Bắt tay với BIM và Sun Group, một "đại gia" bất động sản ngoại tuyên bố tăng gấp đôi số khách sạn tại Việt Nam để đón đầu sự hồi phục 3-5 năm tới
Nhìn nhận về xu hướng M&A hiện nay, vị này khẳng định đúng là có cơ hội trên thị trường, và có rất nhiều nguồn tiền đang chờ đợi để mua lại các khách sạn và resort. Trên thị trường hiện đang có rất nhiều khách sạn gặp khó khăn trong 2 năm vừa qua. Tuy nhiên thực tế thì tình hình không diễn ra giống như vậy trên diện rộng, chính phủ và các ngân hàng cũng như các khách sạn đều tìm cách để giữ và tiếp tục vận hành các khách sạn của mình theo hướng bền vững.
Sau 2 năm bùng phát đại dịch và phải "đóng băng" gần như 2 năm, thị trường du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng theo người trong cuộc đang bước vào thời kỳ sôi động trở lại. Minh chứng, quá tải đơn booking khách sạn và cháy vé máy bay mùa lễ 30/4 sắp tới là những biểu hiện rõ rệt cho xu hướng trên.
"Xuất phát từ nhu cầu du lịch bị dồn nén, chúng tôi nhận thấy hoạt động du lịch quốc tế hồi phục mạnh mẽ. Các du khách có xu hướng lưu trú lâu hơn so với trước đại dịch và đặt các loại phòng lớn hơn như phòng suites và phòng căn hộ để tận hưởng trọn vẹn kỳ nghỉ.
Chúng tôi cũng đã nhìn thấy những tín hiệu cho thấy cho sự trở lại của các chặng bay trung và dài xuất phát từ các thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Mỹ và Úc. Số liệu thống kê SDR vào tháng 2/2022 cho thấy rằng công suất phòng lưu trú ở các khách sạn tại Việt Nam đã tăng 47% so với cùng kỳ năm 2021.
Từ tháng 1 đến tháng 3/2022 trong số liệu tìm kiếm trực tuyến các điểm đến du lịch thì Đà Nẵng và Tp.HCM vẫn nằm trong top 10 các điểm đến Đông Nam Á và Hàn Quốc được du khách quốc tế tìm kiếm nhiều nhất.
Đây chính là bằng chứng thuyết phục củng cố niềm tin của chúng tôi rằng nhu cầu đi du lịch tại nhiều thị trường của chúng tôi trên thế giới đã quay trở lại mức tăng của năm 2019", ông Rajit Sukumaran, Giám đốc Điều hành của IHG khu vực Đông Nam Á và Hàn Quốc, chia sẻ.
Là một trong những tập đoàn khách sạn lớn trên thế giới, IHG hiện đang sở hữu và khai thác hệ thống 15 khách sạn tại Việt Nam cùng 18 khách sạn mới đang phát triển, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động thêm hơn 6.000 phòng vào năm 2027.
"Đây là thời điểm vô cùng hào hứng đối với IHG tại Việt Nam. Việt Nam là thị trường mà chúng tôi hướng đến sự phát triển mạnh mẽ khi nhu cầu lưu trú khách sạn đang quay lại đà tăng trưởng nhanh chóng ở quy mô toàn quốc", ông nhấn mạnh.
Do đó, IHG đã sớm lên kế hoạch tăng gấp đôi lượng khách sạn tại Việt Nam trong vòng 3 – 5 năm tới, mục tiêu đón đầu nhu cầu lưu trú ngày càng tăng cũng như nhu cầu hợp tác từ các chủ sở hữu. Đặc biệt, với đối tác lớn hiện nay là Sun Group và BIM Group, IHG cho biết vẫn cùng bắt tay phát triển theo hướng thử nghiệm những cái mới, tạo ra sự khác biệt trong tương lai.
Riêng BIM Group, IHG sẽ tiếp tục hợp tác phát triển cùng họ ở khu vực vịnh Hạ Long, bao gồm cả Intercontinental. Công ty cũng đã ký hợp đồng lớn hợp tác với Sun Group năm ngoái về quản lý danh mục khách sạn tại Bà Nà Hills, Yoko Park Quang Hanh.
"Chúng tôi không chỉ xây dựng hợp tác với đối tác hiện có mà còn với các đối tác mới. IHG có chủ trương mở rôngj khắp mọi nơi tại Việt Nam như Phú Quốc, Bà Nà, Hạ Long, Sapa, chứ không hẳn tập trung chỉ khu vực miền Bắc", đại diện nói thêm.
Nhìn nhận về xu hướng M&A hiện nay, vị này khẳng định đúng là có cơ hội trên thị trường, và có rất nhiều nguồn tiền đang chờ đợi để mua lại các khách sạn và resort. Trên thị trường hiện đang có rất nhiều khách sạn gặp khó khăn trong 2 năm vừa qua. Tuy nhiên thực tế thì tình hình không diễn ra giống như vậy trên diện rộng, chính phủ và các ngân hàng cũng như các khách sạn đều tìm cách để giữ và tiếp tục vận hành các khách sạn của mình theo hướng bền vững.
M&A không diễn ra ở diện rộng như mọi người nghĩ. Tuy nhiên có một xu hướng khác đó là xu hướng chuyển đổi trong các hệ thống khách sạn và resort. Ví dụ có một khách sạn trước đây được vận hành bởi một đơn vị trong nước hay khu vực nào đó, bây giờ họ sẽ sử dụng các thương hiệu lớn, các tập đoàn lớn.
"Vì thế nên, trước đây, số lượng IHG ký hợp đồng chuyển đổi hằng năm các khách sạn chiếm 10%, nhưng trong năm ngoái con số này đã tăng hơn 50% ở khu vực Đông Nam Á cũng như Hàn Quốc", đại diện nói thêm.