Bé 5 tháng tử vong sau 3 cơn đau tim và 2 lần đột quỵ: Cảnh báo cha mẹ tuyệt đối không làm hành động này với trẻ
Mù, bại não, chấn thương sọ não, là những hậu quả có thể xảy ra nếu trẻ mắc hội chứng rung lắc ở trẻ sau khi bị rung lắc dữ dội.
- 19-10-2020Hạ đường huyết tưởng đơn giản mà cực nguy hiểm: Người uống rượu cần hết sức đề phòng
- 19-10-20204 thực phẩm vốn ngon và bổ dưỡng nhưng sẽ trở thành “độc dược” khi làm nóng bằng lò vi sóng, lười cỡ nào cũng tuyệt đối tránh bỏ vào
- 18-10-2020Đừng nghe quảng cáo sàng lọc sớm tất cả các bệnh ung thư, chỉ có 5 loại ung thư sau có khuyến cáo sàng lọc
Cách đây 2 ngày, trên fanpage của mình, Bệnh viện Quận Thủ Đức, TP.HCM, lên tiếng cảnh báo mạnh mẽ (với bức ảnh nêu trên) các bậc làm cha làm mẹ về việc không được rung lắc trẻ nhỏ. Đây là một hành động rất nguy hiểm, có thể gây ra tổn thương nặng nề. Đã có rất nhiều cảnh báo về hội chứng rung lắc ở trẻ và hậu quả của nó.
Bài viết dẫn lại câu chuyện năm 2018, một bé gái 5 tháng tuổi ở Mỹ đã tử vong sau khi bị cha dượng rung lắc dữ dội tại nhà. Bé gái Brynley Rymer bị chấn thương não nghiêm trọng, lên 3 cơn đau tim và 2 lần đột quỵ trên đường đi cấp cứu. Người đàn ông gây ra hậu quả này, Mason Kamrowski, sau đó bị kết án 22 năm tù.
Để hiểu rõ sự nguy hiểm của rung lắc trẻ sơ sinh, chúng ta cần phải biết được định nghĩa, triệu chứng, hậu quả và cách phòng ngừa hội chứng rung lắc ở trẻ. Thông tin dưới đây được dịch từ Web MD và Healthline - hai trang web về y tế sức khỏe hàng đầu thế giới.
Bé gái người Mỹ Brynley Rymer, 5 tháng tuổi, tử vong năm 2018 sau khi bị rung lắc dữ dội.
Hội chứng rung lắc ở trẻ là gì?
Hội chứng rung lắc ở trẻ (Shaken Baby Syndrome) là một dạng chấn thương não nghiêm trọng xảy ra với trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ khi bị rung lắc với lực dữ dội. Tác động này giết chết các tế bào não của em bé, ngăn cản oxy truyền lên não.
Hội chứng rung lắc ở trẻ phổ biến ở trẻ dưới 2 tuổi, nhưng nó có thể ảnh hưởng đến trẻ em tới 5 tuổi. Hầu hết các trường hợp hội chứng rung lắc ở trẻ xảy ra ở trẻ sơ sinh từ 6 đến 8 tuần tuổi - lúc trẻ có xu hướng khóc nhiều nhất.
Hội chứng rung lắc ở trẻ (Shaken Baby Syndrome) là một dạng chấn thương não nghiêm trọng xảy ra với trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ khi bị rung lắc với lực dữ dội
Hội chứng rung lắc ở trẻ là một dạng lạm dụng trẻ em. Rung lắc mạnh có thể khiến trẻ bị rối loạn hành vi, gặp vấn đề về thị giác hoặc mù, gặp vấn đề về thính giác và lời nói, động kinh, bại não, chấn thương sọ não nghiêm trọng và tàn tật vĩnh viễn. Trong một số trường hợp, rung lắc ở trẻ có thể gây tử vong.
Do đó, TUYỆT ĐỐI không được rung lắc trẻ trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Triệu chứng hội chứng rung lắc ở trẻ
Rung lắc mạnh ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh theo nhiều cách khác nhau. Các triệu chứng bao gồm:
- Nôn mửa
- Da xanh nhợt
- Run rẩy
- Các vấn đề về hô hấp
- Mệt mỏi
- Chán ăn bỏ ăn
- Khó bú
- Không cười hay nói
Trong những trường hợp nhẹ, các vấn đề về hành vi, sức khỏe hoặc học tập sau này mới xuất hiện.
Hội chứng rung lắc ở trẻ có thể xảy ra sau khi phụ huynh rung lắc trẻ quá mạnh (Ảnh minh họa)
Trẻ sơ sinh bị hội chứng rung lắc ở trẻ có khả năng có những triệu chứng mà bạn không thể nhìn thấy, chẳng hạn như:
- Gãy xương sườn hoặc các xương khác
- Chấn thương tủy sống hoặc cổ
- Chảy máu trong não
Nguyên nhân của hội chứng rung lắc ở trẻ
Cơ cổ của trẻ sơ sinh còn non nớt và cần thời gian để trở nên cứng cáp hơn. Não bộ của trẻ sơ sinh cũng vậy, cần thời gian để phát triển.
Khi một đứa trẻ bị rung lắc mạnh, não có thể lắc từ phía trước ra phía sau của hộp sọ. Điều này khiến não chảy máu, bầm tím và sưng tấy. Chỉ cần 5 giây rung lắc mạnh là điều này có thể xảy ra.
Yếu tố nguy cơ dẫn đến hội chứng rung lắc ở trẻ
Trẻ sơ sinh thường khóc nhiều trong những tháng đầu đời. Tiếng khóc dai dẳng có thể khiến người chăm sóc không giữ được bình tĩnh. Một số điều sau có thể làm tăng nguy cơ đó, bao gồm:
- Lạm dụng rượu hoặc chất kích thích
- Hoàn cảnh gia đình không ổn định
- Trầm cảm
Khi một đứa trẻ bị rung lắc mạnh, não có thể lắc từ phía trước ra phía sau của hộp sọ. Điều này khiến não chảy máu, bầm tím và sưng tấy. (Ảnh minh họa)
Biến chứng của hội chứng rung lắc ở trẻ
Việc rung lắc trẻ với lực mạnh, dù chỉ trong thời gian ngắn, có thể gây tổn thương não vĩnh viễn. Hậu quả có thể nghiêm trọng và lâu dài, bao gồm:
- Mù mắt
- Chậm phát triển, các vấn đề học tập hoặc các vấn đề về hành vi
- Thiểu năng trí tuệ
- Rối loạn co giật
- Bại não
Hầu hết các biến chứng này cần được chăm sóc suốt đời.
Làm thế nào để ngăn ngừa hội chứng rung lắc ở trẻ?
Tuyệt đối không được rung lắc trẻ trong bất kỳ trường hợp nào. Các bậc cha mẹ có thể dễ cáu giận, thất vọng khi không dỗ được con ngừng khóc. Tuy nhiên, khóc là hành vi bình thường ở trẻ sơ sinh và rung lắc không bao giờ là phản ứng đúng.
Điều quan trọng là phụ huynh phải tìm cách giảm bớt căng thẳng khi con khóc trong thời gian dài. Hãy nhờ gia đình hoặc bạn bè giúp đỡ khi cảm thấy mất kiểm soát. Ngoài ra còn có một số chương trình tại bệnh viện có thể hướng dẫn phụ huynh cách xử lý khi trẻ sơ sinh khóc và cách xử lý căng thẳng khi chăm sóc con. Hãy đảm bảo các thành viên trong gia đình và người chăm sóc khác cũng nhận thức được sự nguy hiểm của hội chứng rung lắc ở trẻ.
(Tham khảo: Web MD, Healthline)
Pháp luật và Bạn đọc