Bầu cử Mỹ: Kịch bản phũ phàng khi bà Harris đánh thuế giới siêu giàu? Đáp án ở câu hỏi không ai giơ tay
Vấn đề kinh tế là tâm điểm của bầu cử tổng thống Mỹ 2024: Người dân có cuộc sống tốt hơn dưới thời Tổng thống Biden, và tới đây có thể là bà Kamala Harris, hay ông Donald Trump?
Đảng Dân chủ dưới thời bà Kamala Harris sẽ đánh thuế cao đối với người giàu và các tập đoàn lớn để lấy tiền đó chi trả cho nhà nước phúc lợi của họ. Trong khi đó, đảng Cộng hòa dưới thời ông Donald Trump lại muốn giảm thuế cho tất cả người Mỹ để kích thích tăng trưởng và phát triển.
Bên nào có chính sách và lập luận thuyết phục nhất? Là ông Trump và Đảng Cộng hòa!
Đảng Dân chủ lập luận rằng những người giàu không đóng đủ phần thuế mà lẽ ra họ phải nộp, trong khi tầng lớp trung lưu và người nghèo phải đóng nhiều hơn. Theo bà Harris, những triệu phú và tỷ phú, thuộc nhóm 1% dân số Mỹ, và các tập đoàn lớn lớn, hầu như không đóng thuế. Và rằng nếu họ đóng thuế, tất cả người dân đều sẽ được hưởng lợi.
Thực sự là có hợp lý không khi áp thuế nặng đối với người giàu, bao gồm cả những tập đoàn lớn không đóng thuế? Câu trả lời là: Không!
20.000 nhân viên thuế - 20 tỷ USD ngân sách
Những người dân chủ cực tả thường mô tả các tập đoàn lớn và người giàu là "xấu xa" để lý giải cho chính sách đánh thuế người giàu.
Nghe thì có vẻ hợp lý khi cho rằng những người giàu có và các tập đoàn lớn trốn thuế thông qua các hành vi bất hợp pháp như khai gian thuế, trá hình nguồn tiền từ các hoạt động bất hợp pháp, dối trá, gian lận hoặc ăn cắp. Tuy nhiên, hầu hết những trường hợp gian lận này đều bị Sở Thuế vụ sờ gáy. Trường hợp có những vụ lọt lưới thì đó là do sự hạn chế năng lực của các cơ quan chính phủ.
Dưới thời chính quyền Biden - Harris, Sở Thuế vụ đã tuyển dụng 20.000 nhân viên thuế, tiêu tốn 20 tỷ USD ngân sách, để truy thu các khoản thuế chưa nộp và phạt các đối tượng gian lận thuế trong giai đoạn 2023 - 2024. Đảng Dân chủ đã nhầm lẫn giữa việc tránh thuế đúng luật với gian lận thuế.
Người ta thường thấy các tỷ phú hậu thuẫn cho đảng Dân chủ tuyên bố rằng người giàu và các tập đoàn lớn nên nộp thuế nhiều hơn. Vậy tại sao những tỷ phú này không chủ động hộp nhiều hơn? Thực tế là chính những người nói như vậy lại không hề nộp nhiều hơn. Tôi cho rằng đây chỉ là "ra vẻ đức độ".
Một thực tế trớ trêu là vào những năm 1990, đảng Dân chủ giành được nhiều phiếu bầu hơn từ các nhóm cử tri là tầng lớp thượng trung lưu, nhóm ngành nghề có thu nhập cao và những người sở hữu cổ phiếu, nhiều cử tri có trình độ đại học sống ở đô thị. Trước đó, đảng Cộng hòa vốn đại diện cho các nhóm cử tri này.
Hiện nay, đảng Dân chủ là đảng của người giàu, còn đảng Cộng hòa là đảng của tầng lớp lao động. Mặc dù vậy, đảng Dân chủ vẫn chế giễu rằng đảng Cộng hòa là đảng của người giàu.
Đảng Dân chủ tảng lờ dữ liệu thuế và thu nhập
Đảng Dân chủ đang nhắm vào nhóm 1% dân số siêu giàu, tức là những người có thu nhập hơn 400.000 USD mỗi năm và các tập đoàn lớn lớn.
Ở cấp liên bang, nhóm 1% dân số siêu giàu, tương đương khoảng 1,5 triệu người, phải trả mức thuế suất thực tế là 26%, giúp thu ngân sách khoảng 1 nghìn tỷ USD tiền thuế thu nhập hàng năm, tương đương 46% tổng số thuế thu nhập cá nhân thu được. Chỉ có rất ít người phải trả mức thuế suất cao nhất là 36%. Như vậy, tuyên bố cho rằng nhóm siêu giàu không phải trả thuế là không có cơ sở.
Các công ty Mỹ đang bị áp mức thuế thu nhập doanh nghiệp là 28%, mức thuế suất cao nhất trên toàn cầu.Mức thuế của Trung Quốc là 15% - 25%. Theo Trung tâm Chính sách Thuế (Mỹ), thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022 đạt 425 tỷ USD, tương đương 8,7% tổng ngân sách thuế liên bang đã thu được.
Nhóm 1% dân số giàu nhất sở hữu giá trị tài sản là 44,6 nghìn tỷ USD, trong khi nợ chính phủ hiện tại là 35,5 nghìn tỷ USD. Bà Harris có thể trả hết nợ quốc gia nếu tịch tu toàn bộ tài sản của nhóm siêu giàu, hay nói cách khác họ sẽ trở thành vô gia cư. Điều này sẽ phá hủy nền kinh tế Mỹ.
Với lời hứa sẽ không tăng thuế đối với những người có thu nhập hàng năm dưới 400.000 USD, bà Harris sẽ khiến nợ công của Mỹ tiếp tục tăng vọt trong nhiều thập kỷ tới.
Chỉ đến gần đây mới có việc chính phủ Mỹ bắt đầu có những chính sách bảo trợ cho các quyết định đầu tư thiếu tính toán của người dân. Đảng Dân chủ trợ cấp cho các chủ sở hữu nhà khi họ thực hiện các khoản vay thế chấp lớn vượt khả năng chi trả dẫn đến hậu quả là họ bị lỗ nặng khi giá nhà giảm.
Chính phủ đã chi hơn 1,5 nghìn tỷ USD cho các khoản vay sinh viên và khi người vay không thể hoặc không muốn trả nợ, chính phủ đã xóa các khoản vay này. Cho đến nay 169 tỷ USD tiền vay sinh viên đã được xoá.
Một ví dụ nữa là việc chính phủ đứng ra bảo lãnh khoản vay cho các công ty năng lượng. Solyndra, một công ty chuyên sản xuất các tấm pin hấp thụ nhiệt từ ánh sáng mặt trời để sản xuất điện năng đã được vay 528 triệu USD vốn ưu đãi do chính phủ bảo lãnh và khi họ tuyên bố phá sản thì số tiền này sẽ bị "mất toi". Tiền để thực hiện các chính sách bảo trợ này đều là tiền đóng thuế của người dân Mỹ.
Trước năm 2024, Mỹ không đánh thuế tài sản. Nếu bạn sở hữu một ngôi nhà, chỉ khi bạn bán căn nhà đó thì bạn mới phải đóng thuế sau khi đã khấu trừ 250,000 USD (hoặc 500,000 USD nếu bạn đã kết hôn và kê khai thuế chung). Không ai đánh thuế căn nhà của bạn khi bạn còn đang sở hữu. Tương tự như vậy, chính phủ chỉ đánh thuế số tiền cổ tức bạn kiếm được từ cổ phiếu chứ không đánh thuế giá trị cổ phiếu. Việc bà Harris đưa ra chính sách đánh thuế tài sản chỉ cho thấy một nỗ lực tuyệt vọng.
Một ví dụ là sau khi áp dụng thuế tài sản từ năm 2000 đến năm 2017, Pháp đã chứng kiến 60,000 triệu phú rời bỏ đất nước.
Kế hoạch kinh tế của bà Harris - chủ yếu dựa trên thuế
Pháp luật thuế không chỉ nhằm mục đích huy động tiền; pháp luật thuế còn phản ánh các mục tiêu chính sách công. Bà Harris tóm tắt cương lĩnh kinh tế của mình là "Khuyến khích việc làm, không khuyến khích sự giàu có", là "Nền kinh tế mang lại cơ hội" và là "Sự trở lại của Niềm vui và Hy vọng".
Theo kế hoạch của bà Harris, chính phủ Mỹ sẽ trợ cấp cho người mua nhà lần đầu (25.000 USD), trợ cấp cho người xây nhà (không có mức tiền cụ thể), trợ cấp sinh con và nuôi con nhỏ (6.000 USD), trợ cấp học phí đại học (lên đến 30.000 USD), tính thuế thu nhập kiếm được cho người nghèo (1.250 USD), trợ cấp khởi nghiệp kinh doanh nhỏ (25.000 USD), không đánh thuế tiền boa, kiểm soát giá đối với ngành thực phẩm, cùng với tất cả các chương trình và phúc lợi bắt buộc khác của nhà nước.
Bà Harris cũng tiếp tục ủng hộ chính sách công nghiệp của chính quyền Biden - Harris: sử dụng tiền thuế để phát triển và khai thác năng lượng xanh từ các tấm pin mặt trời, tua bin gió và xe điện, giảm ô nhiễm môi trường và sản xuất microchip tiên tiến. Những dự án đầu tư quan trọng này, được coi là thiết yếu để cứu hành tinh, hiện đang hoạt động kém hiệu quả, thành ra chỉ khiến lãng phí thêm nguồn vốn. Tại sao lại như vậy? Bởi các chính sách này chỉ mang tính chính trị chứ không tính đến hiệu quả kinh tế.
Nhiều chính sách của bà Harris dẫn đến hậu quả lạm phát. Chúng làm tăng thâm hụt ngân sách hàng năm và nợ công, đồng thời khuyến khích nhiều người trông chờ vào trợ cấp chính phủ, chưa kể đến việc sẽ dẫn đến tái cấu trúc toàn bộ nền kinh tế. Ví dụ, việc trợ cấp 25.000 USD cho người mua nhà lần đầu sẽ khiến giá nhà tăng và gây tình trạng thiếu hụt trên thị trường nhà đất.
Điều gì xảy ra khi khi thuế quá cao?
Phần lớn các nhà đầu tư trở nên giàu có bằng việc đầu tư vào các phi vụ làm ăn nhiều rủi ro với hy vọng thu được lợi nhuận cao. Nhưng phần nhiều phải chịu thất bại.
Chính phủ cho phép các nhà đầu tư được bồi thường thiệt hại ở mức 3.000 USD đối với các khoản đầu tư chứng khoán, một con số thực sự không đáng kể. Như vậy, các nhà đầu tư phải chịu mọi rủi ro nếu khoản đầu tư của họ thất bại, trong khi chính phủ thu về lợi nhuận trên cổ phần thường thông qua thuế. Điều này quả đúng là tốt cho chính phủ.
Tôi xin chia sẻ một ví dụ điển hình. Tôi vốn từng giảng dạy các lớp Thạc sỹ kinh tế. Sinh viên của tôi chủ yếu đến từ các gia đình có cha mẹ làm việc trong ngành sản xuất ô tô và thép. Tôi thường đặt ra những câu hỏi như thế này trong lớp: Bạn có sở hữu cổ phiếu của công ty nào không? Không ai giơ tay. Cha mẹ bạn có sở hữu cổ phiếu không? Không ai giơ tay. Ai trả lương cho cha mẹ bạn? General Motors và US Steel. Ai sở hữu những công ty này? Các nhà đầu tư.
Vậy, bạn có muốn trừng phạt và gây khó dễ cho chính những nhà đầu tư đang trả tiền cho bạn được đi học đại học hay không? Thêm nữa, bạn dám thế chấp ngôi nhà của mình ở mức bao nhiêu tiền để đầu tư vào một công ty công nghệ khởi nghiệp?
Không ai giơ tay. Tại sao không? Vì quá rủi ro. Các doanh nhân khởi nghiệp trong các dự án mạo hiểm lấy tiền từ đâu để khởi nghiệp và phát triển? Từ các nhà đầu tư giàu có, không phải từ những công nhân nhà máy hay con cái của họ. Chỉ nói đến vậy là đã đủ hiểu.
Nhóm siêu giàu đầu tư 5 nghìn tỷ USD hàng năm vào các công ty khởi nghiệp có rủi ro cao, phần nhiều trong số đó có nguy cơ thất bại. Nếu không có những nhà đầu tư này, nước Mỹ sẽ không có Microsoft, Apple hay Tesla. Một người dân Mỹ có mức thu nhập trung bình sẽ không có khả năng thực hiện các khoản đầu tư đầy rủi ro như vậy.
Sàn giao dịch chứng khoán New York và NASDAQ, nơi cổ phiếu có mức độ rủi ro thấp hơn, có vốn hóa 50 nghìn tỷ USD và chủ yếu thuộc sở hữu của nhóm siêu giàu, quỹ hưu trí và các tổ chức đầu tư. Nếu cổ phiếu bị đánh thuế cao, nền kinh tế Mỹ sẽ bị huỷ hoại. Chưa kể đến việc khoản nợ khổng lồ của nước Mỹ đã khiến nguồn vốn vay tư nhân bị co hẹp, dẫn đến kinh tế tăng trưởng chậm.
Thuế trên thặng dư vốn và thuế thu nhập doanh nghiệp cao gây bất lợi cho đầu tư và đổi mới sáng tạo của nền kinh tế, đặc biệt là khi các quốc gia cạnh tranh với Mỹ lại có mức thuế thấp hơn. Đánh thuế vào động lực tăng trưởng là cách tốt nhất để đóng cửa nền kinh tế Mỹ.
Mặc dù vậy, bà Harris vẫn đưa ra những đề xuất chính sách trừng phạt những người kiếm tiền từ cổ phiếu bằng cách tăng thuế trên thặng dư vốn từ 20% lên 28% đối với nhóm siêu giàu.
Ngoài việc làm chậm tăng trưởng và phát triển, tại sao việc đánh thuế thu nhập doanh nghiệp cao lại là hành động liều lĩnh? Bởi các tập đoàn lớn sẽ chuyển các khoản thuế tăng thêm sang cho người tiêu dùng các sản phẩm và dịch vụ của họ. Khi chính phủ cố gắng ngăn chặn điều này, các tập đoàn lớn sẽ cắt giảm chi phí, thông thường họ sẽ sa thải hàng loạt nhân công hoặc tuyên bố phá sản.
Maine, một tiểu bang vùng Đông Bắc nước Mỹ, quyết định áp thuế cao để trừng phạt các cơ sở đóng du thuyền tư nhân vì cho rằng hoạt động này đã thúc đẩy lòng tham của các tập đoàn. Việc này đã buộc các cơ sở phải đóng cửa, và hàng trăm công nhân, nhà cung cấp, nhà bán lẻ và các nhà đầu tư mất việc làm và thu nhập. Tình huống tương tự cũng xảy ra ở California khi chính phủ tăng mức lương tối thiểu cho nhân công trong ngành thức ăn nhanh.
Việc đánh thuế nhập khẩu thường không hiệu quả vì mức thuế nhập khẩu cao đồng nghĩa với việc người tiêu dùng Mỹ phải trả giá cao hơn cho hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu.
Khi bị chính phủ đe dọa bằng thuế, các tập đoàn công nghệ của Mỹ đã chuyển hoạt động của mình sang Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia mới nổi khác, gây bất lợi cho Mỹ. Năm 2015, các tập đoàn lớn nắm giữ 2,1 nghìn tỷ USD ở nước ngoài để tránh thuế của Mỹ. Sau khi cải cách thuế, nhiều tập đoàn đã chuyển hoạt động quay về nước.
Nước Mỹ đã trở thành một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới nhờ hệ thống thị trường tự do, với động lực là thuế suất thấp, giảm bớt quy định, hoạt động đổi mới sáng tạo của khu vực tư nhân, khởi nghiệp doanh nghiệp, đầu tư và bí quyết công nghệ, chứ không phải chính sách thuế của chính phủ đối với các ngành công nghiệp.
Chính sách gì cho người nghèo?
Một câu hỏi chính đáng đặt ra là: còn người nghèo thì sao? Họ có bị người giàu và các tập đoàn lớn bỏ lại phía sau hay kìm hãm sự phát triển hay không? Câu trả lời là Có và Không.
Bà Harris tin rằng chính phủ nên quản lý nền kinh tế theo hướng thúc đẩy công bằng cho tất cả mọi người. Ông Trump thì cho rằng khu vực tư nhân nên tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người đồng thời vẫn đảm bảo có một "tấm lưới an toàn" bảo vệ những người không có khả năng cạnh tranh.
Mỹ đã trở thành một nhà nước phúc lợi. Theo ước tính của báo New York Times, từ năm 2020 đến năm 2023, chính phủ Mỹ đã chi 5 nghìn tỷ USD để hỗ trợ người nghèo thông qua các dịch vụ cung cấp nhà ở, chăm sóc y tế, giáo dục, thực phẩm, đào tạo nghề, chăm sóc trẻ em, lương hưu, khuyết tật ...
Đảng Dân chủ ngưỡng mộ các nước châu Âu vì họ chi nhiều hơn cho các chương trình phúc lợi. Tuy nhiên, các nhà nước phúc lợi này đang thất bại dưới gánh nặng của nhập cư bất hợp pháp, giống như Mỹ.
Thật không may, cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa vẫn tiếp tục chi tiêu thâm hụt hàng năm, hiện ở mức 2 nghìn tỷ USD và con số này vẫn đang tăng. Để trả hết khoản nợ quốc gia, mỗi người dân nộp thuế sẽ phải gánh một khoản nợ lên đến 270.000 USD. Lãi suất hàng năm phải trả cho khoản nợ này là 1 nghìn tỷ USD, tương đương tổng ngân sách quân sự.
Đảm bảo rằng mọi người dân được hưởng theo nhu cầu có thể là mục tiêu đáng khen ngợi, nhưng không bền vững bởi thực tế là chính phủ Mỹ không có đủ tiền để thực hiện. Đảng Dân chủ muốn duy trì phúc lợi ngay cả khi điều đó sẽ khiến nước Mỹ phá sản. Ngược lại, đảng Cộng hòa muốn tối đa hoá lực lượng lao động tham gia sản xuất đồng thời giảm bớt phúc lợi nhà nước. Cả hai đảng đều muốn có tấm lưới an toàn. Câu hỏi đặt ra ở đây là "tấm lưới" đó cần lớn đến mức nào.
Ai đưa ra Ưu đãi thuế?
Ai đã đưa ra các ưu đãi thuế mà đảng Dân chủ đang chê bai? Chính là các nghĩ sỹ Quốc hội của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hoà. Họ làm như vậy để thúc đẩy chương trình nghị sự chính sách của mình. Vì vậy, nếu cho rằng hành vi của người giàu và các tập đoàn lớn là tồi tệ, thì căn nguyên sâu xa lại bắt nguồn từ Quốc hội.
Nhưng hãy khoan vội! Quốc hội thông qua các khoản miễn trừ hào phóng có lợi cho chính các dân biểu Hạ viện và các Thượng nghị sỹ. Nhiều người trong số họ đã trở thành thành viên của nhóm 1% dân số siêu giàu sau nhiệm kỳ của mình.
Các tập đoàn lớn và các nhà đầu tư tỷ phú vận động Quốc hội để được hưởng chế độ đãi ngộ đặc biệt theo luật thuế. Theo OpenSecrets.org, 12.000 nhà vận động hành lang ở Washington, DC, đã chi 4 tỷ USD mỗi năm để gây ảnh hưởng đến Quốc hội. Họ tìm cách để thoát khỏi tình trạng quản lý quá mức của chính phủ, ước tính khiến các doanh nghiệp thiệt hại 1,4 nghìn tỷ USD. Các hoạt động vận động hành lang này không trái luật.
OpenSecrets thuộc Trung tâm chính trị đáp ứng của Mỹ, chuyên nghiên cứu về sự lưu chuyển của dòng tiền trong hoạt động chính trị và ảnh hưởng của nó đến bầu cử và hoạch định chính sách công.
Người giàu và các tập đoàn lớn cũng đóng góp tài chính đáng kể cho các chiến dịch tranh cử dưới hình thức gọi là "tiền đen". Năm 2024, các nhà tài trợ đã đóng góp nhiều hơn 1 tỷ USD vào chiến dịch tranh cử của hai ứng viên!
Vì vậy, nếu muốn chỉnh đốn lại hệ thống thuế thì việc trước tiên là chỉnh đốn các quy tắc vận động hành lang và tài trợ cho các chiến dịch tranh cử. Cả hai đảng đều không muốn làm điều này.
Tại sao Kế hoạch kinh tế của ông Trump tốt hơn?
Điểm mấu chốt là kế hoạch kinh tế của ông Trump khuyến khích và hỗ trợ những gì người Mỹ - bao gồm các cá nhân và các tập đoàn lớn - làm tốt nhất: tạo ra cơ hội và của cải.
Kế hoạch của bà Harris là dùng chính phủ để tạo ra của cải thông qua thu thuế và phân phối lại. Bản thân chính phủ không tạo ra được những thứ đó. Hậu quả là, thay vì gia tăng tài sản cho người nghèo và tầng lớp trung lưu, việc áp thuế cao quá mức lại khiến người Mỹ nghèo đi.
Đời sống pháp luật