Bầu Đức "chiến đến cùng" với bầu Tú: Ai thắng, bóng đá Việt Nam cũng thua!
Trước thềm đại hội VFF, kịch tính trong cuộc chiến quyền lực đang đẩy lên cao đến mức khó kiểm soát, đỉnh điểm là tuyên bố "một mất một còn" của bầu Đức dành cho ông Trần Anh Tú.
- 01-02-2018NÓNG: HLV Park Hang-seo lên Phố núi cảm ơn bầu Đức sau kỳ tích U23 Việt Nam
- 30-01-2018Bầu Đức đích thân sang Hàn Quốc, tự bỏ tiền túi để đảm bảo lương, mời bằng được HLV Park Hang-seo
- 30-01-2018Bầu Đức - 'Người cha' vĩ đại nhưng thầm lặng đứng sau chiến thắng của U23 Việt Nam
1. Sau tuyên bố "Tháng Tư, tôi sẽ bỏ bóng đá nếu anh Tú trúng cử" của bầu Đức ngày hôm qua, và nhất là tuyên bố không quan tâm đến lời kêu gọi "đừng bỏ bóng đá " của ông Trần Anh Tú sáng nay, rất nhiều người hâm mộ bóng đá lo lắng nghĩ đến viễn cảnh những Công Phượng, Xuân Trường... sẽ thế nào nếu ông Đức "phủi tay" bỏ làm bóng đá, rồi tương lai của "thương binh" Tuấn Anh sẽ ra sao...
Nhưng những người hiểu việc, nhất là những người đang góp sức mình vào sự phát triển của bóng đá Việt Nam thì còn lo lắng hơn rất nhiều, bởi đằng sau động thái ấy, tuyên bố ấy của bầu Đức, chắc hẳn không phải là sự bức xúc nhất thời hay mâu thuẫn của riêng hai ông bầu, mà còn là câu chuyện lớn hơn, nguy hiểm hơn nhiều cho nền bóng đá chỉ vừa mới khởi sắc lại này.
Tuyên bố của bầu Đức, thoạt đầu nghe khá có lý, từ chuyện ông Trần Anh Tú "một mình một ngựa" thâu tóm quyền lực, ông Tú là "người ngoại đạo" với bóng đá, rồi bản thân ông bầu CLB HAGL bị gạt ra khỏi đề cử phó chủ tịch VFF dù được đề cử... Nhưng sau hàng loạt tuyên bố hùng hồn ấy, có khá nhiều điều khiến "có gì đó sai sai" ở đây.
Nói ông Tú là "người ngoại đạo" bóng đá, chỉ biết làm futsal, chắc hẳn bầu Đức chưa bao giờ tự hỏi rằng trước khi CLB TP.HCM được quyền chủ tịch Công Vinh tiếp quản, nó nằm trong tay ai. Khi bầu Tú nắm trọng trách chủ tịch liên đoàn bóng đá TP.HCM, rồi nắm VPF, bầu Đức có phản đối tiếng nào không, hay những vị trí đấy không đòi hỏi phải biết và giỏi chuyên môn?
Tiếng là bầu Tú giữ nhiều trọng trách, nhưng nên nhớ VPF về bản chất là một công ty tổ chức sự kiện, được thành lập để điều hành tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp tại Việt Nam, và việc bầu Tú không có một CLB bóng đá nào là điểm cộng cho việc ngồi vào chiếc ghế điều hành, chứ chắc chắn không phải là điểm trừ như bầu Đức nhận định.
Bên cạnh đó, việc kiêm nhiệm cả chủ tịch lẫn tổng giám đốc ở một công ty cổ phần như VPF là điều hoàn toàn bình thường, và các quyết định lớn của VPF đều phải do Đại hội đồng cổ đông - cơ quan quyền lực cao nhất của Công ty, chứ không phải do bầu Tú một mình quyết định.
Ông Trần Anh Tú từng sát cánh với CLB TP.HCM trong chức vô địch hạng Nhất mùa giải 2016.
2. Hơn 10 năm nhận và lo cho futsal Việt Nam, số tiền mà bầu Tú và doanh nghiệp của mình bỏ ra để futsal Việt Nam có được bộ mặt ngày hôm nay chưa chắc đã kém bầu Đức. Để có được số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng ấy, chắc chắn năng lực kinh doanh và tài chính của bầu Tú là không nhỏ.
Nói đâu xa, khi nhà tài trợ của V.League đột ngột đòi "xem lại" hợp đồng, không bầu Tú thì ai mới là người chạy đôn chạy đáo, để cuối cùng V.League 2018 có được nhà tài trợ mới, với giá trị hợp đồng không hề kém, thậm chí là còn cao hơn.
Một người như thế ngồi vào chiếc ghế phó chủ tịch phụ trách tài chính của VFF, trong bối cảnh bầu Đức xin rút lui vì đặt niềm tin sai chỗ vào HLV Hữu Thắng ở SEA Games, có chỗ nào không xứng đáng?
Bầu Đức hoàn toàn có quyền đề cử người mà mình cho là xứng đáng vào vị trí phó chủ tịch phụ trách tài chính mà mình để lại, thậm chí có thể tự đề cử chính mình. Nhưng ông không làm thế, ông nằng nặc đòi ông Trần Anh Tú phải từ bỏ việc ứng cử của mình. Giả sử bầu Tú làm theo lời bầu Đức để ông chủ CLB HAGL không "bỏ bóng đá", ai mới là người "một tay che cả bầu trời"?
Gần một năm trước, bầu Đức từng phát ngôn: "Ai nói HLV Hoàng Anh Tuấn là giỏi. Một HLV mà trong nước không ai tận dụng, nếu giỏi thì chắc chắn họ mời rồi. Ví dụ như Huỳnh Đức, Hữu Thắng đâu có chuyện thất nghiệp, trả lương cao là khác. Nên phải xem lại mình đang ở đâu".
Giờ đây, HLV Hoàng Anh Tuấn là trưởng ban huấn luyện của PVF, cũng như dẫn dắt U19 quốc gia. Còn Hữu Thắng và Huỳnh Đức ở đâu, chắc bầu Đức biết rõ.
Bầu Tú càng nhún mình, bầu Đức càng quyết liệt. Bầu Tú viết tâm thư nhắn nhủ "Xin đừng từ bỏ bóng đá", bầu Đức đáp lời: "Tôi không quan tâm việc Trần Anh Tú kêu gọi tôi tiếp tục làm bóng đá. Điều tôi quan tâm là kêu gọi Tú hãy giảm bớt tham vọng quyền lực".
Ở đây, người ta thấy sự lệch nhau đến 180 độ, như bầu Tú viết trong tâm thư: "Vì bóng đá, theo tôi chỉ nên là phép cộng của những bàn tay đóng góp chứ không nên là phép trừ từ những khác biệt quan điểm của những người cùng mục đích".
Đến bao giờ, những người dốc lòng vì bóng đá Việt Nam mới có thể nhìn về cùng một hướng?
Quan điểm của bầu Tú là ngồi vào chiếc ghế đấy, ông sẽ có nhiều cơ hội để đóng góp cho bóng đá Việt Nam hơn trên cương vị của mình, còn với bầu Đức, việc bầu Tú ngồi vào chiếc ghế ấy là để thao túng quyền lực. Hai quan điểm ấy chẳng thể nào gặp nhau ở bất cứ điểm cắt nào. Và giữa hai thứ, bắt buộc phải chọn lấy một.
Rất nhiều năm về trước, ai đó đã nói một câu khái quát cho diễn biến của bóng đá nước nhà mỗi khi mùa đại hội về: "Các bác, các chú đánh nhau xong chưa, để bọn cháu còn ra sân đá bóng". "Các cháu" lại phải chờ thôi...
Có điều, với diễn biến "một mất một còn" này, dẫu ai là người "thắng", thì bóng đá Việt Nam cũng "thua".
Đau, khi người hâm mộ nước nhà vẫn còn chưa hết chuyếnh choáng với men say chiến thắng của U23 Việt Nam, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của bầu Đức...
Trí thức trẻ