Bay thẳng sang Nhật, 20 tấn vải thiều Bắc Giang được tiêu thụ gần hết ngay ngày đầu lên kệ, với giá 500 ngàn đồng/kg
Lần đầu tiên được ra mắt tại chuỗi siêu thị AEON (Nhật Bản) vào tháng 6/2020, quả vải thiều của Việt Nam đã được người tiêu dùng Nhật Bản vô cùng ưa chuộng.
- 26-05-2021Bắc Giang xuất khẩu 15 tấn vải thiều sang thị trường Nhật Bản
- 24-05-2021Lô vải thiều đầu tiên đến Nhật Bản
- 18-05-2021Khoảng 100 tấn vải thiều Việt Nam sẽ được xuất khẩu sang các bang Nam Úc và Tây Úc
Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, ngày 23/5 vừa qua, những lô vải đầu tiên của Việt Nam trong năm nay do Công ty Sunrise Farm Nhật Bản ký kết với Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam đã sang tới xứ sở hoa anh đào..
Lần đầu tiên ra mắt tại chuỗi siêu thị AEON vào tháng 6/2020, vải thiều Việt Nam đã gây được tiếng vang khi 2 tạ được tiêu thụ hết trong vòng 1 ngày.
"Câu chuyện về quả vải tươi của Việt Nam được nhiều người dân Nhật Bản trao đổi thường xuyên và trở thành "câu chuyện làm quà" trước khi trao đổi công việc chính", đại diện Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Văn Thọ, Phó GĐ Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại Bắc Giang chia sẻ trên Vietnamnet, vải thiều Tân Yên - Bắc Giang đã lên kệ siêu thị Nhật Bản với giá bán tương đương từ 350-500 ngàn đồng/kg. 20 tấn vải xuất Nhật đã bán gần hết chỉ trong ngày đầu tiên.
Theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), năm nay, Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản không cử chuyên gia sang giám sát trực tiếp, mà thay vào đó ủy quyền cho cơ quan kiểm dịch thực vật phía Việt Nam thực hiện việc giám sát, khử trùng vải thiều xuất khẩu sang Nhật. Việc này sẽ giúp tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí trong khâu chuẩn bị xuất khẩu, tạo điều kiện cho quả vải thiều sang Nhật Bản được thuận lợi hơn.
Mùa vụ năm nay, các công ty đầu mối xuất khẩu vải thiều đã xây dựng kế hoạch xuất khẩu khoảng 1.000 tấn vải thiều tươi từ Việt Nam sang Nhật Bản.
Được biết tại Nhật Bản, quả vải được Hiệp hội Nhập khẩu hoa quả của Nhật Bản giới thiệu là một loại quả có giá trị. Quả vải lần đầu tiên được du nhập vào đảo Izu Oshima, Nhật Bản từ năm 1720, đến cuối thời kỳ Edo, quả vải đã được đưa đến Kagoshima.
Theo thống kê của Bộ Tài chính Nhật Bản, quả vải được nhập khẩu từ 5 quốc gia. Trong đó, nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc, khoảng 256 tấn (chiếm khoảng 60%), đứng thứ 2 là Đài Loan, khoảng 127 tấn (chiếm khoảng 30%), đứng thứ 3 là Mexico với 29,7 tấn, đứng thứ 4 là Hoa Kỳ, khoảng 1,3 tấn. Tại quốc gia này, vải là một loại quả quý do số lượng bán ra thị trường rất ít, được trồng chủ yếu tại Okinawa và Kagoshima.
Doanh nghiệp và tiếp thị