BĐS giữa đại dịch Covid-19, lộ doanh nghiệp yếu kém loay hoay bán dự án, nhà giàu bung tiền gom tài sản giá rẻ
Các nhà đầu tư có nguồn vốn vững chắc đang lựa chọn thời điểm này để tìm mua các tài sản đang bị áp lực nợ (hay còn gọi là distressed assets), hoặc những tài sản tại vị trí đắc địa trước đây không có nhu cầu chuyển nhượng,
Thời gian gần đây những thông tin rao bán các tài sản là khách sạn mini hay khách sạn quy mô vừa và nhỏ (3-4 sao) có giá trị từ vài chục tỷ cho đến cả trăm tỷ đã được đăng bán tràn lan trên các trang mạng bất động sản, hay các group mua bán nhà đất trên mạng xã hội.
Mới đây, tại Báo cáo thị trường quý I/2020, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng nhận định trong bối cảnh tín dụng siết chặt cộng với không bán được sản phẩm do dịch bệnh, đã xuất hiện dấu hiệu nhiều chủ đầu tư yếu năng lực tài chính đã tìm kiếm nhà đầu tư để chào mời, chuyển nhượng dự án…
Nhận định về vấn đề này, bà Hoàng Nguyệt Minh, Phó Giám đốc, Bộ phận Tư vấn Đầu tư Savills Hà Nội cho biết: "Covid-19 ảnh hưởng rất nhiều đến toàn bộ quá trình thực hiện, triển khai và hoàn tất giao dịch mua bán. Những dự án được triển khai bán từ trước khi bùng phát Covid-19, hiện nay đang có dấu hiệu chững lại".
"Sau khi Covid-19 bùng phát, khách sạn là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Tuy nhiên nếu chào bán khách sạn từ thời điểm này, bên bán phải xác định tình hình kinh doanh sụt giảm ảnh hưởng không nhỏ đến việc quyết định giá chuyển nhượng', bà Minh nhấn mạnh.
Cũng theo bà Minh, các nhà đầu tư có nguồn vốn vững chắc đang lựa chọn thời điểm này để tìm mua các tài sản đang bị áp lực nợ (hay còn gọi là distressed assets), hoặc những tài sản tại vị trí đắc địa trước đây không có nhu cầu chuyển nhượng, nhưng giờ do cần huy động nguồn tiền mà được đưa ra chào bán. Chính bởi điều này mà bà Minh dự báo từ giờ đến cuối năm M&A trên thị trường bất động sản sẽ hết sức sôi động.
Về phía người bán đại diện Savills đánh giá: "Chúng tôi có ghi nhận một số dự án có nhu cầu chuyển nhượng, tuy nhiên, phần lớn các chủ doanh nghiệp sẽ ưu tiên chọn những tài sản ít bị ảnh hưởng bởi Covid-19 hơn so với khách sạn, ví dụ: Văn phòng, đất dự án. Hoặc tái cơ cấu dưới hình thức chuyển nhượng 50-70% cổ phần của công ty phát triển dự án".
Cùng quan điểm với bà Minh, ông Phan Xuân Cần – Chủ tịch Sohovietnam, một đơn vị chuyên tư vấn M&A bất động sản cũng từng cho biết thời gian tới thị trường chuyển nhượng tài sản như các dự án bất động sản du lịch, khách sạn, tòa nhà văn phòng, khối căn hộ cho thuê, mặt bằng bán lẻ …sẽ sôi động hơn.
Lý do được ông Cần đưa ra là bởi ảnh hưởng rất nặng nề của dịch bệnh Covid-19 đối mọi mặt đời sống kinh tế, trong đó có các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, dịch vụ, du lịch, bán lẻ đang đứng trước sức ép rất lớn bởi dịch bệnh Covid-19.
Nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng, cửa hàng, trung tâm thương mại, mặt bằng cho thuê vắng khách phải tạm dừng hoạt động, giảm bớt nhân viên, cắt giảm chi phí. Một số đơn vị quy mô nhỏ buộc phải đóng cửa, thậm chí là phá sản.
"Kinh doanh không hiệu quả buộc họ phải tái cấu trúc công ty. Trong đó có việc bán bớt một số danh mục đầu tư mà các doanh nghiệp này đang sở hữu nhằm giúp công ty vượt qua giai đoạn khủng hoảng", ông Cần khẳng định.