MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bên nhau lúc khó khăn, buông tay ở đỉnh cao danh vọng: Câu chuyện "theo đuổi tiền bạc, trả giá bằng hôn nhân" của một CEO khiến nhiều người phải suy nghĩ

15-01-2019 - 23:00 PM | Sống

Nhiều người cho rằng, một công việc kinh doanh thành công chắc chắn sẽ đem lại một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Tuy nhiên, không phải lúc nào mọi thứ cũng đơn giản và dễ dàng như vậy.

Dave Balter là nhà đầu tư kiêm CEO của Flipside Crypto một công ty nghiên cứu về lĩnh vực tiền ảo. Anh cũng từng khởi nghiệp với BzzAgent và Smarterer trước khi trở thành CEO của Mylestoned một công ty trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Ngoài ra, Balter hiện đang là đối tác đầu tư tại Boston Seed Capital.

Dưới đây là bài chia sẻ của anh về tác động của kinh doanh lên cuộc hôn nhân của chính mình.

Sau hơn một thập kỷ chung sống, cuộc hôn nhân của vợ chồng tôi đã chính thức đi đến hồi kết. Cũng giống như bao cặp vợ chồng khác, chúng tôi chưa từng nghĩ rằng mình sẽ lại có ngày hôm nay.

Một yếu tố quan trọng dẫn tới quyết định này chính là việc tôi trở thành một doanh nhân, một CEO khởi nghiệp. Phải đi công tác liên tục, tôi càng trở nên xa cách và bị phân tâm mỗi khi ở nhà. Tôi cũng phải thừa nhận rằng, thỉnh thoảng, tôi cảm giác như mình đã kết hôn với công việc ở BzzAgent và tận tụy với cộng đồng khởi nghiệp hơn là với chính người vợ của mình – Beth. Có lẽ chúng tôi sẽ vẫn ở bên nhau nếu tôi biết cách chia sẻ với cô ấy, để Beth không còn cảm thấy mình giống "một người góa phụ" như cô ấy từng nói.

Cưới vợ hay cưới công việc?

Nếu là một người lãnh đạo hoặc đang đảm nhiệm vị trí của một CEO, bạn đang cưới vợ hay cưới công việc? Có phải cuộc hôn nhân của bạn đang trên bờ vực đổ vỡ không?

Hãy đối mặt với sự thật này: Một doanh nhân quá tận tụy cũng giống như những kẻ nghiện chất kích thích – ám ảnh, hung hăng và luôn quá chú tâm đến việc duy trì thành công. Đối với những kẻ đam mê khởi nghiệp, mọi thứ – từ việc mở một công ty cho đến việc xây dựng đội ngũ nhân sự, hay cho ra đời sản phẩm đầu tiên – đều có sức hấp dẫn không thể cưỡng lại. Chúng chiếm hữu và thỏa mãn tâm trí họ theo một cách rất khó lý giải. Những người đó chẳng tài nào nghĩ được về điều gì khác. Niềm vui sướng tột cùng khi nhìn thấy ý tưởng của mình trở thành hiện thực chỉ có thể ví với một thứ duy nhất: tình yêu đích thực.

Bên nhau lúc khó khăn, buông tay ở đỉnh cao danh vọng: Câu chuyện theo đuổi tiền bạc, trả giá bằng hôn nhân của một CEO khiến nhiều người phải suy nghĩ - Ảnh 1.

Sự khởi đầu tốt đẹp

Tôi và vợ gặp nhau vào giữa thập niên 90 của thế kỷ trước. Khi đó, tôi vừa từ bỏ một công việc ổn định để theo đuổi giấc mơ kinh doanh. Không ai trong số chúng tôi hiểu được hoàn toàn việc trở thành một phần của dự án khởi nghiệp có ý nghĩa như thế nào. Nhưng Beth nói rằng tôi là người có tham vọng, và cô ấy tự hào vì tôi đã cố gắng đi lên từ hai bàn tay trắng.

Beth là một người vợ tuyệt vời trong quãng thời gian khởi nghiệp. Cô ấy luôn luôn động viên mỗi khi tôi gặp khó khăn liên quan đến đối tác hay đàm phán trong những thương vụ đầu tiên. Tôi vẫn nhớ như in cái lần cô ấy bay từ Boston đến New York, chỉ để đi cùng tôi đến đám tang bố của một người đồng nghiệp vào phút chót. Chúng tôi đã dành hàng giờ đồng hồ thảo luận xem liệu tôi có nên bán công ty đầu tiên của mình không và nên làm gì sau đó. Cả hai cùng nhau lên kế hoạch cho các chuyến đi dựa trên lịch làm việc của tôi.

Cho tới khi BzzAgent – công ty chuyên về marketing xã hội của tôi – đạt được những thành công nhất định, tôi cảm thấy rất hạnh phúc, còn Beth thì vô cùng tự hào.

Sự thật về những cuộc hôn nhân khởi nghiệp

Nhưng rồi, những vết rạn nứt đầu tiên cũng xuất hiện trong cuộc hôn nhân của chúng tôi. Một ngày nọ, tôi gọi cho Beth từ văn phòng bằng loa ngoài và nhờ cô ấy viết một bài đăng cho trang blog của tôi về những trải nghiệm khi kết hôn với một CEO khởi nghiệp. Cô ấy chẳng bao giờ muốn bị gọi bằng loa ngoài – nhất là khi có nhiều người khác ở trong phòng. Cô ấy cũng không có vẻ gì là thích thú với việc kể câu chuyện này.

Mặc dù vậy, Beth vẫn viết và gửi tôi bài đăng vài ngày sau đó. Trong bài, cô ấy nêu rõ những khó khăn khi phải sống cùng một người mà lúc nào cũng chỉ dán mắt vào chiếc điện thoại Blackberry, luôn có thói quen vứt bánh vòng ăn dở ra nhà (tôi quên mất là tôi đã ăn chúng), và liên tục phàn nàn về chứng đau bụng hoặc các chuyến bay đường dài.

Vậy đấy! Bài đăng đó kết thúc trong cảm động khi Beth nhận xét về các đức tính tốt đẹp của tôi. Thế nhưng, lối cư xử vô tâm của tôi đã bắt đầu tác động đến cuộc hôn nhân. Điều đó thể hiện rõ trên từng con chữ. Beth bắt đầu hoài nghi liệu cô ấy còn có thể đi cùng tôi trên con đường đầy điên rồ này hay không. Còn tôi ư? Tôi vẫn chưa sẵn sàng để thay đổi.

Sau khi sinh đứa con đầu lòng, tôi cảm thấy bị giằng xé giữa ưu tiên cho gia đình và công việc. Trong Home Game – một cuốn tiểu thuyết tự sự về việc làm cha – tác giả Michael Lewis có viết, một số ông bố không yêu con mình ngay lập tức. Ông tiết lộ rằng, sẽ phải mất nhiều tháng để tôi biết yêu con mình, và tôi chắc chắn rằng mình chính là kiểu người đó. Trong vòng vài tháng đầu tiên, đứa con mới sinh của tôi chẳng biết làm gì ngoài chảy dãi và đi nặng. Bé làm tôi phân tâm và tỉnh giấc mỗi đêm, còn vợ tôi thì mệt nhoài.

Dần dần, tôi cũng yêu đứa trẻ, nhưng đó là sau khi Beth hỏi tại sao tôi không hy sinh một chút công việc để dành nhiều thời gian hơn bên con mình. Trong một giây ích kỷ, tôi đã bảo cô ấy: "Anh cũng đã có đứa con của riêng mình rồi." Đó chính là BzzAgent, là công việc.

Tôi đã nói ra một điều thật kinh khủng.

Bên nhau lúc khó khăn, buông tay ở đỉnh cao danh vọng: Câu chuyện theo đuổi tiền bạc, trả giá bằng hôn nhân của một CEO khiến nhiều người phải suy nghĩ - Ảnh 2.

Khi chứng nghiện công việc ngày một nghiêm trọng hơn

Đứa con thứ hai ra đời vào năm 2008 cũng là lúc những rạn nứt chuyển thành những vết gãy không thể hàn gắn. Lúc này, ở BzzAgent đã xuất hiện thêm các đối tác đầu tư, ban lãnh đạo, cùng một đội ngũ quản lý. Tôi phải chú tâm vào công việc kinh doanh hơn bao giờ hết. Việc cân bằng giữa cuộc sống và công việc là điều bất khả thi.

Khi vợ tôi nói rằng cô ấy cần thêm sự trợ giúp ở nhà, tôi đã gợi ý thuê thêm người giúp việc toàn thời gian. Tuy nhiên, Beth không đồng ý. Cô ấy muốn tôi ở bên cạnh mình và các con. Nhưng tôi lại muốn có mặt tại New York, San Francisco, hay London. Tôi muốn tận hưởng cảm giác được xử lý các thương vụ, xây dựng các ý tưởng mới, bắt tay và nở một nụ cười thân thiện với đối tác.

Và khi tôi học được cách để trở thành một người giám đốc tốt hơn, chứng nghiện công việc của tôi càng ngày càng tệ đi. Tôi bắt đầu đầu tư vào các công ty khởi nghiệp khác, tư vấn cho bạn bè, điều hành quản lý, và thậm chí còn tự mình thực hiện các ý tưởng kinh doanh mới. Căn nhà của vợ chồng tôi vẫn ở đó và được bao quanh bởi hàng rào trắng (thật ra nó là màu xanh lá), cùng với hai đứa trẻ đang đùa nghịch trong sân. Thế nhưng ở bên trong, Beth và tôi từ lâu đã sống hai cuộc đời riêng biệt. Chúng tôi có đi tư vấn hôn nhân và cố gắng hàn gắn mối quan hệ, nhưng sự thật đã quá hiển nhiên: tôi muốn phát triển công ty, còn vợ tôi thì muốn xây dựng gia đình.

Bên nhau lúc khó khăn, buông tay ở đỉnh cao danh vọng: Câu chuyện theo đuổi tiền bạc, trả giá bằng hôn nhân của một CEO khiến nhiều người phải suy nghĩ - Ảnh 3.

Giải pháp nào cho những cuộc hôn nhân khởi nghiệp?

Tôi đã rút ra được một vài lý do cho cuộc hôn nhân thất bại của mình và những điều nhẽ ra tôi nên làm khác đi. Tôi vẫn chưa tìm ra hết tất cả, nhưng nếu bạn muốn cân bằng giữa công việc kinh doanh và gia đình, thì đây là một số lời khuyên dành cho bạn.

Thứ nhất: Lựa chọn người bạn đời có khả năng thích nghi với cuộc sống thiên về kinh doanh

Điều này nói thì dễ hơn làm. Khi tình yêu mới chớm nở, cuộc sống trông có vẻ thật đơn giản và vui vẻ như khi ta đang tìm hiểu nhau vậy. Nhưng nếu bạn có thời gian thảo luận trước với nhau, hãy tìm hiểu xem liệu cả hai người đã sẵn sàng cho một cuộc sống xen lẫn với công việc hay chưa.

Tôi cũng rút ra kết luận: Nếu bạn là một người đam mê công việc, thì chỉ có hai kiểu bạn đời thích hợp với bạn. Một là kiểu người cũng đam mê công việc như bạn, hiểu được tầm quan trọng của các sự kiện tổ chức vào buổi tối, và sẵn sàng đối mặt với guồng quay cảm xúc đang diễn ra hàng ngày. Hai là kiểu người hoàn toàn thấu hiểu những nhu cầu thiết yếu của một doanh nhân. Người đó phải hiểu rằng bạn sẽ ít khi về nhà, biết linh hoạt khi kế hoạch thay đổi, hỗ trợ khi bạn đãng trí, và chấp nhận rằng bạn sẽ luôn kè kè điện thoại bên tay. Nói chung, đây phải là một vị thánh.

Trong trường hợp của tôi, Beth chưa sẵn sàng để trở thành vợ của một doanh nhân khởi nghiệp. Tôi không nghĩ chúng tôi hiểu được hết mọi thứ lúc bấy giờ. Cô ấy quá độc lập để nhờ cậy người khác (đó là điều khiến tôi yêu cô ấy), nhưng lại không hoàn toàn cảm thông cho tham vọng làm việc của tôi. Ước gì chúng tôi đã tâm sự với nhau về điều này trước khi bắt đầu mối quan hệ.

Bên nhau lúc khó khăn, buông tay ở đỉnh cao danh vọng: Câu chuyện theo đuổi tiền bạc, trả giá bằng hôn nhân của một CEO khiến nhiều người phải suy nghĩ - Ảnh 4.

Thứ hai: Coi bạn đời như một "phi công phụ"

Sau khi chọn được người bạn đời thích hợp để cùng trải qua những khó khăn của việc kinh doanh, cả hai cần phải giao tiếp với nhau nhiều hơn mức cần thiết. Dần dần, các bạn sẽ nói về công việc ít đi. Bạn đã nói quá đủ về chủ đề này, còn người bạn đời của bạn thà châm lửa đốt tóc còn hơn phải nghe bạn nói mãi về chuyện công việc. Đây chính là dấu hiệu chết người, bởi vì khi cả hai người đều không để tâm đến cuộc trò chuyện, các bạn sẽ không thể nào hiểu rõ được quan điểm của đối phương để giúp đỡ. Ước gì tôi đã mở lời nhiều hơn và hỏi han Beth về cuộc sống của cô ấy.

Thứ ba: Dành thời gian cho nhau, và cho chính bản thân mình

Có ba thứ mà bạn sẽ cần đến: các cuộc hẹn, thời gian nghỉ ngơi, và sự trợ giúp. Đi chơi đâu đó vào buổi tối, có thời gian thư giãn bên nhau ít nhất một lần trong tuần. Hãy nhớ rằng các bạn cưới nhau vì điều gì. Hãy nghỉ ngơi, đi du lịch, và tận hưởng cuộc sống mà không bị con cái hay công việc cản trở. Nếu cần, hãy nhờ người khác trợ giúp. Như Michael Norman đã từng nói trong cuốn Happy Money: The Science of Smarter Spending, cách ngắn nhất để đi tới hạnh phúc là bỏ ra nhiều thời gian. Cách tốt nhất để làm điều này là tận dụng mọi nguồn lực có thể: dùng app Taskrabbit để làm các việc vụn vặt, thuê kế toán, tuyển vú em, và dành thời gian để tận hưởng cuộc sống cùng nhau.

Thêm vào đó, bạn cũng cần để ý đến việc đi tư vấn hôn nhân. Hầu hết các cặp đôi chỉ đi khi họ cảm thấy không còn gì cứu vãn được nữa. Theo tôi, tư vấn hôn nhân là hoạt động cần diễn ra thường xuyên, ít nhất là 3 tháng/lần. Chuyên gia tư vấn hôn nhân sẽ là người giúp các bạn trò chuyện khi gặp khó khăn, là người cảnh báo các bạn về những vết rạn nứt đủ để gây chia rẽ.

Bên nhau lúc khó khăn, buông tay ở đỉnh cao danh vọng: Câu chuyện theo đuổi tiền bạc, trả giá bằng hôn nhân của một CEO khiến nhiều người phải suy nghĩ - Ảnh 5.

Từ người vợ trở thành "góa phụ" trong chính ngôi nhà của mình

Tôi và Beth rất hiếm khi làm những điều trên. Và thế là, cuộc hôn nhân của chúng tôi dần đi đến hồi kết. Chúng tôi vẫn ổn, vẫn là những người bạn tuyệt vời và cùng nhau nuôi dạy con cái. Chúng tôi vẫn làm mọi thứ như một gia đình. Thậm chí, khi nhìn thấy gia đình chúng tôi ăn trưa cùng nhau, một người bạn thân đã nhận xét: "Điều này không chỉ kỳ lạ, mà là quá sức kỳ lạ."

Chúng tôi đã bỏ lỡ cơ hội để kéo dài cuộc hôn nhân của mình. Sau này nhìn lại, tôi nhận ra rằng mình đã có thể chăm lo cho cả gia đình lẫn công ty nếu biết tự hỏi bản thân – và cả Beth – những câu hỏi khó nói này ngay từ ban đầu. Nếu khi ấy chúng tôi đồng tình với nhau, có lẽ tôi đã chăm sóc gia đình của mình cẩn thận như khi lo cho công ty rồi.

Theo tôi, đây chính là bài học dành cho rất nhiều người. Hãy hành động ngay từ bây giờ. Hãy cố gắng nhiều hơn cho cuộc hôn nhân của chính bạn. Nếu bạn đối xử với nó tốt như cách bạn đối xử với công việc, bạn sẽ vừa có một gia đình hạnh phúc lẫn công việc kinh doanh thành công.

Ngọc Hà

Medium

Trở lên trên