MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bình Định xử lý ra sao với 'điểm nóng' lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép?

16-11-2023 - 16:56 PM | Bất động sản

‘Giải quyết tồn tại cũ, xử lý nóng phát sinh mới’ là phương án thực hiện tại những "điểm nóng" lấn chiếm, xây dựng trái phép trên địa bàn Bình Định

Video: Cưỡng chế lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép trên địa bàn TP Quy Nhơn, Bình Định.

Giải quyết nạn lấn chiếm, xây dựng trái phép cũ trước đó

Hơn 4 tháng, sau ngày Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn ban hành Kế hoạch thực hiện xử lý lấn, chiếm đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Định các huyện, thị xã, thành phố đã ra quân kiểm tra, thống kê, xử lý các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật nhằm lập lại trật tự, kỷ cương, trong quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, TP Quy Nhơn được cơ quan chức năng đánh giá là một điểm nóng về nạn lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép trên địa bàn tỉnh Bình Định. Trong TP Quy Nhơn có những điểm nóng như các phường Quang Trung, Ghềnh Ráng, xã Nhơn Hội… mà trong suốt thời gian qua VTC News liên tục phản ánh.

Sau khi kế hoạch ban hành, TP Quy Nhơn đã triển khai rà soát, lên kế hoạch xử lý các trường hợp lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép tồn tại nhiều năm trước đó đồng thời tăng cường khâu giám sát, phát hiện sớm, kịp thời xử lý nóng các vi phạm mới.

Vừa qua, UBND TP Quy Nhơn đã tổ chức họp thông qua dự thảo cưỡng chế đợt 1 theo quy định đối với các trường hợp tiên phong: cán bộ đảng viên, công chức, viên chức như báo chí đã phản ánh. Sau đó đến các hộ đã xây dựng nhà, mua bán, sang nhượng nhưng không thường xuyên ở và người dân đã có nhà ở nhưng cố tình xây dựng chiếm đất vi phạm.

Bình Định xử lý ra sao với 'điểm nóng' lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép? - Ảnh 1.

Một trường hợp xây dựng trái phép "đặc biệt" trên đảo Hòn Rớ, phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn được lực lượng chức năng cưỡng chế tháo dỡ vừa qua.

Theo ông Nguyễn Đức Toàn - Phó Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn, tổ công tác các phường, xã đang trong thời gian hoàn thành việc kiểm tra thực tế, đo đạc đất đai, lập sơ đồ thửa đất, phân loại đối tượng gửi hồ sơ về Ban chỉ đạo thành phố để tổng hợp báo cáo đề xuất xử lý theo đúng tiến độ kế hoạch trong năm tới.

Qua triển khai rà soát đến thời điểm này, có đến 15/21 phường, xã của thành phố xác định có trường hợp lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép. Hiện các phường, xã đã tổng hợp, phân loại báo cáo các trường hợp lấn chiếm sử dụng đất theo từng giai đoạn, diện tích, hiện trạng sử dụng đất theo đơn kê khai là 2.130 trường hợp vi phạm tổng diện tích 213.261 m2.

Trong đó, vi phạm trước ngày 1/7/2004 có 1.253 trường hợp; từ 1/7/2004 - 30/6/2014 là 761 trường hợp; Từ ngày 1/7/2014 - nay 161 trường hợp.

Bà Nguyễn Thị Hải Yến - Chủ tịch UBND phường Quang Trung (TP Quy Nhơn) - cho hay, tính đến hiện tại phường có 524 trường hợp lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép trên địa bàn. Từ đó địa phương triển khai đo đạc, kiểm đếm diện tích vi phạm, phân loại cụ thể từng trường hợp lấn chiếm theo từng mốc thời gian để làm cơ sở xử lý từ năm 2024.

Riêng “điểm nóng” tại tổ 49, khu phố 5 của phường Quang Trung xác định có đến 158 trường hợp vi phạm lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép. Đến nay, UBND TP Quy Nhơn đã ban hành quyết định xử phạt hành chính 16/158 trường hợp và ban hành quyết định cưỡng chế 13/16 trường hợp. Đồng thời, thông qua kế hoạch tổ chức cưỡng chế đợt 1 theo kế hoạch của UBND tỉnh.

Trước tiên, sẽ tổ chức cưỡng chế phá dỡ 4 trường hợp xây dựng nhà ở vi phạm của các hộ gia đình là cán bộ đảng viên, công chức, viên chức cố tình vi phạm. Còn trường hợp người dân thật sự khó khăn về nhà ở, chúng tôi rà soát thận trọng từng trường hợp để đề xuất cho thành phố trước khi xử lý ”, bà Yến cho hay.

Đối với nạn lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép tại phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn) ông Vũ Duy Hảo - Phó Chủ tịch UBND phường Ghềnh Ráng - thông tin, phường đã lập danh sách 172 trường hợp lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép trên địa bàn phường, tập trung ở khu phố 1, 2, 3, 5.

Ông Hảo nói: “ UBND phường đang chỉ đạo trưởng các khu phố tổ chức họp quân dân chính và hộ dân tham gia họp xét quá trình sử dụng đất lấn, chiếm do các hộ tự khai tại khu vực để tổ chức niêm yết (lần 1) ”.

UBND phường Ghềnh Ráng đã kiểm tra, hoàn tất hồ sơ thủ tục xử lý theo đúng quy định pháp luật tiến hành cưỡng chế 16 trường hợp vi phạm trên tuyến QL 1D ; 23/35 trường hợp tại khu phố 2; 4 trường hợp tại khu phố 1; 1 trường hợp xây dựng trên đảo Hòn Rớ khu vực 1.

Bình Định xử lý ra sao với 'điểm nóng' lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép? - Ảnh 2.

Không riêng gì phường Ghềnh Ráng, Quang Trung... xã Nhơn Hội trong Khu kinh tế, nơi được cho là có nhiều nhà của "cán bộ" cũng là một "điểm nóng" xây dựng trái phép trên địa bàn TP Quy Nhơn.

Xử lý " điểm nóng" mới phát sinh

Theo Kế hoạch thực hiện xử lý lấn, chiếm đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Định, đối với các trường hợp vi phạm lấn, chiếm đất đai mới phát sinh, chính quyền sở tại phải kiểm tra phát hiện và xử lý buộc tháo dỡ hoặc cưỡng chế tháo dỡ ngay trong ngày kể cả thời gian ngoài giờ hành chính hay ngày nghỉ.

Trong 10 tháng đầu năm 2023, UBND TP Quy Nhơn tiến hành tháo dỡ “nóng” 258 trường hợp vi phạm, đồng thời không để xảy ra trường hợp tái phạm.

Theo bà Nguyễn Thị Hải Yến - Chủ tịch UBND phường Quang Trung, các trường hợp vi phạm mới về lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép trên địa bàn phường đều đươc xử lý nhanh, xử lý nóng trong 2 ngày kể từ thời điểm phát hiện. Riêng trong năm 2023, phường đã xử lý 12 trường hợp vi phạm ở tổ 49 (khu phố 5), tổ 20 (khu phố 2), tổ 7 (khu phố 1).

Phường quyết liệt triển khai các giải pháp như kiểm tra chéo hằng tuần để giám sát chặt tránh tình trạng phát sinh vụ việc vi phạm mới kéo dài gây phức tạp. Hiện 8/8 khu phố đã thành lập tổ nòng cốt, khi phát hiện trường hợp vi phạm đều được báo cáo ngay cho phường để xử lý “nóng ”, bà Yến khẳng định.

Đối với phường Ghềnh Ráng, hiện vẫn đang gặp một số khó khăn vướng mắc: “ Việc phát, thu tờ khai gặp nhiều khó khăn vì một số hộ dân cho rằng đất mua (nhận chuyển nhượng) chứ không phải lấn chiếm. Một số hộ dân không cung cấp giấy tờ nhà và đất liên quan, hoặc có cung cấp giấy tờ nhưng không phù hợp thời gian nhận chuyển nhượng (lùi ngày tháng năm) rất khó khăn trong công tác xác minh ”, ông Hảo cho hay.

Bình Định xử lý ra sao với 'điểm nóng' lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép? - Ảnh 3.

Một trường hợp được xử lý cưỡng chế "nóng" trên địa bàn TP Quy Nhơn ngay sau khi phát hiện.

Hiện UBND tỉnh Bình Định yêu cầu các địa phương triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị 05 của Chủ tịch UBND tỉnh về “ Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh ”. Thực hiện đúng theo Kế hoạch xử lý lấn, chiếm đất đai trên địa bàn tỉnh.

Người đứng đầu UBND tỉnh Bình Định cho biết, tình trạng lấn, chiếm đất đai, xây dựng công trình trái phép có mới, có cũ kéo dài trong nhiều năm xuất phát từ việc buông lỏng quản lý, bao che  và công tác giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai còn có vụ việc mất nhiều thời gian.

Ngoài các phường trên địa bàn TP Quy Nhơn để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép trong nhiều năm còn có các huyện trên địa bàn tỉnh Bình Định như Phù Cát, Phù Mỹ hay Khu kinh tế…

Ngày 27/4/2023, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định ra Chỉ thị Số: 05/CT-UBND về Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh.

Ngày 30/6/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định tiếp tục Ban hành Kế hoạch thực hiện xử lý lấn, chiếm đất đai trên địa bàn tỉnh với chủ đề “ Chấm dứt lấn, chiếm đất đai ”, truyền tải thông điệp kêu gọi người dân “ Nói không với lấn, chiếm đất đai ”.

Lịch trình Kế hoạch thực hiện xử lý lấn, chiếm đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Định:

Tháng 8 năm 2023: Chỉ đạo hoàn thành việc lập danh sách người sử dụng đất do lấn, chiếm niêm yết công khai, thời gian 15 ngày làm việc (Đợt 1)

Tháng 9/2023 - 12/2023:Tổ công tác cấp xã, phường, thị trấn hoàn thành việc kiểm tra thực tế, đo đạc đất đai, lập bản đồ thửa đất, phân loại đối tượng gửi hồ sơ về ban chỉ đạo cấp huyện, thị xã, thành phố

Tháng 1/2024 – 02/2024: Ban chỉ đạo cấp huyện hoàn thành việc xét và công bố danh sách, ra thông báo các trường hợp được phép tồn tại, các trường hợp không được phép tồn tại buộc tháo dỡ; Chuẩn bị quỹ đất ở trên địa bàn, quỹ nhà ở xã hội (nếu có) đề xuất chủ trương tái định cư, bán nhà ở xã hội nhằm đảm bảo an sinh xã hội (đối với trường hợp không có nơi ở nào khác trên địa bàn cấp huyện theo quy định;

Tháng 2/2024: Niêm yết danh sách công khai, thời gian 15 ngày làm việc (Đợt 2);

Tháng 3/2024 – 5/2024: Các huyện, thị xã, thành phố phải thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận QSD đất đối với các trường hợp được phép tồn tại;

Từ 1/6/2024 về sau: Tổ chức ra quân xử lý tháo dỡ hoặc cưỡng chế những trường hợp lấn, chiếm đất đai không được phép tồn tại.

UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên kiểm tra phát hiện các trường hợp mới phát sinh, gắn với việc công bố công khai số điện thoại đường dây nóng, thư điện tử và địa điểm tiếp nhận các thông tin từ tổ chức, công dân phát hiện báo các trường hợp lấn, chiếm đất đai, giao đất trái quy định. Phân công cán bộ trực tiếp tiếp nhận ý kiến và ghi vào sổ theo dõi hàng ngày.

Theo Nguyễn Gia

VTC News

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên