Bất thường quản lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu: Cần thanh tra diện rộng
Theo thông tin của PV Tiền Phong, ngoài việc Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (Xuyên Việt Oil) bị phát hiện chiếm dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (QBOG) hàng trăm tỷ đồng, một số doanh nghiệp (DN) đầu mối khác cũng có dấu hiệu mập mờ sử dụng khoản quỹ này. Các DN cho rằng, cần sớm thanh tra sử dụng quỹ tại các DN hiện nay.
- 23-09-2023Quỹ bình ổn dư đậm, sao không xả kịp thời?
- 16-09-2023Quỹ bình ổn giá xăng dầu: Vận hành sao cho ổn?
- 14-09-2023Hết Quý II/2023, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu còn hơn 7.400 tỷ đồng
Trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo một DN đầu mối chiếm thị phần lớn khẳng định, QBOG ở những DN Nhà nước luôn được đảm bảo. Tuy nhiên, việc sử dụng quỹ này tại một số DN đầu mối tư nhân đang rất có vấn đề.
Theo vị này, với DN đầu mối Nhà nước, không lãnh đạo nào dám “đánh đổi ghế” để làm sai trong trích hoặc sử dụng quỹ cho mục đích khác. Doanh nghiệp Nhà nước chỉ cần đường hoàng cho thuê, kho, bồn bể, cảng cũng “ăn đủ” không ai dại gì sờ vào phần QBOG. Tuy nhiên, với đầu mối tư nhân, đặc biệt là những DN có đầu tư bất động sản, đang bị mắc kẹt với bất động sản và trái phiếu trong các năm 2021-2022, việc quản lý, giám sát quỹ sẽ là vấn đề rất đáng chú ý khi nhiều đơn vị có kết quả kinh doanh không thuận lợi.
Cũng theo đại diện DN này, việc 2 lãnh đạo Công ty Xuyên Việt Oil bị bắt mới đây liên quan vi phạm về sử dụng và không nộp hàng trăm tỷ đồng QBOG xăng dầu cho thấy nhiều bất cập trong quản lý hơn 7 nghìn tỷ đồng tiền quỹ đang nằm tại các DN hiện nay.
“Theo Nghị định 83 và Nghị định 95, có rất nhiều DN xăng dầu đầu mối đang vi phạm quy định và điều kiện về kinh doanh nhưng chưa bị xử phạt. Theo quy định tại Điều 39 Nghị định 95, DN đầu mối có trách nhiệm công bố trên trang tin điện tử của DN hoặc trên phương tiện thông tin đại chúng về giá bán lẻ hiện hành, số trích lập, số sử dụng và số dư QBOG hằng tháng và trước mỗi lần điều chỉnh giá trong nước. Các DN cũng phải công bố báo cáo tài chính trong năm tài chính khi đã được kiểm toán. Tuy nhiên, nhiều năm trôi qua, vẫn còn nhiều DN đầu mối doanh thu cả nghìn tỷ đồng nhưng không hề có website để công bố thông tin theo quy định dù đã được thanh, kiểm tra nhiều lần nhưng không bị xử phạt, nhắc nhở”, vị này nhấn mạnh.
Cũng theo tiết lộ của vị này, nếu cơ quan quản lý thực hiện kiểm tra, giám sát việc sử dụng QBOG cần chú ý tới những đầu mối không có website, không nhập đủ hạn mức xăng dầu được phân giao, nợ thuế lớn nhưng đồng thời có các hoạt động đầu tư bất động sản, trái phiếu, nông sản quy mô lớn như Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà; Công ty Cổ phần xăng dầu và dịch vụ hàng hải STS; Công ty TNHH sản xuất thương mại Hưng Phát; Công ty Cổ phần nhiên liệu Phúc Lâm; Công ty CP Phúc Lộc Ninh…
Chặn kịp thời các tình huống chiếm dụng quỹ
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Văn Công Thật, Giám đốc Công ty TNHH KNJ Kim Ngọc (TPHCM) cho rằng, việc quản lý và sử dụng QBOG đang lộ rõ những bất cập. Theo quy định, quỹ nằm ở DN và định kỳ DN phải có báo cáo đồng thời lên cơ quan quá trình quản lý là Bộ Tài chính và Bộ Công Thương. Tuy nhiên, việc báo cáo số dư và sử dụng quỹ thời gian qua cho thấy, có nhiều lỗ hổng.
“Tài khoản ngân hàng trích lập quỹ còn tiền hay không, chỉ khi cơ quan chức năng yêu cầu, ngân hàng mới cung cấp thông tin và lúc đó cơ quan quản lý mới nắm được... Việc quản lý, giám sát, hậu kiểm liên quan QBOG hoàn toàn không quá khó, nếu chúng ta quyết tâm làm. Việc thanh tra toàn bộ tài khoản QBOG tại các DN đầu mối sẽ làm rõ và trả lời những nghi ngại của người tiêu dùng về quản lý, chi tiêu của quỹ này. Qua đó, giúp “giải oan” cho DN đầu mối làm ăn nghiêm túc hơn”, ông Văn Công Thật nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, từ khi hình thành quỹ đến nay, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương ban hành các thông tư hướng dẫn thực hiện trích lập, sử dụng, quản lý và báo cáo định kỳ về tồn dư quỹ. Quy định hiện hành cũng nêu rõ, DN không được sử dụng QBOG để cấp vốn kinh doanh, hoặc sử dụng cho mục đích khác. Việc Xuyên Việt Oil không nộp lại tiền quỹ khi bị thu hồi giấy phép cho thấy rõ hơn những bất cập trong quản lý quỹ, dẫn đến vi phạm của DN đầu mối như vậy.
“Trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền là phải quản lý trực tiếp dòng tiền của quỹ này, nhưng hiện nay cơ quan quản lý Nhà nước mới quản lý qua báo cáo bằng văn bản của các DN đầu mối. Cách quản lý QBOG như thế là lỏng lẻo, chưa hiệu quả”, ông Thỏa nói.
Cũng theo ông Thỏa, với cách quản lý trên giấy như hiện nay, DN hoàn toàn có thể rút ra để đầu tư hoặc sử dụng cho mục đích khác. Quỹ càng lớn, DN càng lợi khi có thể “mượn tạm” để làm vốn kinh doanh, không phải trả lãi vay ngân hàng. Để hạn chế những rủi ro chiếm dụng quỹ, phải xây dựng cơ chế quản lý hằng ngày để kiểm soát dòng tiền của quỹ thông qua áp dụng công nghệ thông tin, kết nối với ngân hàng thương mại. Cùng với đó, có thể kết hợp kiểm tra, thanh tra thường xuyên trực tiếp tại DN nhằm ngăn chặn kịp thời việc chiếm dụng quỹ.
“Hiện Thông tư 103 chưa quy định rõ trách nhiệm cơ quan nào chịu trách nhiệm chính về quản lý QBOG. Vì vậy, cần quy định rõ cơ quan chịu trách nhiệm giám sát việc trích lập, sử dụng, và kiểm soát thực tế tồn dư quỹ”, ông Thỏa đề xuất.
Nhiều DN âm Quỹ Bình ổn giá
Tính đến hết tháng 6/2023, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đang là đơn vị có số dư QBOG cuối kỳ cao nhất với hơn 3.198 tỷ đồng, chiếm 43% tổng số dư quỹ. Đứng thứ hai là Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà với hơn 612,3 tỷ đồng…
Có 4 đơn vị bị âm QBOG gồm: Công ty Cổ phần xăng dầu Tân Nhật Minh (âm 32,2 tỷ đồng), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) âm 22,4 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư phát triển Trường An (âm 12,5 tỷ đồng), Công ty TNHH Petro Bình Minh (âm 4,1 tỷ đồng).
Có 4 DN không trích lập QBOG trong quý II gồm: Công ty Cổ phần Dầu khí Đông Phương, Công ty TNHH Sản xuất thương mại Hưng Phát, Công ty TNHH Thương mại vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil, Công ty TNHH Trung Linh Phát.
PV
Trong quá trình sửa Nghị định 95, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Bộ Công Thương đề nghị thống nhất quản lý một đầu mối về vận hành và có QBOG. Theo Bộ Tài chính, nếu duy trì QBOG, nghị định mới phải bổ sung giải pháp đồng bộ: quy định rõ vai trò, trách nhiệm của ngân hàng với tài khoản DN xăng dầu mở tại đây, đẩy mạnh áp dụng hóa đơn điện tử trong hoạt động bán hàng xăng dầu.
Tiền phong