phải được giải quyết ngay. Sửa Luật Quản lý nợ công chính là giải pháp đồng bộ, triệt để.
- 16-01-2017Vi phạm nợ công, bị truy cứu hình sự?
- 13-01-2017Bộ Tài chính: Không đưa nợ doanh nghiệp Nhà nước vào nợ công
- 12-01-2017Cơ cấu lại nợ công: Không thể “đơn thương độc mã”
15 năm tăng 14,8 lần
Kể từ năm 2001 đến nay, nợ công đã có xu hướng gia tăng nhanh. Nếu năm 2001 nợ công ở mức 36,5% GDP thì năm 2005 ở mức 40,8% GDP, năm 2010 ở mức 50% GDP và năm 2015 ở mức 62,2% GDP. Xét theo quy mô, dư nợ công cuối năm 2015 gấp 2,3 lần năm 2010, gấp 7,6 lần năm 2005 và gấp 14,8 lần năm 2001. Bình quân giai đoạn 2011-2015, nợ công tăng 18,4%/năm.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, Luật Quản lý nợ công được ban hành năm 2009, có hiệu lực thi hành từ 1-1-2010, đã tạo khuôn khổ pháp lý ở mức cao nhất đối với hoạt động quản lý nợ công. Qua hơn 6 năm triển khai thực hiện, Luật đã tạo hành lang pháp lý phù hợp với mức độ phát triển của nền kinh tế-xã hội (KT-XH), huy động nguồn lực cho ngân sách và cho đầu tư phát triển, nhất là đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, tạo ra các tác động lan tỏa, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Trong đó, huy động được khối lượng lớn nguồn vốn ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài. Trong giai đoạn 2011 - 2016, tổng trị giá ký kết các hiệp định vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài đạt hơn 32 tỷ USD và đã giải ngân đạt khoảng 30 tỷ USD. Điều đó đã góp phần tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng KT-XH, xóa đói giảm nghèo. Trong nước, Bộ Tài chính cũng tổ chức huy động vốn cho ngân sách và đầu tư phát triển với tổng khối lượng phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011-2016 đạt gần 1.209 nghìn tỷ đồng với tốc độ tăng bình quân 34%/năm, đảm bảo cân đối ngân sách và nguồn vốn giải ngân cho đầu tư vào giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, góp phần phát triển thị trường vốn trong nước.
Việc quản lý nợ công (gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương) được thực hiện một cách chặt chẽ, đảm bảo trong phạm vi chỉ tiêu an toàn được Quốc hội phê duyệt. Ước tính đến cuối năm 2016, dư nợ công khoảng 64,73% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 53,62% GDP. Nợ công được quản lý, kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo trong giới hạn cho phép.
Công tác trả nợ nước ngoài và nợ trong nước cũng được đảm bảo, không làm ảnh hưởng đến uy tín của Chính phủ Việt Nam với các nhà tài trợ cũng như với thị trường tài chính quốc tế. Bên cạnh đó, trong điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định, một số năm gần đây đã phát hành các loại trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn dài hơn, lãi suất thấp hơn để đảo nợ, góp phần làm giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn và giảm chi phí vay vốn...
Tuy đạt nhiều kết quả tích cực song việc triển khai Luật Quản lý nợ công hiện đang vấp phải một số hạn chế, đặc biệt trong quản lý. Kể từ năm 2001 đến nay, nợ công đã có xu hướng gia tăng nhanh. Nếu năm 2001 nợ công ở mức 36,5% GDP thì năm 2005 ở mức 40,8% GDP, năm 2010 ở mức 50% GDP và năm 2015 ở mức 62,2% GDP. Xét theo quy mô, dư nợ công cuối năm 2015 gấp 2,3 lần năm 2010, gấp 7,6 lần năm 2005 và gấp 14,8 lần năm 2001. Bình quân giai đoạn 2011-2015, nợ công tăng 18,4%/năm. Bên cạnh đó, việc quản lý, phân bổ vốn vay thời gian qua chủ yếu được ưu tiên phân bổ cho các chương trình, dự án đầu tư công (khoảng 44% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2011-2015), song chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) khu vực Nhà nước mặc dù đã giảm xuống 8,94 so với 9,2 của giai đoạn 2006-2010 nhưng vẫn rất cao so với chỉ số chung của nền kinh tế (tương ứng 5,52 và 6,26) cho thấy hiệu quả thấp trong việc sử dụng nguồn vốn này. Hơn thế nữa, thực tế thời gian qua còn phát sinh rủi ro ở một số dự án dẫn đến Chính phủ phải trả nợ thay, chủ yếu tập trung vào một ngành như xi măng, giao thông, công nghiệp tàu thủy, thủy điện, giấy, nông-lâm-ngư nghiệp, chế biến chế tạo, thép, hóa chất..., trong đó có một số dự án lớn của Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy và Tổng công ty Giấy Việt Nam.
Không đưa nợ DNNN vào nợ công
Sau một thời gian nghiên cứu, đánh giá, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo đầu tiên của Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) để xin ý kiến rộng rãi.
Dự thảo không có thay đổi về các cấu phần của nợ công so với Luật hiện hành, theo đó, nợ công gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương, tuy nhiên, nội dung liên quan đến phạm vi nợ công được tách thành một điều riêng; đồng thời, làm rõ những tồn tại liên quan đến sự rõ ràng của từng cấu phần nợ công, đặc biệt là với nợ của Chính phủ. Cụ thể, dự thảo quy định rõ nợ Chính phủ gồm các khoản nợ do Chính phủ phát hành các công cụ nợ gồm tín phiếu, trái phiếu, công trái và các công cụ nợ khác của Chính phủ; các khoản nợ do Chính phủ ký kết các hiệp định, thỏa thuận hoặc hợp đồng vay với Chính phủ, vùng lãnh thổ nước ngoài, các tổ chức tài chính quốc tế, các tổ chức tài chính- tín dụng trong nước, nước ngoài; các khoản vay khác bao gồm vay từ quỹ dự trữ tài chính Nhà nước, tạm ứng vốn Kho bạc Nhà nước và các khoản vay khác theo quy định của pháp luật.
Nợ được Chính phủ bảo lãnh gồm các khoản nợ của DN, tổ chức tài chính- tín dụng được Chính phủ bảo lãnh để thực hiện các chương trình, dự án thuộc danh mục được Chính phủ bảo lãnh; các khoản nợ của ngân hàng chính sách của Nhà nước vay hoặc phát hành công cụ nợ để thực hiện các chương trình tín dụng của Nhà nước. Trong khi đó nợ của chính quyền địa phương hình thành thông qua: Các khoản nợ do chính quyền địa phương cấp tỉnh là các khoản nợ từ việc vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ; các khoản vay từ ngân hàng chính sách, theo chương trình của Nhà nước, tạm ứng vốn Kho bạc Nhà nước và các khoản nợ khác theo quy định của pháp luật.
Đối với ý kiến cho rằng cần xem xét tính các khoản tạm ứng của NSNN cho đầu tư xây dựng cơ bản, nợ của DNNN theo cơ chế tự vay tự trả vào nợ công, Bộ Tài chính đưa ra quan điểm rằng: Đối với các khoản tạm ứng đều xuất phát từ việc quản lý điều hành khi phát sinh một số khoản chi cấp bách cần thiết nhưng chưa có trong dự toán được duyệt thì NSNN tạm ứng để thực hiện và phải bố trí dự toán năm tiếp sau để thu hồi tạm ứng. Theo thông lệ quốc tế, đây không phải là khoản vay nợ vì không có bên vay, bên cho vay và không phát sinh nghĩa vụ phải hoàn trả của đối tượng sử dụng vốn. Vì vậy, không tính các khoản tạm ứng này vào nợ công. Đối với vay nợ của DNNN theo cơ chế tự vay tự trả, DN là bên vay có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo quy định của pháp luật. DNNN là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, chịu trách nhiệm hữu hạn trên tổng số vốn điều lệ được cấp, trường hợp DN không trả được nợ có thể thực hiện phá sản theo quy định của pháp luật. Nếu đưa nợ tự vay tự trả của DNNN vào nợ công có nghĩa là chuyển nợ từ DN sang nợ của Chính phủ. Điều này không phù hợp, vì vậy Bộ Tài chính không đưa nợ DNNN vào nợ công.
Một trong những nội dung nổi bật của dự thảo này là việc đưa nội dung cho vay lại vốn vay của Chính phủ thành một chương riêng, trong đó có một số điều chỉnh, bổ sung so với quy định hiện nay tại Luật. Cụ thể, về đối tượng cho vay lại, dự thảo bổ sung và điều chỉnh quy định Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh vay cho bù đắp bội chi ngân sách địa phương để đầu tư phát triển KT-XH thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương cho phù hợp với quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Về phương thức cho vay lại, Ngân hàng Phát triển Việt Nam vay lại không chịu rủi ro tín dụng; các tổ chức tài chính - tín dụng khác vay lại phải chịu rủi ro tín dụng. Đặc biệt, trong dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung một số điều kiện vay lại. Đó là: Đối với tổ chức tài chính tín dụng, phải được ít nhất một trong các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế (Standard & Poor’s, Moody’s và Fitch) xếp hạng tín nhiệm ở mức tín nhiệm ngang hoặc thấp hơn một bậc so với mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam nhằm tiệm cận với thông lệ tốt của quốc tế và đảm bảo tính khách quan trong việc quyết định cho vay lại đối với các tổ chức tài chính tín dụng. Đối với chính quyền địa phương, vốn vay lại phải đảm bảo không vượt quá hạn mức nợ và bội chi của ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước.
Việc xây dựng Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) được kỳ vọng có thể khắc phục những tồn tại, hạn chế sau hơn 6 năm triển khai thi hành Luật hiện hành và đảm bảo yêu cầu quản lý nợ bền vững, an toàn, hiệu quả phù hợp với điều kiện phát triển KT-XH của đất nước trong thời kỳ mới.
Báo hải quan