Bế mạc Hội nghị Trung ương 3: Xem xét, quyết định nhiều nội dung rất quan trọng
Những nội dung được Trung ương đưa ra xem xét, quyết định tại hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng, được cán bộ, đảng viên và nhân dân hết sức quan tâm.
- 05-07-2021Khai mạc Hội nghị Trung ương 3: Kiện toàn nhân sự để trình ra Quốc hội
- 09-03-2021Ảnh: Toàn cảnh phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 2, khóa XIII
- 08-03-2021CHÙM ẢNH: Khai mạc Hội nghị Trung ương 2 (khóa XIII)
Sau 4 ngày làm việc, Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (Hội nghị Trung ương 3) đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra và bế mạc vào chiều 8-7. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu bế mạc hội nghị.
Xóa bỏ cơ chế "xin - cho"
Phát biểu bế mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh thêm một số vấn đề để thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết của Trung ương. Theo đó, hội nghị đã thống nhất trong 6 tháng đầu năm, phát triển kinh tế - xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, kinh tế tăng trưởng 5,64%, cao hơn so với cùng kỳ năm trước; thu ngân sách nhà nước đạt trên 58,2% so với dự toán, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2020; hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh, xuất nhập khẩu tiếp tục phát triển. Đời sống của nhân dân, nhất là của người lao động ở vùng xảy ra dịch Covid-19, vùng có khó khăn, tiếp tục được chăm lo.
Tuy nhiên, Trung ương cũng thẳng thắn lưu ý và chỉ rõ trong 6 tháng đầu năm vừa qua, kinh tế - xã hội vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra. Đất nước vẫn đang đứng trước không ít những khó khăn, thách thức mới và lớn, thậm chí gay gắt hơn. Tổng Bí thư nêu rõ Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu ngay sau hội nghị này, Ban Cán sự Đảng Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương, nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Trung ương để hoàn thiện thêm một bước các dự thảo kế hoạch trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc hội nghị Ảnh: NHẬT BẮC
Việc xây dựng kế hoạch tài chính quốc gia cần thấy hết những thuận lợi, thời cơ cũng như những khó khăn, thách thức để xác định một cách đúng đắn, khoa học và có cơ sở thực tế mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể về tài chính - ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang tác động rất tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội.
Đáng chú ý, về việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn, Tổng Bí thư đề nghị cần nhìn thẳng vào sự thật để tìm cho được các nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém tồn đọng từ lâu để đề ra các chính sách, biện pháp có tính đột phá, khả thi cao, tạo ra sự chuyển biến tích cực, rõ nét trong việc khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả; giải ngân chậm, nhiều dự án, công trình chậm tiến độ, thua lỗ, thất thoát, lãng phí...
"Cần tập trung rà soát, loại bỏ những dự án chưa thật sự cần thiết để ưu tiên nguồn vốn cho các dự án, công trình trọng điểm, cấp bách của quốc gia và các ngành, lĩnh vực, các địa phương, nhất là các dự án phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội có ý nghĩa chiến lược, liên vùng, tạo động lực cho phát triển nhanh và bền vững. Kiên quyết siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xóa bỏ cơ chế "xin - cho"; chống tham nhũng, tiêu cực, "lợi ích nhóm" trong đầu tư công" - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Bổ sung quyền hạn của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư
Về các quy chế, quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư cho biết hội nghị đã cho ý kiến để hoàn thiện và quyết định ban hành Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII; Quy định về thi hành Điều lệ Đảng và Quy định về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng nhiệm kỳ khóa XIII.
Theo đó, các quy chế, quy định mới đã bám sát Điều lệ Đảng, kế thừa những nội dung cốt lõi của các quy chế, quy định các khóa trước; đồng thời bổ sung, sửa đổi một số nội dung cho phù hợp với thực tế tình hình nhiệm kỳ khóa XIII. Tuy nội dung bổ sung, sửa đổi không nhiều nhưng Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII đã có những bổ sung, sửa đổi quan trọng liên quan đến trách nhiệm và quyền hạn của Ban Chấp hành Trung ương, của Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; trách nhiệm và quyền hạn của Tổng Bí thư, Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư và về chế độ làm việc, phương pháp công tác...
Theo Tổng Bí thư, những nội dung mới của Quy định thi hành Điều lệ Đảng lần này chủ yếu tập trung vào một số vấn đề để làm tốt hơn công tác đảng viên. Nội dung sửa đổi, bổ sung Quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng trong Điều lệ Đảng đã bổ sung nhiều quy định cụ thể khác liên quan đến các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn, có tính bản chất, phổ biến hoặc còn thiếu... nhằm phát huy đầy đủ, đúng đắn hơn nữa chức năng kiểm tra, giám sát của Đảng.
Về công tác cán bộ, Tổng Bí thư nêu rõ Ban Chấp hành Trung ương ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Tổ chức Trung ương, các cơ quan có liên quan trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng công tác cán bộ, triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 2. Đồng thời, Trung ương cũng nhất trí cao với phương án do Bộ Chính trị trình về tiếp tục kiện toàn nhân sự các chức danh lãnh đạo của các cơ quan nhà nước nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Ban Chấp hành Trung ương đã nhất trí đề xuất, giới thiệu bổ sung 23 nhân sự đảm nhiệm một số chức danh lãnh đạo nhà nước nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Trong ngày làm việc cuối cùng, Ban Chấp hành Trung ương cũng thảo luận và biểu quyết thông qua Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3.
Kỷ luật ông Trần Văn Nam và ông Vũ Huy Hoàng
Tại hội nghị, sau khi xem xét các tờ trình của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã bầu bổ sung 2 Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương; đồng thời quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Trần Văn Nam - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương - bằng hình thức cách tất cả chức vụ trong Đảng; thi hành kỷ luật ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, bằng hình thức khai trừ khỏi Đảng.
Người lao động