"Bẫy" nhảy việc trong ngân hàng
Từ trưởng nhóm sang thành giám đốc, từ chuyên viên thành trưởng phòng vv... nghe rất hoành tráng và mê hoặc – nhưng nếu không tìm hiểu kỹ về công việc chuyên môn, quy mô quản lý và thẩm quyền quyết định – có khi chính bạn sẽ là người thất vọng sớm nhất!
- 02-06-2019Giao KPI cho nhân viên ngân hàng theo lợi nhuận: Tại sao không?
- 15-05-2019Biên thu nhập nhân viên giữa các ngân hàng doãng rộng
- 13-05-2019Mùa “di cư” của nhân viên ngân hàng: Đến nhà băng nào thu nhập cao nhất?
-
Đối với sales ngân hàng – trạng thái ‘bình thường mới’ đồng nghĩa với nhiều thay đổi mới so với bình thường. Tác nghiệp theo kiểu truyền thống có thể không còn phù hợp
-
Những đơn vị nào mà tập thể khí thế, nhân viên nhiệt tình, hiệu quả cao và động lực làm việc hào hứng... thường là do trưởng đơn vị làm tốt thường xuyên 5 trách nhiệm quản lý là: khơi gợi động lực cá nhân, khuyến khích, làm gương, kèm cặp và truyền cảm hứng.
Câu chuyện nhảy việc trong ngành ngân hàng đã không còn xa lạ mà hiện nay đã trở thành... "cơm bữa". Và người ta nhảy việc cũng có muôn vàn lý do khác nhau, song để nhảy việc một cách khôn ngoan, cần thiết phải tránh được những cái "bẫy".
Cái bẫy ‘thu nhập’: Dù thể hiện với nhiều ngụ ý khác nhau thì đây dường như là một trong những lý do khiến banker nhảy việc thường xuyên nhất. Lý do có thể vì: bậc lương ngân hàng thấp so với mặt bằng chung; kết quả công việc tốt nhưng chậm được tưởng thưởng; phát hiện đồng nghiệp thành tích kém hơn vẫn nhận lương bằng mình; nhiều năm liền không được nâng bậc...
Dĩ nhiên, đối với ai đi làm thì điều này cũng rất đáng quan tâm - banker cũng chẳng phải ngoại lệ. Vấn đề là, chính sách lương có liên quan mật thiết với kết quả kinh doanh, mà nói cụ thể là nếu ngân hàng không đạt lợi nhuận kế hoạch thì cán bộ nhân viên ở đó khó mà có lương cao!
Cũng có trường hợp banker nhảy việc vì nhận được chào mời mức lương 15-20% cao hơn nhưng sau đó nhận ra các điều kiện đi kèm tương ứng cũng rất ‘xứng đáng’ nên khiến e ngại như: đòi hỏi công việc, áp lực chỉ tiêu, điều kiện làm việc, hình thức chế tài vv,…. Hẳn ai cũng biết rằng, có nhiều yếu tố để xem xét ngoài lương cố định, đó là: lương kinh doanh, hoa hồng sản phẩm, phụ cấp, công tác phí vv,… Ngoài ra, cũng quan tâm cân nhắc đến các yếu tố quan trọng như: môi trường làm việc, văn hóa tổ chức, kinh nghiệm tích lũy, cơ hội học hỏi, lộ trình thăng tiến và mối quan hệ đồng nghiệp vv… trong khi quyết định. Đó là lý do mà cái offer 15-20% lương cao hơn có thể hấp dẫn với bạn này nhưng không mấy khác biệt với bạn kia.
Cái bẫy ‘đoàn tụ’: đó là hiện tượng banker theo nhóm cấp tập chuyển từ ngân hàng này sang ngân hàng kia – lý do là có một cán bộ quản lý hay điều hành đã chuyển trước đó nên theo tiếp sau là những nhân sự thuộc cấp. Trường hợp ít thì vài vị trí khung của một chi nhánh tỉnh, cũng có khi nhiều là cán bộ cốt cáng thuộc các phòng ban của hội sở.
Rất tiếc là thực tế ít ví dụ cho thấy các cuộc ‘đoàn tụ’ này tạo dựng được thành công như mong đợi cho dù trước đó họ đã làm việc cùng nhau và có nhiều thành tích đáng kể. Lý do để giải thích khá giống nhau – trong đó, khác biệt lớn về quy trình/chính sách/hệ thống và văn hoá làm việc khiến chẳng phải ai cũng dễ hòa nhập. Ngoài ra, do thiếu sự ủng hộ cần thiết của tổ chức nên nhiều banker thời gian đầu sang thì rất hồ hởi nhưng cũng nhanh sau đó phát hiện ra năng lực cá nhân không thể phát huy ở môi trường mới.
Cái bẫy ‘tình cảm’: Thông thường là tình huống đi theo tiếng gọi của... Sếp. Với bất kỳ một banker nào cũng thế, việc được sếp cũ mời đi theo – về mặt tâm lý đó là một niềm tự hào vì nghĩ rằng mình được sếp tin tưởng, đánh giá cao hoặc khả năng của mình được nhìn nhận... Chính yếu tố này lấn át các suy nghĩ lôgic, không lường trước được các thách thức ở môi trường mới và vị trí mới nên sau đó cũng không ít trường hợp là sớm rơi vào trạng thái thất vọng.
Cái bẫy ‘cảm xúc’: Ngoài ra, một số trường hợp khác cũng là những lý do phổ biến khiến nhiều bạn trẻ trong ngân hàng nhảy việc, đó là: trong giây phút chán nản vì áp lực chỉ tiêu muốn buông bỏ, ghét bà sếp thường hay nhắc nhở mỗi lần đi trễ, khoảnh khắc bốc đồng muốn đi tìm một nơi khác ‘gầy dựng sự nghiệp, thay đổi thế giới’!...
Thêm nữa, tâm lý ‘đứng núi này trông núi nọ’ cũng khiến cho nhiều bạn trẻ thiếu kiên định, rất mau thay đổi và dễ chán việc.
Hãy đặt ra mỗi giai đoạn một ‘kế hoạch 05 năm’ cho cá nhân, tập trung hết sức cho công việc, tự thách thức bản thân làm tốt hơn mỗi ngày, học hỏi liên tục để hoàn thiện chuyên môn và nghiệp vụ, tích luỹ và hình thành tư duy của một banker chuyên nghiệp... Khi đó, bạn có thể sẽ thấy nhiều cơ hội mở ra trước mắt, con đường sự nghiệp cũng rất thênh thang ngay chính tại tổ chức của mình chứ không phải vất vả đi tìm xa.
Cái bẫy ‘chức danh’: ‘Cái bẫy’ sau cùng thường rơi vào trường hợp banker có từ vài năm kinh nghiệm trở lên – đó là ‘chức danh’. Nghe ‘chức danh’ của bên kia hoành tráng quá nên đôi khi bạn còn không tìm hiểu kỹ mô tả công việc, phạm vị trách nhiệm, quy mô phụ trách và thẩm quyền quản lý.
Trước kia người viết bài này từng có một nhân viên giỏi, đang là một RM rất thành công đã được quy hoạch ‘cán bộ quản lý tiềm năng’ – đùng một cái bạn thông báo nghỉ việc để sang ngân hàng nhỏ nhận chức Giám đốc phòng giao dịch.
Nghe thì rất oai, nhưng thực tế phòng giao dịch này quy mô bé tẹo, nhân sự chỉ có một giao dịch viên, một kiểm soát viên và vỏn vẹn một chuyên viên khách hàng.
Ngân hàng này vì nhiều lý do mấy năm nay lại không làm tín dụng, thế là bạn chỉ biết suốt ngày ngồi ở phòng phê duyệt chứng từ - chẳng khác mấy nghiệp vụ của một kiểm soát viên cao cấp.
Loay hoay như thế mấy năm, hôm gặp lại người viết, bạn cứ tiếc rẻ ‘giá như’!
Từ trưởng nhóm sang thành giám đốc, từ chuyên viên thành trưởng phòng... nghe rất mê hoặc – nhưng nếu không tìm hiểu kỹ về công việc chuyên môn, quy mô quản lý và thẩm quyền quyết định – có khi chính bạn sẽ là người thất vọng sớm nhất!