Bê bối mới ở Uber: Biết xe lỗi nhưng vẫn cho tài xế thuê và xe bốc cháy
Thêm 1 bê bối xảy ra dưới sự lãnh đạo của cựu CEO Travis Kalanick, người đã điều hành công ty này giống như 1 startup non trẻ trong khi hoạt động của nó đã phủ sóng toàn cầu.
- 23-06-2017Tiết lộ những giờ cuối cùng trên ghế CEO Uber của Travis Kalanick
- 21-06-2017Không phải nghỉ ngơi 3 tháng, CEO Uber vừa bị "đá" khỏi vị trí lãnh đạo công ty do chính mình sáng lập
- 18-06-2017Google là "Chúa", Facebook là "Tình yêu" còn Uber là "Kẻ khó ưa"
- 15-06-2017CEO bỗng nhiên bỏ đi, 14 sếp cùng diễn "trò chơi vương quyền" ở Uber
Chiếc xe bốc khói
Koh Seng Tian là 1 lái xe Uber ở Singapore. Khi vừa trả khách trước cửa 1 tòa chung cư, anh ngửi thấy mùi khét bốc ra từ chiếc xe Honda Vezel của mình. Ngay sau đó lửa bùng lên từ cái chắn bùn, khiến toàn bộ nội thất cháy rụi và tạo ra 1 lỗ to bằng quả bóng đá trên kính trước.
Koh may mắn chạy thoát và không bị thương, nhưng vụ việc xảy ra từ tháng 1 khiến Uber hết sức hoang mang.
Công ty cung cấp dịch vụ đi chung xe nổi tiếng thế giới đã cho Koh thuê chiếc xe này sau khi Honda triệu hồi mẫu xe Vezel vào tháng 4/2016 vì lỗi kỹ thuật có thể khiến xe bốc cháy.
Theo những tài liệu và email nội bộ của Uber mà tờ Wall Street Journal có được cùng với các cuộc phỏng vấn với những nguồn tin thân cận, các lãnh đạo Uber Singapore đã biết về quyết định triệu hồi của Honda nhưng vẫn mua hơn 1.000 chiếc xe bị lỗi và cho các tài xế ở Singapore thuê lại mà không thực hiện những sửa chữa cần thiết.
3 ngày sau vụ xe cháy, các lãnh đạo cấp cao của Uber ở trụ sở San Francisco đã lên 1 kế hoạch phản ứng mà theo đó hãng sẽ thu hồi lại những xe bị lỗi và sẽ để chúng ở trên đường phố trong thời gian chờ thay thế phụ tùng. Kế hoạch này cần được giới chức Singapore thông qua và Uber cũng kêu gọi lời khuyên của các chuyên gia về ô tô.
Người phát ngôn của Uber cho biết “chúng tôi đã hành động nhanh chóng để giải quyết vấn đề, phối hợp chặt chẽ với Cục Giao thông đường bộ Singapore cũng như các chuyên gia kỹ thuật”.
Chỉ mới được biết đến rộng rãi trong thời gian gần đây, sự cố ở Singapore càng làm danh sách rắc rối của Uber dài thêm. Đáng nói là hàng loạt vụ việc đã xảy ra dưới sự lãnh đạo của cựu CEO Travis Kalanick, người đã điều hành công ty này giống như 1 startup non trẻ trong khi hoạt động của nó đã phủ sóng toàn cầu.
Công ty 8 năm tuổi hiện có mặt ở hơn 70 quốc gia bằng cách cho phép các chi nhánh quyền tự quyết định về những thay đổi để thích nghi với thị trường địa phương và mở rộng nhanh nhất có thể. Tuy nhiên, sai lầm này khiến Uber chưa thể xây dựng được 1 hệ thống chuyên nghiệp như các tập đoàn đa quốc gia khác.
Uber thường bỏ qua luật lệ địa phương để theo đuổi tăng trưởng. Trong khi bị cáo buộc vi phạm luật giao thông ở Hàn Quốc và Pháp, ở Mỹ, Uber đã chống lại giới chức bang California bằng cách đưa những chiếc xe tự lái ra đường phố San Francisco dù chưa được cấp phép. Bên cạnh đó là những cáo buộc rằng văn hóa doanh nghiệp của Uber bị “ô nhiễm” bởi quấy rối tình dục.
Năm ngoái, Uber đã thua lỗ hơn 3 tỷ USD. Nó cũng “đầu hàng” trong cuộc chiến đắt đỏ tại 2 thị trường lớn là Trung Quốc và Nga, sau đó ngừng hoạt động ở Macau trước những áp lực từ cơ quan quản lý.
Lửa bùng lên ở Singapore
Năm 2013, Singapore được chọn làm điểm khởi đầu để Uber đổ bộ vào thị trường châu Á. Tuy nhiên, hãng không thể kiếm đủ tài xế bởi chi phí để sở hữu 1 chiếc xe ở đây thuộc hàng cao nhất thế giới.
Tháng 3/2015, Uber lập ra Lion City Rentals (LCR), công ty chuyên cho thuê xe với giá 50 USD/ngày. Bỏ tiền ra cả 1 hạm đội xe và sau đó cho thuê lại là 1 động thái rất mới bởi đặc điểm nổi bật trong mô hình kinh doanh của Uber là không sở hữu tài sản.
Theo 1 người từng là quản lý tại Uber Singapore, có tháng Uber chất đầy các bãi đỗ xe với 200 chiếc xe đã qua sử dụng. Đầu năm 2016, Uber khiến các đại lý bán xe cũ “cháy hàng”.
Kalanick đã phê duyệt kế hoạch vay 590 triệu USD từ nhiều ngân hàng (trong đó có Goldman Sachs) để mua hàng nghìn chiếc xe mới và sau đó cho thuê lại ở Singapore. Tuy nhiên, thay vì mua xe hoàn toàn mới từ những đại lý được Honda và Toyota ủy quyền, LCR mua những chiếc sedan và SUV mới từ các công ty nhập khẩu. Những đại lý nhỏ này hoạt động trên 1 thị trường gọi là “thị trường xám”, kênh phân phối hợp pháp nhưng các tiêu chuẩn về an toàn, dịch vụ và pháp lý không được kiểm soát tốt. Chi nhánh Singapore cho rằng bằng cách này có thể cắt giảm 12% chi phí.
Uber đảm bảo với các lái xe rằng những chiếc xe thuê tử LCR “ở trong điều kiện hoàn hảo”. Theo tài liệu nội bộ, khi Honda phát đi thông báo triệu hồi mẫu Vezels vào ngày 4/4/2016 thì Uber đã mua xong xe. Tuy nhiên, 2 ngày sau đó Uber đã mua 100 chiếc Vezels từ đại lý Sunrita. Ngày 5/5, Sunrita gửi cho Uber thông báo triệu hồi của Honda và dự kiến đến cuối tháng 8 mới có thể giao hàng sau khi thay linh kiện.
Uber đang kiện đại lý Sunrita vì không giao cho hãng đơn hàng trị giá 50 triệu USD. Tuy nhiên, đơn kiện đã bị tòa bác bỏ.
8 tháng sau đó, Uber vẫn mua hàng nghìn chiếc xe từ Sunrita và các đại lý khác, trong đó có 1.065 chiếc Vezels mới bị lỗi. Tính đến tháng 1/2017 chúng vẫn chưa được sửa chữa.
Các email cho thấy Sunrita chưa sửa những chiếc xe giao cho Uber vì thiếu linh kiện thay thế. Uber nhiều lần gửi email yêu cầu Sunrita hành động nhanh hơn trong khi vẫn cho tài xế thuê những chiếc xe lỗi.
Ngày 11/1, Koh đón khách lúc 1h30 chiều và lái xe 19 phút. Khách vừa xuống xe thì anh ngửi thấy mùi khét. Vụ cháy gây ra nhiều sóng gió trong văn phòng Uber Singapore sau khi công ty bảo hiểm nói rằng họ sẽ không chi trả vì đây là xe trong diện triệu hồi. 2 ngày sau sự việc mới được báo cáo đến các lãnh đạo ở San Francisco. Tài liệu nội bộ cho thấy các luật sư của Uber ở Singapore đánh giá sự cố này sẽ tạo 1 cuộc khủng hoảng lớn về truyền thông, thương hiệu, trách nhiệm và độ an toàn của Uber.
Giám đốc khu vực châu Á Thái Bình Dương Micheal Brown đề xuất loại bỏ những chiếc xe lỗi khỏi đường phố để tránh “những rủi ro không đáng có”, nhưng giám đốc Uber Singapore – Warren Tseng – cho rằng làm như vậy có thể khiến Uber thiệt hại 1 triệu USD mỗi tuần và khiến mọi người hoảng loạn.
Cuối cùng Uber chọn cách nhắn tin cho các tài xế bị ảnh hưởng rằng xe của họ “cần được sửa ngay lập tức”. Lái xe được chỉ dẫn đến 1 website thông báo Honda triệu hồi xe nhưng không đề cập đến nguy cơ cháy nổ mà Honda đã khuyến cáo.
Alexander Yudhistira, tài xế 31 tuổi đã thuê xe Vezel lỗi từ Uber kể từ tháng 4/2016, nói công ty không thông báo rõ ràng tại sao xe của anh phải sửa gấp. Hiện anh không còn lái xe Uber nữa.
Để hạn chế những tác động tiêu cực về mặt hình ảnh, đội ngũ truyền thông của Uber ở Singapore đã chuẩn bị những gói thông tin liên quan đến vụ Honda triệu hồi xe và các câu trả lời trước báo chí. Có 1 câu hỏi là “thông báo triệu hồi được đưa ra từ tháng 4/2016, tại sao mãi sau này LCR mới hành động?”. Theo kế hoạch, Uber định đổ lỗi cho nhà nhập khẩu đã không cung cấp linh kiện thay thế.
Luật Mỹ quy định cho thuê xe dù đã biết xe đó có lỗi và không đảm bảo an toàn là một hành động vi phạm luật pháp. Tuy nhiên các công ty Mỹ không phải theo luật này khi hoạt động ở nước ngoài.
Theo Wall Street Journal, trong 2 năm trở lại đây Uber đã mở rộng hoạt động cho thuê xe và đã mua 1 lượng nhỏ xe ở Ấn Độ và Việt Nam. Uber cũng cho thuê xe ở 24 thành phố của Mỹ.