BĐS nghỉ dưỡng Phan Thiết "cất cánh" cùng sân bay, cao tốc và những tay chơi mới
Sự cải thiện về cơ sở hạ tầng giao thông của Phan Thiết những năm vừa qua đã thổi luồng gió mới vào thị trường bất động sản du lịch nơi đây. Theo đó, hàng loạt dự án lớn nhỏ đang dồn dập mọc lên hứa hẹn sẽ "đánh thức" vùng biển xinh đẹp trầm lặng này.
- 06-09-2016"Cô gái đẹp" Sapa đang trở mình thức giấc....khi đại gia Sun Group, Trường Giang đồng loạt rót nghìn tỷ
- 26-08-2016Đưa Huế lên tầm cao mới, “ông lớn” VinGroup, Bitexco, BRG… đồng loạt rót nghìn tỷ
Hạ tầng "thay da đổi thịt" từng ngày
Phan Thiết từ lâu đã là điểm đến lý tưởng của khách du lịch trong và ngoài nước. Vùng đất này không chỉ nổi tiếng là nơi sở hữu những bãi biển dài trong xanh bất tận với khí hậu quanh năm chan hoà ánh nắng hay những đồi cát trải dài miên man tuyệt đẹp thay đổi hình dạng hàng giờ. Mà nơi đây còn là một vùng đất chứa đựng những giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc của người Chăm mà du khách luôn háo hức khám phá…
Những năm gần đây, hạ tầng Phan Thiết đã được chú trọng đầu tư phát triển. Nổi bật là tháng 2/2015, Cao tốc TP.HCM – Dầu Giây – Long Thành đi vào hoạt động đã rút ngắn quãng đường từ TP.HCM đến Phan Thiết chỉ còn hơn 3 giờ đồng hồ. Sau khi tuyến cao tốc này được đưa vào hoạt động, doanh thu khách nội địa đến Phan Thiết - Mũi Né tăng gấp 5 lần so với năm 2014.
Chưa dừng lại đó, thời gian sắp tới hàng loạt các dự án giao thông lớn đang chuẩn bị được xây dựng. Đầu tiên là dự án cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết với tổng vốn đầu tư 18.000 tỷ đồng sẽ khởi công vào quý 1/2017. Sau khi dự án này đi vào sử dụng sẽ rút ngắn thời gian từ TPHCM – Phan Thiết chỉ còn 2 giờ lái xe.
Tiếp đến, cao tốc Phan Thiết – Mũi Né - Nha Trang khởi công vào quý II/2017 sẽ đưa Phan Thiết trở thành tâm điểm của tứ giác vàng du lịch: TP.HCM – Phan Thiết – Đà Lạt – Nha Trang. Được biết, tổng vốn đầu tư của dự án này là 27.840 tỷ đồng.
Đặc biệt hơn nữa, năm 2018 dự kiến sân bay Phan Thiết sẽ được đưa vào sử dụng sẽ tạo sự bứt phá mạnh mẽ cho du lịch Phan Thiết. Dự án này đã được Bộ GTVT phê duyệt với tổng mức đầu tư 5,600 tỷ đồng. Năm 2015, dự án đã được Tập Đoàn Rạng Đông khởi công xây dựng.
Theo các chuyên gia, nếu đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây thúc đẩy khách nội địa khu vực phía Nam đến Bình Thuận thì khi có sân bay, du lịch Bình Thuận dự kiến sẽ hút thêm du khách các tỉnh phía Bắc và quốc tế.
Cuộc đua của những "tay chơi" mới nổi
Sự cải thiện về cơ sở hạ tầng giao thông đến Phan Thiết những năm vừa qua đã thổi luồng gió mới vào thị trường bất động sản du lịch nơi đây. Trong số những đại gia BĐS Việt Nam tìm đến Phan Thiết và làm cho nơi đây "thay da đổi thịt" phải kể đến ông trùm bản địa là Tập đoàn Rạng Đông. Ngoài dự án sân bay Phan Thiết, tập đoàn này còn đầu tư vào đây quần thể của resort Sealinks City Mũi Né Phan Thiết với diện tích hơn 168 ha.
Mới đây, Rạng Đông tiếp tục gây sự chú ý trên thị trường BĐS Phan Thiết khi "bắt tay" cùng Công Ty Cổ Phần Green Real tung ra thị trường dự án Ocean Dunes vừa được thâu tóm từ tay tỷ phú Mỹ. Đây là dự án gồm tổ hợp biệt thự, nhà phố và khách sạn biển có quy mô lên tới 62 ha tại trung tâm thành phố Phan Thiết với tổng mức đầu tư khủng lên tới 2.600 tỷ đồng. Khi hoàn thiện dự án sẽ cung ứng ra thị trường 1.515 nhà phố, biệt thự hướng biển và khoảng 5.000 căn hộ cao cấp.
Bên cạnh đó, hàng loạt các doanh nghiệp khác như: Hưng Thịnh, Công Ty Cổ Phần Đầu Tư Sài Gòn, Toàn Thịnh Phát (Tập Đoàn TTC), Danh Khôi ...cũng đang nhập cuộc chơi làm cho Phan Thiết lặng lẽ đang trở mình thức giấc. Trong đó Hưng Thịnh nhập cuộc chơi bằng dự án Sentosa Villa, Công ty Toàn Thịnh Phát với dự án Pegasus, Danh Khôi đang mở bán rầm rộ dự án The Queen Pearl....
Ngoài ra, còn kể tới 4 dự án lớn với tổng vốn lên đến 385 triệu đô la Mỹ dự kiến sẽ đổ bộ thị trường BĐS Phan Thiết, Bình Thuận trong thời gian tới. Đó là các dự án Khu du lịch thương mại dịch vụ cao cấp Hàm Tiến – Mũi Né trên diện tích gần 200 héc ta tại phường Hàm Tiến vốn đầu tư ước khoảng 200 triệu đô la Mỹ; dự án khu du lịch cao cấp Hòn Rơm – Mũi Né diện tích gần 86 héc ta tại phường Mũi Né với số vốn dự kiến 92 triệu đô la Mỹ.
Hai dự án còn lại gồm dự án khu du lịch Hàm Thuận Đa Mi có diện tích 330 héc ta với số vốn khoảng 42 triệu đô la Mỹ tại huyện Hàm Thuận Bắc và dự án khu du lịch suối nước nóng Bưng Thị vốn khoảng 50 triệu đô la Mỹ trên diện tích 310 héc ta, cách thành phố Phan Thiết 30 km về phía Nam.
Theo nhận định của các chuyên gia, tiềm năng của bất động sản nghỉ dưỡng của Phan Thiết là rất lớn. Đặc biệt, trong vài năm tới khi các tuyến cao tốc huyết mạch và sân bay Phan Thiết được đưa vào sử dụng sẽ kéo khách du lịch trong và ngoài nước, tạo lực đẩy đầu tư cho BĐS nghỉ dưỡng khu vực này.
Ông Nguyễn Nam Sơn, nguyên Giám đốc điều hành Quỹ Đầu tư Vietnam Capital Partners cho rằng: "Nghiên cứu thị trường cho thấy, những căn hộ nghỉ dưỡng hướng biển có thể đến và đi bằng xe hơi, thường được khách hàng ưu tiên hơn so với những nơi chỉ có thể đến bằng máy bay. Vì vậy, với những người sống tại TP. HCM, nếu phải lựa chọn, tôi sẽ chọn Phan Thiết hoặc Vũng Tàu để đầu tư”.
Cũng theo ông Sơn, các nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng thường hướng đến đối tượng khách hàng là người nước ngoài, nhưng có rất nhiều tín hiệu cho thấy, lượng khách du lịch nội địa sẽ tăng trưởng mạnh trong 5 năm tới và đó mới là đối tượng khách hàng chính của các nhà phát triển dự án bất động sản nghỉ dưỡng hướng biển.