MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Be tuyên chiến với Grab trên mảng giao hàng: vừa ra mắt đã bắt tay với Lazada, Adayroi, tuyên bố chỉ 1 năm sẽ chiếm 30% thị phần

05-08-2019 - 18:26 PM | Doanh nghiệp

Sau beBike và beCar, CTCP Be Group mới đây chính thức ra mắt và vận hành hai dịch vụ giao hàng: beExpress nhắm đến doanh nghiệp thương mại điện tử và beDelivery nhắm tới cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa. Dù mới ra mắt nhưng beExpress đã được hai đối tác thương mại điện tử lớn là Lazada và Adayroi tin tưởng, lựa chọn sử dụng…

CTCP Be Group, đơn vị sở hữu và phát triển ứng dụng gọi xe be chính thức ra mắt và vận hành hai dịch vụ giao hàng beExpress và beDelivery với cam kết chất lượng vượt trội và giá dịch vụ ổn định trong mọi khung giờ.

Trong đó, beExpress là dịch vụ chuyển phát, bưu chính hướng đến các doanh nghiệp thương mại điện tử với đội ngũ nhân viên giao hàng chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản, làm việc toàn thời gian. Dù mới ra mắt nhưng beExpress đã được hai đối tác thương mại điện tử lớn là Lazada và Adayroi tin tưởng, lựa chọn sử dụng.

"Chúng tôi đặt kỳ vọng đến năm 2020, dịch vụ giao vận của be sẽ chiếm 30% thị phần trên toàn thị trường giao vận nội địa" - Founder Be Group

beDelivery là dịch vụ giao hàng hướng đến người dùng cá nhân, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) và các đơn vị kinh doanh trực tuyến. beDelivery được thực hiện bởi đội ngũ tài xế beBike hiện có đã được bổ sung đào tạo các kiến thức, quy trình giao vận để bảo đảm chất lượng dịch vụ ở mức cao nhất.

Với khách hàng cá nhân, beDelivery là sự lựa chọn tối ưu với đội ngũ tài xế giao nhận chất lượng cùng giá cả ổn định. Với khách hàng là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) hay đơn vị kinh doanh trực tuyến, beDelivery là giải pháp tối ưu hóa lợi nhuận với nền tảng ổn định, giá cả cạnh tranh, chất lượng người giao hàng vượt trội, giảm thiểu rủi ro hàng hóa và cắt giảm chi phí vận hành.

Trong thời gian tới, dịch vụ giao hàng beDelivery sẽ tiếp tục được phát triển với sự ra đời của beKiosk – những trạm giao nhận hàng giúp tối ưu hóa quá trình giao nhận hàng của người dùng.

Dịch vụ giao hàng beDelivery đã bắt đầu phục vụ nhu cầu giao, nhận hàng hóa của khách hàng tại Hà Nội, TPHCM, các tỉnh thành còn lại như Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ sẽ có thể sử dụng dịch vụ từ ngày 15/8/2019 tới đây.

Với hai dịch vụ beExpress và beDelivery được đưa vào vận hành, Be Group đang từng bước hoàn thiện hệ sinh thái công nghệ, từ dịch vụ vận tải (beBike và beCar), giao nhận hàng hóa (beExpress và beDelivery) cho đến dịch vụ tài chính (beFinancial). Đây cũng là minh chứng cho việc be mở rộng và chia sẻ hệ sinh thái của mình với tất cả các doanh nghiệp ở các khâu vận hành khác nhau trong cùng một chuỗi giá trị để mang lại sản phẩm tốt nhất cho khách hàng, cũng như tối ưu hóa hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Trong thời gian tới, Be Group sẽ tiếp tục phát triển thêm các dịch vụ beFood (giao đồ ăn), chương trình khách hàng thân thiết…

Be tuyên chiến với Grab trên mảng giao hàng: vừa ra mắt đã bắt tay với Lazada, Adayroi, tuyên bố chỉ 1 năm sẽ chiếm 30% thị phần - Ảnh 2.

Tổng giám đốc Be Group Trần Thanh Hải.

Ông Trần Thanh Hải – Tổng giám đốc Be Group chia sẻ: "Chúng tôi đặt kỳ vọng đến năm 2020, dịch vụ giao vận của be sẽ chiếm 30% thị phần trên toàn thị trường giao vận nội địa. Đồng thời, với hai dịch vụ mới, các tài xế của be sẽ có cơ hội tăng thêm thu nhập qua việc tận dụng tối đa thời gian rảnh rỗi khi không có cuốc xe, giúp họ yên tâm hơn khi gắn bó với nghề. Đây cũng là hai dịch vụ mới giúp Be Group dần hoàn thiện hệ sinh thái công nghệ mở. Với hệ sinh thái này, việc cộng sinh để cùng giúp đỡ lẫn nhau sẽ thu hút các doanh nghiệp tham gia nhằm mang lại những giá trị bền vững cho cả doanh nghiệp và nền kinh tế."

Hiện nay, ứng dụng gọi xe be đã được tải xuống 4 triệu thiết bị di động với hơn 40.000 tài xế, đáp ứng khoảng 300.000 chuyến xe được yêu cầu mỗi ngày và đã hoàn thành khoảng 20 triệu chuyến xe beBike và beCar kể từ khi bắt đầu chính thức triển khai dịch vụ từ tháng 12/2018 đến nay.

Theo Báo cáo e-Conomy SEA 2018 của Google và Temasek, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2018 là 9 tỷ USD. Báo cáo cũng dự báo tốc độ tăng trưởng trung bình năm (Compound Average Growth Rate – CAGR) của giai đoạn 2015 – 2018 là 25% và thị trường đạt 33 tỷ USD vào năm 2025. Nếu kịch bản này xảy ra, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2025 sẽ đứng thứ ba ở Đông Nam Á.

Dịch vụ hoàn tất đơn hàng có mối quan hệ khăng khít với bán lẻ trực tuyến. Cùng với tốc độ tăng trưởng cao của thương mại điện tử, năm 2018 đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của dịch vụ logistics, chuyển phát chặng cuối và hoàn tất đơn hàng. Có thể nói, thị trường logistic, chuyển phát chặng cuối và hoàn tất đơn hàng vẫn còn nhiều dư địa.


Theo Bình An

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên