MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bên cạnh dòng tiền cuồn cuộn đổ vào chứng khoán, nhà đầu tư vẫn rót tiền vào bất động sản chờ sốt đất sau dịch

30-06-2021 - 17:10 PM | Bất động sản

Bên cạnh dòng tiền cuồn cuộn đổ vào chứng khoán, nhà đầu tư vẫn rót tiền vào bất động sản chờ sốt đất sau dịch

An toàn và sinh lời trong các thời kỳ khủng hoảng kinh tế, điều này thể hiện rất rõ thời gian qua khi so sánh mức độ ưu tiên đầu tư giữa BĐS và các kênh khác.

Khi làn sóng dịch covid lần thứ 3 được kiểm soát, niềm tin về thị trường bất động sản tăng tốc mạnh mẽ trở lại và tạo nên 1 đợt sốt đất trên diện rộng khắp Việt Nam trong quý 1/2021. Số liệu tìm kiếm BĐS đạt kỷ lục vào tháng 3 cho thấy thị trường BĐS giống như chiếc lò xo bị nén vào mỗi đợt dịch bùng phát, sau mỗi đợt dịch, nhu cầu BĐS bật tăng mạnh trở lại, khi thị trường bị nén càng mạnh thì lực bật sẽ càng cao.

Tháng 5/2021 chứng kiến số lượng doanh nghiệp bất động sản mới tiếp tục tăng 60.4% so với cùng kỳ năm trước, điều này cũng chỉ báo những tín hiệu tích cực về sự hồi phục thị trường BĐS trong năm 2021. 

Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực phía Nam nhận định: "Trong khi dòng tiền đang đổ vào chứng khoán thì đây cũng được cho là thời điểm tốt để các doanh nghiệp BĐS chuẩn bị đón dòng vốn chảy vào thị trường khi dịch được kiểm soát, đồng thời cũng sẵn sàng phương án thay đổi linh hoạt để ứng phó với thị trường bất định, linh hoạt trong việc đào tạo và cả mở bán trực tuyến vì dịch có thể quay trở lại bất cứ lúc nào”.

"Bất động sản vẫn là nơi trú ẩn tài sản vừa đảm bảo tính an toàn và sinh lời trong các thời kỳ khủng hoảng kinh tế, điều này thể hiện rất rõ thời gian qua khi so sánh mức độ ưu tiên đầu tư giữa BĐS và các kênh khác. Tôi cho rằng rất khó để xảy ra tình trạng mất thanh khoản và giảm giá, mức giá sẽ tiếp tục tăng lên trong bối cảnh chi phí nguyên vật liệu, sắt thép vẫn không có dấu hiệu dừng lại", ông Tuấn cho biết.

Nhìn nhận ở khía cạnh khác, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng nhận định với giới truyền thông phân khúc đất nền thời gian qua ghi nhận tình trạng nóng sốt, bất chấp những tác động của dịch bệnh, thế nhưng cho đến thời điểm này cũng đã bị ảnh hưởng. Những khu đất nền nằm trong các dự án như sân bay Long Thành , Bình Dương, Quảng Ninh,... hiện tại giá đất tại đây đã không còn sốt nữa.

"Riêng về phân khúc nhà ở, do nhu cầu về nhà ở ngày càng lớn nên thị trường vẫn ghi nhận sự tăng giá. Tuy nhiên, các nhà đầu tư không mặn mà với phân khúc này mà tập trung vào các phân khúc có giá trị trung bình hoặc phân khúc cao cấp có giá trị lợi nhuận cao. Hiện tại, phân khúc cao cấp giá vẫn còn tăng, không giảm và nó là hiện tượng xảy ra ở phạm vi toàn cầu chứ không chỉ ở Việt Nam", ông Hiếu cho biết.

Ông Hiếu cũng cho biết thêm: "Nhà đầu tư sẵn sàng bỏ tiền vào bất động sản cao cấp để hy vọng rằng, sau dịch bệnh giá sẽ tăng lên và họ sẽ kiếm lời nhanh chóng. Những phân khúc có lẽ trụ được tốt là bất động sản cao cấp, bất động sản cho người có thu nhập trung bình và từ giờ đến cuối năm có lẽ sẽ còn xuất hiện sốt đất".

Nhìn về dài hạn, bất động sản Việt Nam vẫn luôn là thị trường tiềm năng tỷ lệ đô thị hóa 35% - rất thấp so với hơn 50% của Thailland, hơn 60% ở Trung Quốc và một lượng lớn nhu cầu với gần 100 triệu dân. Tại Việt Nam, có thể nói, sở hữu một ngôi nhà dường như là điều bắt buộc đối với một người trưởng thành.

Từ góc độ nguồn cung, có thể thấy, đại dịch Covid-19 là rủi ro nhưng cũng là cơ hội cho thị trường BĐS. Mỗi năm Hà Nội và TP.HCM cần khoảng 140.000 căn nhà, tuy nhiên nguồn cung rất hạn chế từ năm 2019. Nhiều doanh nghiệp bất động sản đã thay đổi chiến lược phát triển sản phẩm. Những đơn vị có nền tảng cơ bản tốt, danh mục sản phẩm đa dạng, hướng đến nhu cầu ở thực của người mua có nhiều cơ hội thắng thế.

Lan Nhi

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên