Bất thường vải thiều không ra hoa, người dân Lục Ngạn lo phát sốt
Bất thường thời tiết khiến đa phần diện tích vải thiều Lục Ngạn tới thời điểm này vẫn chưa ra hoa.
- 18-08-2016Niên vụ vải thiều 2016: Tăng gần 500 tỉ nhờ chuỗi giá trị
- 03-07-2016Lục Ngạn: Sản lượng vải thiều tăng 15 nghìn tấn so dự báo
- 03-07-2016Xuất khẩu vải thiều sang Trung Quốc đạt 42 triệu USD
Theo ông Tăng Văn Huy, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lục Ngạn, Bắc Giang, toàn huyện hiện có hơn 16,2 ngàn ha vải thiều. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có khoảng 10% lượng vải sớm ra hoa, còn lại 90% diện tích vẫn trơ lá. Theo ông Huy, đến thời điểm này có thể xác định, mùa vải năm nay đã muộn, chủ yếu do tác động biến đổi thời tiết.
Được biết, điều kiện căn bản là phải cần từ 200-300 giờ lạnh liên tục dưới 15 độ cho một cây vải “ủ hoa”.Theo các chuyên gia, nền nhiệt độ năm nay chênh lệch so với vụ đông năm trước từ 2,2-2,4 độ. Nắng nóng kéo dài, mùa đông gần như không có, kèm theo hạn hán đã tác động quy trình sinh trưởng của cây vải.
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, trước nỗi lo mất trắng vụ vải thiều, nhiều hộ nông dân tại xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn đã ngay lập tức tính đến chuyện… chuyển đổi cây trồng! Cụ thể, gia đình ông Nguyễn Văn Lưu hiện nay chỉ còn khoảng 100 gốc vải. Cách đây hơn chục ngày, ông Lưu đã quyết định hạ chặt gần một nửa diện tích vải của mình để thay thế bằng 200 gốc cam. Tương tự, nhìn vườn vải chỉ tua tủa đâm lộc, ông Giáp Văn Kiệm cũng “xóa sổ” hơn 5 sào vải với tổng số lên tới khoảng 150 gốc cây đã có 8 năm tuổi.
Hầu hết khi chuyển đổi cây trồng, người nông dân đều chọn những gốc cam đã lớn, chỉ một năm sau đã cho thu hoạch trái. Tuy nhiên, theo ông Tăng Văn Huy, những giống cây như cam, bưởi được trồng trên cả nước và rất khó để có thể cạnh tranh những vùng cam nổi tiếng như Hà Giang,Tuyên Quang, Hòa Bình…”.
Trước tình trạng trên, ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội NN-PTNT Việt Nam khẳng định, động thái này của người nông dân là quá vội vàng! Bởi theo ông Hùng, không phải ngẫu nhiên mà vải lục ngạn đã khẳng định được thương hiệu, ví trí của mình ở thị trường nội địa và xuất khẩu. Chuyện mất mùa với cây vải không xảy ra thường xuyên và ai dám chắc khi chuyển đổi cây trồng sẽ “ắt thắng”? “Để trồng được một cây vải phải mất hàng chục năm để cho thu hoạch nên nếu không tính toán đúng, sẽ đem những tổn thất nặng nề”, ông Hùng nhận định.
Mới đây, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ NN-PTNT, nội dung “giải cứu” vải thiều cũng được đề cập. Theo đó, diễn biến bất thường, vụ Đông Xuân ấm, mưa trái vụ đã ảnh hưởng đến sản xuất trồng trọt, đặc biệt đến việc ra hoa, thụ phấn của cây vải ở các tỉnh Bắc Giang và Hải Dương. Do đó, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã yêu cầu Cục trồng trọt tập trung cán bộ, hướng dẫn người dân áp dụng các gói kỹ thuật, cố gắng chăm sóc để dù có giảm một chút về sản lượng những vấn được giá.
Báo giao thông