MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Báu vật' được Trung Quốc săn lùng ráo riết: Cơn sốt tràn qua cả Việt Nam

31-03-2023 - 19:53 PM | Thị trường

'Báu vật' được Trung Quốc săn lùng ráo riết: Cơn sốt tràn qua cả Việt Nam

Từ loại gỗ chỉ 1-2 xu/kg, gỗ sưa bỗng vụt lên "đắt hơn vàng". Săn lùng ráo riết đến cạn kiệt nguồn cung trong nước, dòng người đầu tư Trung Quốc ùn ùn mang cả túi tiền sang Việt Nam tìm kiếm gỗ sưa.

'Báu vật' đắt hơn vàng

Trong phòng đấu giá chật kín người ở Bắc Kinh năm 2011, một người mua giấu tên đã bỏ ra số tiền đáng kinh ngạc là 32.3 triệu NDT (gần 5 triệu USD) để mua một chiếc giường đơn giản làm từ gỗ Hoàng hoa lê (Huanghuali).

Một cặp ghế bành có lưng tựa, nằm trong bộ sưu tập 80 chiếc ghế được trưng bày tại Tử Cấm Thành, cũng thu về 23 triệu NDT (3.3 triệu USD).

Theo ghi nhận của hãng tin AFP, tính tới thời điểm buổi đấu giá diễn ra, giá của đồ nội thất làm từ gỗ Hoàng hoa lê đã tăng gấp 25 lần trong vòng 20 năm trở lại đó.

Hoàng hoa lê chủ yếu được trồng trên đảo Hải Nam (Trung Quốc) nên còn có tên gọi là Hoàng hoa lê Hải Nam. Đã có hàng nghìn món đồ nội thất làm từ gỗ Hoàng hoa lê được phân phối trên khắp thế giới, khiến nguồn cung cấp vật liệu quý hiếm này cạn kiệt nhanh chóng.

Phần lớn những cây Hoàng hoa lê trưởng thành tại Hải Nam đã bị chặt hạ do nhu cầu quá cao. Những cây còn lại đều là cây nhỏ, có đường kính "chỉ bằng một chai bia".

Giá của Hoàng hoa lê bắt đầu tăng vọt từ năm 2001. Ông Zhong Pingyuan, một chuyên gia về đồ nội thất cho hay, chỉ riêng trong năm 2006, giá của loại gỗ này đã tăng gấp 3 lần so với năm trước đó.

'Báu vật' được Trung Quốc săn lùng ráo riết: Cơn sốt tràn qua cả Việt Nam - Ảnh 1.

Đồ nội thất làm từ Hoàng hoa lê rất được người Trung Quốc ưa chuộng. Ảnh: LiveAuctioneers


Theo ghi nhận của Sina, vào năm 2010, giá của Hoàng hoa lê từ 1-2 xu/kg trong những năm 1970 đã tăng lên tới 9.000 NDT/kg (1.300 USD) tại Hải Nam. Tại Bắc Kinh và Thượng Hải, mức giá còn cao hơn nữa. Trong phút chốc, Hoàng hoa lê "còn đắt hơn vàng".

Tới năm 2011, gỗ Hoàng hoa lê thậm chí được bán với giá hơn 40.000 NDT/kg (gần 6.000 USD).

Việc ngày càng nhiều triệu phú Trung Quốc háo hức trưng bày của cải mới kiếm được, và săn lùng bất cứ thứ gì gọi là hàng hiếm đã phần nào thúc đẩy sự bùng nổ giá của Hoàng hoa lê.

Tờ Independent (Anh) dẫn thông tin từ truyền thông Trung Quốc cho hay, Hoàng hoa lê trở nên khan hiếm tới mức những tên trộm ở Hải Nam đã đánh cắp cả các bàn thờ bằng gỗ được người dân địa phương đóng để thờ tổ tiên. Một số căn nhà truyền thống trên đảo cũng bị phá hủy để lấy đi phần dầm làm từ gỗ Hoàng hoa lê.

Vì sao người Trung Quốc mê mẩn Hoàng hoa lê?

Ông Christopher Engle, đồng giám đốc chuyên gia về các tác phẩm nghệ thuật Trung Quốc tại Christie's New York cho biết, trong lịch sử, Hoàng hoa lê được đánh giá là loại gỗ có giá trị cao, được dùng làm đồ nội thất cho cung đình, tầng lớp thượng lưu ở Trung Quốc.

Tờ WSJ cho biết, đồ nội thất làm từ gỗ Hoàng hoa lê được ưa chuộng tại Trung Quốc từ lâu bởi màu sắc, mùi hương, cùng những đường vân đặc biệt. Ngay cả rễ cây cũng được tận dụng để làm cốc, chuỗi hạt và các đồ vật cỡ nhỏ khác.

"Vân gỗ rất đẹp, rất mềm khi chạm vào, giống như da em bé vậy" – Ông Zhong Pingyuan nói.

So với các loại gỗ khác, Hoàng hoa lê có giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, giá trị thực tiễn và nghệ thuật rất cao.

Ngoài ra, theo trang tin Sohu, Hoàng hoa lê còn có giá trị chữa bệnh. Trước những năm 1980, loại dầu do nhà máy dược phẩm Nam Phương (Trung Quốc) sản xuất, với tác dụng giảm sưng và giải độc, đã được điều chế từ dầu tinh khiết của Hoàng hoa lê Hải Nam.

'Báu vật' được Trung Quốc săn lùng ráo riết: Cơn sốt tràn qua cả Việt Nam - Ảnh 2.

Giới quyền quý Trung Quốc dùng vòng tay làm từ Hoàng hoa lê để cầu bình an. Ảnh: Sohu

Theo ghi chép lịch sử của Trung Quốc, Hoàng hoa lê không những có, mà còn có rất nhiều giá trị dược liệu.

Ghi chép thời nhà Minh đề cập tới tác dụng điều trị vết thương và vết loét, cầm máu, giảm đau, giảm sưng của loài cây này. Các tài liệu dưới triều Thanh thì cho biết, Hoàng hoa lê Hải Nam có tác dụng bổ máu, điều hòa khí huyết, chống tiêu chảy.

Theo Sohu, giờ đây, Hoàng hoa lê rất đắt tiền nên hiếm khi được sử dụng trong y học như trước nhưng tiếp xúc lâu dài với đồ vật làm từ Hoàng hoa lê vẫn mang tới những lợi ích nhất định.

Về phong thủy, người Trung Quốc xưa quan niệm Hoàng hoa lê có thể giúp tránh tà ma. Từ xa xưa, chỉ có giới quyền quý mới có đủ điều kiện để sử dụng Hoàng hoa lê. Họ dùng đồ nội thất hoặc đồ mỹ nghệ tinh xảo, vòng tay làm từ Hoàng hoa lê để cầu bình an.

'Cơn sốt' tràn qua Việt Nam

Khi thị trường Trung Quốc khan hiếm nguồn cung thì cơn sốt gỗ của đất nước 1,4 tỷ dân đã lan sang Việt Nam. Dòng gỗ trên, khi được trồng ở Việt Nam được gọi là gỗ sưa đỏ. Đây là loại gỗ quý nhóm 1, có giá trị kinh tế cao.

Một khúc gỗ sưa Việt Nam dài 8m, nặng 1,58 tấn từng được rao bán tại Thượng Hải với giá 200 triệu NDT (hơn 29 triệu USD), gây sốc cộng đồng người săn lùng gỗ sưa Trung Quốc. Tuy nhiên, chủ nhân khúc gỗ cho biết, tại thời điểm ra giá, đó là khúc gỗ sưa lớn nhất thế giới.

Gỗ sưa Việt Nam được người Trung Quốc gọi là Hoàng hoa lê Việt Nam. Theo một thương nhân Trung Quốc, vào năm 2008, khoảng 200 tấn gỗ sưa Việt Nam đã được nhập vào Trung Quốc. Trong giai đoạn thị trường Trung Quốc cạn kiệt Hoàng hoa lê Hải Nam, "phải may mắn lắm mới mua được gỗ sưa Việt Nam".

'Báu vật' được Trung Quốc săn lùng ráo riết: Cơn sốt tràn qua cả Việt Nam - Ảnh 3.

Khúc 'gỗ vàng' từ Việt Nam được thương nhân Thượng Hải "hét" giá 200 triệu NDT (gần 700 tỷ VND). Ảnh: Tanghongren

Năm 2010, truyền thông Trung Quốc cho hay, dòng người đầu tư Trung Quốc đã mang cả túi tiền mạo hiểm sang Việt Nam săn lùng gỗ sưa theo hình thức du lịch đầu tư.

Trả lời Báo tối Dương Thành (Quảng Châu), ông Bành – chủ một cửa hàng nội thất cho biết, nguồn tiền nóng của các nhà đầu tư Trung Quốc đổ vào thị trường gỗ Việt Nam chủ yếu đến từ các nhà bất động sản vừa và nhỏ ở Quảng Đông, doanh nhân ở Ôn Châu và một vài nhà buôn than ở Sơn Tây.

Thông thường nhà đầu tư không trực tiếp đến thị trường mà ủy thác cho người người mua khác và chia lợi nhuận theo tỷ lệ 2-8 hoặc 3-7. Nếu may mắn, người mua cũng có thể kiếm được hàng trăm nghìn NDT/năm. Thậm chí, nếu gặp vận may, mua trúng cây gỗ sưa chất lượng tốt thì có thể đổi đời.

Theo Báo tối Dương Thành, nếu không có điều kiện sang Việt Nam, những tay săn gỗ sưa Trung Quốc sẽ tham gia các hội chợ thương mại Việt-Trung ở thành phố Băng Tường, Quảng Tây. Họ rất mạnh dạn mua gỗ, không cần nhìn chất gỗ, chỉ cần là gỗ sưa thì họ mua sạch.

Năm 2016 tiếp tục ghi nhận các doanh nghiệp, thương nhân và nhà sưu tầm Trung Quốc tìm cách thu mua gỗ sưa từ Việt Nam. Song, số lượng thu mua được rất có hạn do nguồn cung gỗ sưa từ Việt Nam cũng dần trở nên khan hiếm.

Theo Vy Lam

Thể thao & Văn hóa

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên