MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bên trong cuộc khủng hoảng kinh tế mà World Bank đánh giá là tệ nhất thế giới từ thế kỷ 19

13-08-2021 - 08:49 AM | Tài chính quốc tế

Bên trong cuộc khủng hoảng kinh tế mà World Bank đánh giá là tệ nhất thế giới từ thế kỷ 19

"Thậm chí chúng tôi không có điện, không có nước, giá cả thì cao chót vót. Kể cả khi có ai đó từ nước ngoài gửi tiền về cho bạn thì cũng không đủ. Ở đây có quá nhiều cuộc khủng hoảng", 1 người dân Liban nói.

Phòng khách của Rania Mustafa gợi nhớ về quá khứ cách đây không lâu nhưng giờ đã trở nên xa vời vợi, khi mức lương của 1 nhân viên bảo vệ ở Liban dù khiêm tốn nhưng vẫn giúp cô mua được 1 chiếc điều hòa, 1 bộ sofa hạng trung và 1 chiếc tivi màn hình phẳng.

Tuy nhiên cuộc khủng hoảng đã nhấn chìm nền kinh tế Liban chỉ ngày càng trở nên tồi tệ. Cô bị mất việc và nhìn thấy khoản tiền tiết kiệm của mình nhanh chóng bốc hơi. Mustafa dự tính sẽ bán bớt đồ đạc để trả tiền thuê nhà và cố gắng tằn tiện để có đủ tiền mua thực phẩm. Gia đình cô phải cắt giảm sử dụng điện đáng kể, và nếu khéo lo thì sẽ đủ tiền để cho đứa con gái 10 tuổi đi bác sĩ chữa răng.

1 buổi tối gần đây, gia đình Mustafa quây quần bên ánh sáng phát ra từ chiếc điện thoại di động. Cả nhà chia sẻ với nhau những chiếc bánh khoai tây mỏng dính được hàng xóm cho. Cô con gái rón rén nhai bằng 1 bên hàm để tránh làm đau chiếc răng sâu.

"Tôi chẳng biết sẽ phải tiếp tục cuộc sống như thế nào", Mustafa (40 tuổi), buồn bã nói. Gia đình cô sống ở Tripoli, thành phố lớn thứ 2 ở Liban, chỉ đứng sau Beirut.

Bên trong cuộc khủng hoảng kinh tế mà World Bank đánh giá là tệ nhất thế giới từ thế kỷ 19 - Ảnh 1.

Thành phố chìm trong bóng tối vì mất điện.

Đất nước nhỏ bé vùng Địa Trung Hải vẫn đang chịu những ảnh hưởng của cuộc nội chiến kéo dài 15 năm mà đã kết thúc vào năm 1990. Tuy nhiên đó chưa phải là tất cả. World Bank gọi cuộc khủng hoảng tài chính mà Liban đối mặt là tồi tệ nhất thế giới kể từ những năm 1800 đến nay. Những hộ gia đình ở đây đang lâm vào bước đường cùng khi mà giá trị đồng nội tệ của Liban lao dốc không phanh trong khi giá của gần như mọi loại hàng hóa đều tăng vọt.

Kể từ mùa thu 2019, đồng bảng Liban đã mất 90% giá trị. Tỷ lệ lạm phát trung bình của năm 2020 là 84,9%. Tính đến tháng 6 vừa qua, giá hàng hóa tiêu dùng đã tăng gấp gần 4 lần so với 2 năm trước.

Vụ nổ kinh hoàng tại cảng Beirut 1 năm trước – trong đó hơn 200 người thiệt mạng và đến giờ vẫn để lại khung cảnh hoang tàn ở thủ đô - chỉ khiến cuộc sống của người dân Liban thêm khốn đốn. Họ kỷ niệm 1 năm sự kiện bằng những đám đông biểu tình phản đối chính phủ vì vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân cũng như ai phải chịu trách nhiệm về vụ nổ. Sau giây phút im lặng để tưởng niệm, hàng nghìn người biểu tình diễu hành về phía trung tâm. Một số đốt pháo hoa và ném đá về phía lực lượng an ninh.

Vụ nổ chỉ khiến cuộc khủng hoảng kinh tế của Liban thêm trầm trọng và tăm tối hơn. Nhiều năm thực hiện các chính sách sai lầm và tham nhũng khiến Liban ngập trong nợ, trong khi NHTW không còn giữ được tỷ giá ổn định như suốt mấy chục năm trước do luồng ngoại tệ cạn kiệt.

Bên trong cuộc khủng hoảng kinh tế mà World Bank đánh giá là tệ nhất thế giới từ thế kỷ 19 - Ảnh 2.

Người dân xếp hàng dài mua thuốc.

Khắp đất nước thiếu thốn thực phẩm, nhiên liệu và thuốc men. Ngoại trừ những người thực sự giàu có, hầu hết người dân Liban đã phải bỏ thịt ra khỏi khẩu phần ăn hàng ngày, xếp hàng dài để đổ đầy xăng cho xe của họ và chịu cảnh nóng bức giữa mùa hè bởi vì cảnh mất điện diễn ra thường xuyên.

Lâu nay Liban vẫn thiếu điện – minh chứng cho 1 đất nước không thể đảm bảo những dịch vụ cơ bản cho dân chúng. Vì mạng lưới điện quốc gia thiếu điện trầm trọng, người dân phải quay sang phụ thuộc vào những máy phát điện chạy bằng dầu diesel do tư nhân vận hành. Nhưng khi mà giá xăng nhập khẩu ngày càng đắt đỏ như hiện nay, thời gian cắt điện đã kéo dài từ vài giờ mỗi ngày lên tới 23 tiếng mỗi ngày. Giờ thì chỉ đủ điện dùng cho các dịch vụ y tế, các ngành kinh doanh thiết yếu và trở thành điều xa xỉ đối với các hộ gia đình.

Trước đây Mustafa Nabo, 1 người nhập cư từ Syria, thường làm việc cả ngày bên chiếc máy khâu chạy bằng điện. Anh sử dụng một phần điện lưới và lấy thêm điện từ máy phát. Nhưng giờ thì giá điện từ máy phát đã tăng gần 10 lần, vì thế anh phải cố gắng làm việc nhanh nhất có thể trong 2 giờ có điện lưới. Không có điện cũng đồng nghĩa ít việc hơn và anh phải cắt giảm đồ ăn.

Trên khắp Liban, tình trạng thiếu nhiên liệu dẫn đến cảnh người dân xếp hàng dài tại các cây xăng, chờ tới vài giờ để mua được vài lít xăng hoặc thậm chí là không mua được nếu hết hàng.

Bên trong cuộc khủng hoảng kinh tế mà World Bank đánh giá là tệ nhất thế giới từ thế kỷ 19 - Ảnh 3.

Xe cộ xếp hàng dài trước cây xăng.

Chính phủ Liban có chính sách trợ giá thuốc men nhập khẩu, nhưng cuộc khủng hoảng khiến hệ thống căng cứng. Tại 1 hiệu thuốc ở Tripoli, người dân xếp hàng kín từ vỉa hè đến quầy thu ngân, lo lắng không biết liệu có thể mua được những loại thuốc dù thông dụng nhưng giờ đã trở nên khan hiếm như thuốc giảm đau và thuốc điều trị bệnh huyết áp.

Wafa Khaled đau khổ khi không thể mua được insulin cho mẹ cô. Cô còn phải trả mức giá cao gấp 5 lần so với 2 năm trước khi mua đồ ăn cho con. Sữa công thức thì đắt gấp 7 lần. "Có lẽ tốt nhất là 1 nước khác hãy xâm lược Liban, để chúng tôi có điện, có nước và được đảm bảo an ninh", cô nói.

Cuộc khủng hoảng đã đánh sập 3 trụ cột từng giúp kinh tế Liban nổi trội trong thế giới Arab.

Tại đất nước từng được mệnh danh là "Thụy Sĩ của Trung Đông", giờ đây phần lớn các ngân hàng  đang ở bên bờ phá sản. Ngành giáo dục đối mặt với tình trạng "chảy máu chất xám" vì các giáo viên, giáo sư tìm kiếm cơ hội tốt hơn ở nước ngoài. Ngành y tế cũng tương tự vì tiền lương của các bác sĩ và y tá giảm mạnh, cùng với những ảnh hưởng từ dịch bệnh và vụ nổ năm ngoái.

Hiện tại hệ thống y tế của Liban không chỉ đối mặt với làn sóng ca nhiễm Covid-19 gia tăng. Số ca ngộ độc thực phẩm ngày càng nhiều vì tình trạng lạm dụng rượu và việc bảo quản thực phẩm không được đảm bảo do thiếu điện.

Tình hình tồi tệ khiến nhiều người Liban tìm đường ra nước ngoài. Layal Azzam (39 tuổi) đã bay tới Saudi Arabia. 2 vợ chồng cô hồi hương từ vài năm trước và đã bỏ vốn 50.000 USD để kinh doanh nhưng cuối cùng đã thất bại. Họ lo lắng sẽ không thể tìm được bác sĩ khi con ốm.

"Thậm chí chúng tôi không có điện, không có nước, giá cả thì cao chót vót. Kể cả khi có ai đó từ nước ngoài gửi tiền về cho bạn thì cũng không đủ. Ở đây có quá nhiều cuộc khủng hoảng", cô nói.

Tham khảo New York Times

Thu Hương

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên