“Bẫy năng lượng” mà châu Âu đang mắc phải: Tìm ra cách thoát khỏi khí đốt Nga nhưng một quốc gia khác đã thống trị ngành hàng này
Châu Âu đã có thể khắc phục được nguồn cung khí đốt từ Nga, tuy nhiên sẽ phải đối mặt với một sự phụ thuộc mới.
- 21-02-2023Một ngành hàng quan trọng không kém dầu thô của Nga mà châu Âu không thể chạm đến: Mỹ cũng phải phụ thuộc lớn, các ông lớn trong ngành đều là đồng minh của Nga, cung cấp 1/4 sản lượng cho thế giới
- 17-02-2023Xây nhà máy tại Mỹ, xe điện VinFast có được hưởng ưu đãi thuế tương tự Tesla?
- 14-02-2023Kỷ nguyên xe điện đang mở ra tại thị trường xuất khẩu của VinFast: Xe điện đã bắt đầu rẻ hơn xe xăng
Ảnh minh họa
Theo Bloomberg, tỷ lệ lắp đặt năng lượng mặt trời trên khắp châu Âu đã tăng kỷ lục 40 gigawatt vào năm 2022, tăng 35% so với năm 2021. Đây là viễn cảnh lạc quan nhất đối với châu Âu sau khi bị Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt. Bước nhảy vọt này được thúc đẩy bởi những người tiêu dùng coi các tấm pin năng lượng mặt trời giá rẻ như 1 biện pháp cắt giảm các hóa đơn năng lượng.
Khi châu Âu chấm dứt sự phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của Nga, khu vực này muốn năng lượng mặt trời trở thành nguồn điện chính vào năm 2030. Một thách thức đặt ra rằng EU sẽ đạt được điều đó như thế nào mà không phải phụ thuộc năng lượng vào Trung Quốc?
Các công ty Trung Quốc hiện kiểm soát hơn 80% chuỗi cung ứng năng lượng mặt trời trên toàn thế giới, thống trị việc sản xuất các tấm pin và linh kiện của chúng.
Phá vỡ sự phụ thuộc gần như hoàn toàn vào Trung Quốc đã trở nên cấp bách đối với Liên minh châu Âu khi khối này tìm cách cắt giảm lượng khí thải nhà kính và lấp đầy khoảng trống về nhiên liệu hóa thạch của Nga để lại. Các nước EU đang lắp đặt nhiều tấm pin mặt trời hơn bao giờ hết, nhưng hầu hết được sản xuất tại Trung Quốc.
Các nhà lãnh đạo EU sẽ họp tại Brussels để thống nhất về kế hoạch trợ cấp cho các nhà sản xuất tấm pin mặt trời và các ngành công nghiệp xanh khác vào thời điểm Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và các nước khác đã tăng cường trợ cấp cho các ngành này.
Lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời tại châu Âu. Ảnh: Bloomberg
Châu Âu cần thêm thời gian
Các nhà phân tích và quan chức cho biết việc xây dựng một ngành công nghiệp năng lượng mặt trời khả thi ở châu Âu sẽ không dễ dàng. Các nhà máy châu Âu sẽ phải cạnh tranh với các nhà sản xuất Trung Quốc đang được Bắc Kinh trợ cấp và có thể hạ gục các đối thủ cạnh tranh mới bằng cách giảm giá.
Châu lục này đang đặt cược vào các dự án trong nước như nhà máy sản xuất tấm pin mặt trời khổng lồ ở Sicily, thuộc sở hữu của công ty năng lượng Ý Enel. Tuần này, Enel lên kế hoạch chi tiết nâng công suất của nhà máy vào giữa năm 2024 để sản xuất đủ các tấm pin mặt trời hàng năm để tạo ra 3 gigawatt điện, so với công suất 200 megawatt hiện nay.
Điều đó sẽ khiến nó trở thành nhà máy sản xuất pin mặt trời lớn nhất châu Âu. Enel và các công ty châu Âu khác cho biết các tấm pin của họ hiệu quả hơn và bền lâu hơn, đồng thời sẽ cho phép họ cạnh tranh với các công ty Trung Quốc.
Tuy nhiên, Enel và các nhà sản xuất năng lượng mặt trời châu Âu khác vẫn chủ yếu dựa vào các tấm silicon và các thành phần khác do Trung Quốc sản xuất để lắp ráp các tấm pin của họ.
EU đã nhập khẩu 17,5 tỷ euro, tương đương khoảng 18,75 tỷ USD, các linh kiện và thiết bị năng lượng mặt trời từ Trung Quốc trong 10 tháng đầu năm 2022, chiếm 95% tổng lượng nhập khẩu liên quan đến năng lượng mặt trời.
Eliano Russo, người đứng đầu nhà máy sản xuất tấm pin mặt trời 3Sun của công ty ở Sicily, cho biết Enel đã thực hiện các bước để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc bằng cách thiết lập quan hệ đối tác mới với các nhà cung cấp ở châu Âu và Bắc Mỹ.
Ông Russo cho biết từ năm 2025, Enel sẽ không còn phụ thuộc nhiều vào các nhà cung cấp châu Á. Việc nâng cấp nhà máy Sicilia sẽ tiêu tốn khoảng 600 triệu euro, trong đó 188 triệu euro sẽ được tài trợ bởi EU. Trong số các điều kiện kèm theo khoản tài trợ của EU là 60% sản lượng của nhà máy được dành cho thị trường châu Âu.
EU muốn các nguồn tái tạo chiếm 45% sản lượng năng lượng vào năm 2030, so với 17% hiện nay. Theo kế hoạch khí hậu của EU, các tấm pin mặt trời dễ lắp đặt hơn các tua-bin gió cao chót vót và sẽ trở thành nguồn điện hàng đầu. Khối này muốn có khoảng 600 gigawatt công suất năng lượng mặt trời hoạt động vào cuối thập kỷ này, gấp khoảng ba lần so với mức hiện nay.
Tham khảo: Bloomberg, FT, Reuters
Nhịp sống thị trường