MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bên trong hang động pha lê khổng lồ: Đẹp là vậy nhưng tuyệt đối không được ở lại lâu, tiềm ẩn nguy hiểm chết người

03-07-2022 - 17:40 PM | Sống

Nằm sâu trong lòng trái đất, Hang Pha Lê nổi tiếng với vẻ đẹp hiếm có và bí ẩn khoa học.

Hang động Cave of Crystals (tạm dịch: Hang Pha lê), như tên gọi của nó, nằm ẩn mình sâu 290m dưới lòng đất.

Cách đây 22 năm, hai anh em thợ mỏ tên Juan và Pedro Sanchez đang tìm mỏ quặng mới cho công ty khai thác Industrias Peñoles ở núi Sierra de Naica ở Chihuahua, Mexico. Họ đã bắt gặp cảnh tượng bất ngờ và tuyệt vời. Những tinh thể selente khổng lồ, màu trắng sữa cao ngất ngưởng xung quanh họ, lấp đầy hang động hình móng ngựa. Chúng nhô ra từ mọi hướng, bao gồm sàn, tường và trần.

Những tinh thể này thực sự được làm từ thạch cao, loại khoáng chất được sử dụng làm chất độn trong ngành công nghiệp giấy, dệt may hoặc xây dựng. Mẫu tinh thể lớn nhất có chiều cao gần 12m, thể tích khoảng 5m khối và khối lượng ước tính là 12 tấn.

Phía trên hang động là ngọn núi chứa nhiều trầm tích bạc, chì và kẽm. Ngoài Hang Pha lê, hai hang động khác cũng được phát hiện trong khu vực bao gồm Cave of Swords, chứa các tinh thể thạch cao ngắn hơn, và Ice Palace, được phát hiện vào năm 2009.

Kể từ khi được phát hiện bởi công ty khai thác mỏ Industrias Peñoles, "căn phòng" dưới lòng đất đã thu hút các nhà nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới, lôi cuốn họ bằng vẻ đẹp hiếm có và bí ẩn khoa học.

Bên trong hang động pha lê khổng lồ: Đẹp là vậy nhưng tuyệt đối không được ở lại lâu, tiềm ẩn nguy hiểm chết người - Ảnh 1.

Hang động Pha lê chứa các tinh thể khổng lồ. Ảnh: Carsten Peter.

Juan Manuel García-Ruiz, nhà tinh thể học tại Đại học Granada, đã đi từ Tây Ban Nha đến Mexico để tận mắt chiêm ngưỡng những tinh thể này. García-Ruiz đã nuôi cấy tinh thể trong bình thí nghiệm từ năm 15 tuổi. Do vậy, được tiếp xúc với các tinh thể khổng lồ này là khoảnh khắc quý giá trong cuộc đời của anh.

"Lần đầu tiên bước vào, sau vài phút sững sờ đầu tiên, tôi đã phá lên cười vì quá hưng phấn", anh nói.

Tuy nhiên, điều kiện khắc nghiệt bên trong hang động là điều cản trở các nhà thám hiểm. Với độ ẩm từ 90-99%, nhiệt độ có thể lên tới 58 độ C và không có một chút ánh sáng tự nhiên nào lọt vào. 

Ngay cả không khí cũng có tính axit, có thể gây nguy hiểm cho con người. Nơi này quá ẩm ướt nên nếu nhà thám hiểm nán lại quá lâu, họ có nguy cơ bị ngưng tụ chất lỏng bên trong phổi, có thể dẫn đến tử vong.

Bên trong hang động pha lê khổng lồ: Đẹp là vậy nhưng tuyệt đối không được ở lại lâu, tiềm ẩn nguy hiểm chết người - Ảnh 2.

Tinh thể thạch cao của hang động Naica. Ảnh: Alexander Van Driessche.

Trong những năm kể từ khi phát hiện ra, các nhà nghiên cứu - bao gồm cả García-Ruiz - đã bất chấp điều kiện nóng ẩm khắc nghiệt của hang động để tìm hiểu về nguồn gốc và sự phát triển của tinh thể.

Khi đã trả lời được câu hỏi này, các nhà khoa học tiếp tục hướng tới việc học cách bảo vệ và giữ gìn các tinh thể cho các thế hệ tương lai, nếu các lực lượng làm việc trong mỏ và núi cho phép điều đó.

Lúc đầu, các nhà thám hiểm bị giới hạn thời gian ở trong hang động là 10 phút, do lo ngại về an toàn. Nhưng với những bộ quần áo làm mát được thiết kế đặc biệt, các nhóm nhà khoa học cuối cùng đã có thể kéo dài chuyến thăm của họ một chút. Những người mặc trang phục được cung cấp không khí lạnh, thoáng khí từ mặt nạ phòng độc đi kèm. Các chuyến khám phá kéo dài 15-60 phút trở nên khả thi, theo How Stuff Works.

Khách du lịch không được phép vào Hang động Pha lê, trong khi các nhà khoa học phải có giấy phép đặc biệt mới được vào hang động.

Hang động Pha lê đã được khám phá kể từ khi được phát hiện vào tháng 4/2000. Tuy nhiên, cuộc thám hiểm toàn diện đã được tiến hành vào năm 2006 bởi nhóm các nhà khoa học do Paolo Forti dẫn đầu.

Nhóm nghiên cứu mặc bộ quần áo lạnh và quần yếm trong hang động để chống lại nhiệt độ cực nóng và sử dụng mặt nạ thở Sinusit để hỗ trợ hô hấp cho họ khi ở trong hang. Nhóm khoa học, bao gồm các nhà khoáng vật học, nhà tinh thể học và nhà sinh vật học, đã xác định tuổi tối đa của các tinh thể là 500.000 năm. Nhóm nghiên cứu cũng xác định tốc độ tăng trưởng là 0,000012-000016 Newton-mét mỗi giây.

Bên trong hang động pha lê khổng lồ: Đẹp là vậy nhưng tuyệt đối không được ở lại lâu, tiềm ẩn nguy hiểm chết người - Ảnh 3.

Cận cảnh tinh thế trong hang động. Ảnh: World Atlas.

Khoảng 26 triệu năm trước, một gò magma bắt đầu di chuyển về phía bề mặt Trái đất ở khu vực Đông Nam Chihuahua và hình thành ngọn núi Naica. Magma dồn nước nóng giàu khoáng chất vào các khe hở và hang động trong các tảng đá vôi, hình thành nên một phần của ngọn núi. Chính tại khu vực này, những tinh thể khổng lồ của Naica đã được sinh ra.

Hang động chứa đầy nước giàu canxi sunfat. Canxi sunfat có thể tạo thành một số khoáng chất. Song thực tế thạch cao (CaSO4 · 2H2O), đặc biệt là một loại trong suốt, không màu được gọi là selente, đã trở thành khoáng chất chủ đạo trong hang động.

Tổng hợp

https://cafef.vn/ben-trong-hang-dong-pha-le-khong-lo-dep-la-vay-nhung-tuyet-doi-khong-duoc-o-lai-lau-tiem-an-nguy-hiem-chet-nguoi-20220702095746364.chn

Lam Phương

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên