MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bê bối vỡ lở ở Trung Quốc: Lúa cao 2 mét và lúa trồng nước biển hóa ra chỉ là "bánh vẽ", không thần kỳ như lời quảng bá

23-02-2024 - 09:40 AM | Tài chính quốc tế

Nhiều đột phá về công nghệ được Trung Quốc đưa tin trong thời gian qua bị phát hiện là không thực sự mang lại hiệu quả như công bố.

Bê bối vỡ lở ở Trung Quốc: Lúa cao 2 mét và lúa trồng nước biển hóa ra chỉ là

Phóng đại số liệu

SCMP dẫn các nguồn tin Trung Quốc cho biết, những nỗ lực ngày càng tăng của nước này nhằm tìm kiếm tiến bộ công nghệ trong nông nghiệp nhằm đảm bảo an ninh lương thực có thể bị hủy hoại bởi những con số phóng đại trong các cuộc kiểm tra năng suất cây trồng.

China Comment, một tạp chí xuất bản thuộc Tân Hoa Xã, cho biết mặc dù trong những năm gần đây các giống cây lương thực mới thường xuyên được đưa tin là có năng suất kỷ lục, nhưng nhiều kết quả đã bị bóp méo vì mục đích quảng cáo.

Theo báo cáo đăng trên tạp chí số đầu tiên năm 2024, chính quyền địa phương và các công ty nông nghiệp đã “bịa đặt kết quả” để nâng cao hình ảnh của họ hoặc đảm bảo hỗ trợ tài chính khi Trung Quốc - với dân số 1,4 tỷ người - đã đầu tư rất nhiều vào nghiên cứu công nghệ sinh học và phát triển hạt giống.

Những lời chỉ trích được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng coi trọng an ninh lương thực. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình còn coi đây là “ưu tiên quốc gia hàng đầu” trong bối cảnh có lệnh cấm xuất khẩu thực phẩm vì bất ổn địa chính trị toàn cầu và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.

Báo cáo liệt kê một loạt các thử nghiệm giả mạo, liên quan đến một số giống thực vật nổi bật, bao gồm loại lúa nước biển – trồng ở đất mặn, kiềm - và lúa khổng lồ cao tới 2 mét.

Bê bối vỡ lở ở Trung Quốc: Lúa cao 2 mét và lúa trồng nước biển hóa ra chỉ là

An ninh lương thực là vấn đề được chú trọng hàng đầu tại Trung Quốc.

Báo cáo cho biết: “Đối với lúa nước biển, phải có những tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt về tưới nước ngọt và sử dụng các chất hóa học trong các thử nghiệm chính thức, nhưng một số công ty nông nghiệp không tuân theo các quy tắc này”.

Để cải thiện số liệu về lúa, một số công ty đã đưa rơm và lá vào sản lượng của họ, khiến kết quả “tổng sinh khối” tăng mạnh trong khi bỏ qua việc chất lượng gạo đầu ra rất thấp - báo cáo dẫn lời một người trong ngành cho biết.

Báo cáo cảnh báo: “Các hoạt động thử nghiệm sản xuất quá mức và giám sát lỏng lẻo chắc chắn sẽ làm suy yếu tính nghiêm ngặt và uy tín của nghiên cứu khoa học, đồng thời xóa bỏ cơ sở thực tế cho việc hoạch định chính sách và phân tích tình hình”.

Hậu quả nghiêm trọng

Ma Wenfeng, nhà phân tích cấp cao của Công ty Tư vấn Kinh doanh Nông nghiệp Phương Đông Bắc Kinh, cho biết hiện tượng như vậy phần lớn là hậu quả của việc quan chức phóng đại số liệu để cố gắng đạt các mục tiêu không thực tế.

Ông nói: “Văn hóa phóng đại và làm hài lòng cấp trên đang tạo ra ấn tượng sai lầm về cải tiến công nghệ”.

Theo các phương tiện truyền thông chính thức, nhiều kỷ lục về năng suất cây trồng đã bị phá vỡ trên khắp Trung Quốc trong vài năm qua.

Các ví dụ gần đây nhất bao gồm sản lượng đậu tương kỷ lục quốc gia đạt được ở khu tự trị Tân Cương vào tháng 9 và sản lượng đậu phộng kỷ lục thế giới ở tỉnh Sơn Đông trong cùng tháng.

Zheng Fengtian, giáo sư tại Trường Kinh tế Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn của Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, cho biết mặc dù một số kết quả thử nghiệm có thể đúng nhưng “vấn đề vẫn là chúng sẽ thực sự mang lại lợi ích như thế nào cho nông nghiệp thực tế, vì năng suất trong phòng thí nghiệm có thể cao, nhưng trồng ở quy mô nhỏ và quy mô lớn có thể giảm mạnh”.

Ông nói thêm, các kết quả thử nghiệm bịa đặt còn sử dụng nguồn đầu tư của chính phủ trong nghiên cứu nông nghiệp. Điều này gây ra sự lãng phí lớn.

Dữ liệu chính thức cho thấy Trung Quốc dẫn đầu thế giới về phát triển lúa lai và là một trong những nước có hiệu quả sản xuất lúa mì tốt nhất, nhưng nước này phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu đậu nành và ngô, nơi năng suất trên mỗi đơn vị chỉ bằng khoảng 60% so với Mỹ.

Sản lượng ngũ cốc của Trung Quốc tăng lên mức cao kỷ lục 695,41 triệu tấn vào năm 2023 trong bối cảnh nỗ lực cải tạo đất nông nghiệp trên toàn quốc.

Trong cùng kỳ, nước này cũng nhập khẩu hơn 59 triệu tấn ngũ cốc, tăng 11,1% so với năm trước.

Tham khảo SCMP

Tất Đạt

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên