Bến Tre sẽ có khu lấn biển rộng 50.000ha
Ngày 5/12, UBND tỉnh Bến Tre tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo quy hoạch, năm 2030, tỉnh Bến Tre ưu tiên phát triển mạnh về hướng Đông với điểm nhấn là khu lấn biển diện tích khoảng 50.000ha để mở rộng không gian phát triển; trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước.
- 16-11-2023Bình Định xử lý ra sao với 'điểm nóng' lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép?
- 15-09-2023Tân Hiệp Phát lấn sân bất động sản, kinh doanh thêm 33 ngành mới
- 29-08-2023Lộ diện doanh nghiệp được phép khai thác 27 triệu m2 cát để làm khu đô thị lấn biển Cần Giờ
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết, quy hoạch tỉnh Bến Tre được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là cơ sở quan trọng để hiện thực hóa các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó, tỉnh ưu tiên phát triển mạnh về hướng Đông với điểm nhấn là khu lấn biển diện tích khoảng 50.000 ha để mở rộng không gian phát triển. Phấn đấu đến năm 2030 tỉnh Bến Tre trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, quy hoạch tỉnh cũng là cơ hội để các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến tìm hiểu, nghiên cứu và quyết định đầu tư, phát triển tại Bến Tre.
Bà Hồ Thị Hoàng Yến - Phó Bí thư Thường trực, phụ trách Tỉnh ủy – Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre cho biết, đây là bước khởi đầu rất quan trọng cho sự phát triển của tỉnh Bến Tre; là cơ sở và tiền đề để công bố, thông tin rộng rãi về định hướng phát triển, thu hút, huy động các nguồn lực đầu tư vào Bến Tre.
Để phát huy hết tiềm năng, lợi thế của tỉnh, cũng như triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch tỉnh Bến Tre trong thời gian tới, bà Yến đề nghị UBND tỉnh khẩn trương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh với các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể; xác định rõ thời gian hoàn thành; phân công trách nhiệm cho từng tổ chức, cá nhân, làm cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện.
Bà Yến yêu cầu thực hiện điều phối, quản lý thống nhất, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, hiệu quả và thống nhất giữa quy hoạch tỉnh và các quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch cấp cao hơn để phát triển bền vững với tầm nhìn dài hạn, định hướng phát triển tổng thể, liên kết vùng, phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển mạnh mẽ kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đối khí hậu.
Trước đó, ngày 17/11/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1399/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo quy hoạch, phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh Bến Tre được tổ chức thành 3 vùng kinh tế - xã hội.
Vùng ven biển phía Đông của tỉnh (gồm huyện Ba Tri, huyện Bình Đại, huyện Thạnh Phú và không gian biển thuộc địa phận tỉnh Bến Tre) sẽ là vùng động lực phát triển của tỉnh; đột phá về các ngành kinh tế biển; ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực: công nghiệp; năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; nuôi trồng, khai thác và chế biến hải sản...
Quy hoạch cũng nêu, Bến Tre định hướng phát triển hình thành 5 hành lang kinh tế. Trong đó, 3 hành lang phát triển theo hướng Tây - Đông (hành lang kinh tế hướng Đông), gồm: hành lang kinh tế dọc theo trục chính Quốc lộ 57B; hành lang kinh tế dọc theo trục chính Quốc lộ 57C và hành lang kinh tế dọc theo trục chính Quốc lộ 57.
2 hành lang phát triển theo hướng Bắc - Nam, gồm: hành lang kinh tế dọc theo Quốc lộ 60 và đường cao tốc CT33; hành lang kinh tế dọc theo tuyến đường ven biển kết nối các đô thị ven biển thuộc 3 huyện (Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú) và gắn kết nối khu vực ven biển các tỉnh Trà Vinh, Tiền Giang, TPHCM.
Tiền phong