BĐS công nghiệp bước vào thời vận mới, đón dòng vốn đầu tư nước ngoài
Thị trường BĐS công nghiệp Việt Nam được các chuyên gia dự báo sẽ tiếp tục sôi động trong vòng 5 - 10 năm tới nhờ vào nhu cầu lớn trong việc thiết lập nhà xưởng mới của các nhà đầu tư mới và nhà đầu tư hiện hữu.
Tại diễn đàn mới đây, ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc Bộ phận Tư vấn kinh doanh văn phòng và BĐS công nghiệp CBRE Việt Nam cho rằng, trong thời gian qua nhu cầu khách thuê BĐS công nghiệp ghi nhận tăng cao, một số ngành đã phát triển có mở rộng như điện tử, thương mại điện tử, thức ăn chăn nuôi, tiêu dùng nhanh.... trước nhu cầu tiêu thụ lớn thì các nhà sản xuất này mở rộng thêm.
Các nhà đầu tư mới trong ngành lắp ráp xe hơi cũng có sự dịch chuyển khá rõ, chủ yếu tìm cơ hội đầu tư tại khu vực miền Trung và miền Bắc. Ngoài ra, cũng có các nhà đầu tư đang tìm hướng phát triển nhà kho cho thuê.
Một ngành nghề khác, các chủ đầu tư có nhu cầu mở rộng nhà khi cho thuê, thường thì các doanh nghiệp này sẽ tìm kiếm các khu vực có quỹ đất lớn rộng hàng chục, hàng trăm héc-ta, có thể phát triển kho vận được.
Theo các chuyên gia, dịch Covid-19 và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã thúc đẩy nhu cầu dịch chuyển sản xuất của các công ty lớn.
Phân tích kỹ hơn về vấn đề này, ông Hiếu cho biết, khi đặt nhà máy tại Trung Quốc thì các doanh nghiệp phải đối mặt với những áp lực như chi phí lao động tăng cao, pháp lý thắt chặt, kèm với đó là những biến cố khó lường.
Ngoài những thuận lợi thì có những rủi ro gì không, ông Hiếu cho rằng, trên thực tế, bên cạnh những thuận lợi thì cũng có những rủi ro nhất định.
Đơn cử như Trung Quốc và Mỹ đang có cạnh tranh thương mại, xu hướng các doanh nghiệp dịch chuyển sang Việt Nam để giảm thuế là có. Nhưng tôi nhận thấy rằng, Chính phủ Việt Nam cũng đã có những chuẩn bị chủ động chứ không phải bị động.
Ví dụ như quy trình phê duyệt dự án đầu tư, khi phê duyệt thì đã xem xét kỹ hơn về đánh giá tác động môi trường, quy trình sản xuất. Nếu lắp ráp đơn giản để "né" thuế thì chắc chắn sẽ không được duyệt. Đây là những thay đổi trên thị trường.
Còn về M&A, thị trường BĐS công nghiệp cũng như các thị trường khác, khi đi đến một mức hoàn thiện nhất định thì mới đủ điều kiện chuyển nhượng được.
Cũng theo báo cáo của CBRE Việt Nam, trong hai năm qua, thị trường BĐS công nghiệp Việt Nam ghi nhận những diễn biến tích cực với sự tăng trưởng đáng kể về giá thuê và tỷ lệ lấp đầy.
Tỷ lệ lấp đầy bình quân được ghi nhận tại các khu công nghiệp của bốn tỉnh và thành phố công nghiệp trọng điểm miền Nam đạt khoảng 84,5%. Đặc biệt, các khu công nghiệp đang hoạt động ở Bình Dương, Đồng Nai và Long An đều đã đạt tỷ lệ lấp bình quân trên 80%, riêng đối với TP.HCM, tỷ lệ này đã đạt trên 90%.
Điểm sáng của thị trường bất động sản công nghiệp trong ba quý đầu năm tập trung ở nhu cầu mở rộng khả năng lưu trữ và mạng lưới phân phối của các công ty thương mại điện tử và kho vận.
CBRE ghi nhận mức giá chào thuê tại các dự án kho mới của các chủ đầu tư nước ngoài đã tăng 5%-10% so với cùng kỳ năm trước. Đi cùng với đó là nhu cầu tìm kiếm các quỹ đất phát triển cơ sở kho vận tăng cao từ các nhà đầu tư nước ngoài. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục chiếm lĩnh nguồn cầu cho thị trường nhà kho xây sẵn và đất công nghiệp kho vận trong thời gian tới.