Bên trong máy bay lớn nhất thế giới: Sang như khách sạn 5 sao, bay êm ru, view tuyệt đẹp, chỉ có tốc độ là hơi chậm
AirLander 10 sẽ được đưa vào vận hành từ năm 2025, sức chứa khoảng 100 hành khách. Nó phù hợp cho những chuyến đi ngắn với khoảng cách dưới 400 km vì tốc độ chỉ đạt tối đa 130 km/h.
- 31-05-2021Lạc quan về ngành hàng không, Airbus tăng mạnh sản lượng máy bay
- 29-05-2021Cuộc sống xa hoa của YouTuber từng kêu gọi fan đầu tư 1 USD vào Bitcoin: Có máy bay riêng, sống đời xa hoa
- 28-05-2021Tự ý mở cửa máy bay chuẩn bị cất cánh, khách bị cấm bay 9 tháng
- 27-05-2021Nhu cầu giảm mạnh, giá vé máy bay chạm “đáy”
Công ty đến từ Anh Quốc là Hybrid Air Vehicles vừa công bố những hình ảnh concept về mẫu máy bay sắp ra mắt của họ, dài 91 m, rộng 34 mét với sức chứa khoảng 100 người. Nhưng thay vì những hàng ghế xếp san sát như bạn đã quen thấy trên các mẫu máy bay thông dụng, hành khách sẽ được tận hưởng không gian rộng rãi thậm chí còn hơn cả các khoang hạng thương gia hiện tại.
Chỉ bay ở độ cao khoảng 3.000 m, ngồi bên trong chiếc Airlander 10 sẽ là trải nghiệm cực kỳ thú vị.
Công ty cho rằng phương tiện của họ khi đi vào hoạt động sẽ thách thức các loại máy bay thông thường trên một số tuyến đường ngắn nhờ vào sự thoải mái và lượng khí thải thấp hơn 90%. AirLander 10 sẽ được đưa vào hoạt động từ năm 2025.
Mike Durham, Giám đốc kỹ thuật của Hybrid Air Vehicles nói với Live Science: "Lợi ích số một là giảm lượng khí thải carbon trên hành trình của bạn. Ngoài ra, chất lượng của hành trình sẽ tốt hơn nhiều mặc dù bạn phải ở trên không lâu hơn một chút so với máy bay".
Durham nói rằng AirLander "xanh" hơn rất nhiều so với một chiếc máy bay chở khách, chủ yếu là vì nó dựa vào một quả bóng khí heli khổng lồ để đưa nó lên không trung. Ngược lại, máy bay cần tạo ra lực đẩy đáng kể để di chuyển về phía trước bằng động cơ, trước khi cánh của chúng có thể tạo lực nâng, đưa chúng lên không trung.
Khi đã ở trên không, máy bay dựa vào 4 cánh quạt ở mỗi góc của máy bay để đẩy nó theo. Ở thế hệ đầu, 2 trong số các cánh quạt này sẽ chạy bằng động cơ dầu, nhưng 2 cánh còn lại được dẫn động bằng động cơ điện, giúp giảm lượng khí thải của nó xuống thấp hơn nữa. Đến năm 2030, công ty dự kiến cung cấp phiên bản Airlander chạy hoàn toàn bằng điện.
Gọi nó là máy bay cũng đúng mà khí cầu cũng chẳng sai.
Thay vì pin thông thường, pin nhiên liệu hydro lỏng sẽ cung cấp năng lượng cho động cơ điện của Airlander. Durham cho biết hydro lỏng có thể lưu trữ nhiều năng lượng hơn trong cùng một trọng lượng so với pin tiêu chuẩn. Hydro sẽ được giữ trong các thùng làm mát đông lạnh ở thân tàu và được bơm đến các cell nhiên liệu, nơi nó phản ứng với oxy để sinh ra điện.
Tuy nhiên, thiết kế của chiếc máy bay lai khí cầu này đi kèm một vài đánh đổi. Thứ nhất, tốc độ của nó chỉ có thể đạt tối đa 130 km/h, và thường bay với tốc độ trung bình 100 km/h. Tốc độ của nó tương đương với ô tô hoặc tàu hoả hơn là máy bay chặng ngắn, vốn có tốc độ khoảng 720 km/h.
Tuy nhiên, với một vài chuyến đi ngắn với khoảng cách khoảng 160 đến 400 km, Durham tin rằng việc di chuyển từ thành phố này sang thành phố khác chỉ chậm hơn đôi chút do nó có thể hạ cánh ở những khoảng không gian rất nhỏ, thậm chí trên mặt nước.
Airlander có thể phục vụ cho 100 hành khách.
Chẳng hạn, công ty này ước tính việc đi lại giữa Seattle (Mỹ) và Vancouver (Canada) chỉ mất hơn 4 giờ nếu đi bằng Airlander, so với hơn 3 giờ bằng máy bay thông thường. Điều quan trọng là nó chỉ tạo ra 4,6 kg carbon dioxide cho mỗi hành khách trong hành trì đó, so với 53 kg đối với máy bay thông thường.
Durham tự tin rằng Airlander sẽ mang đến trải nghiệm thú vị hơn nhiều so với các phương tiện khác.
Cửa số kính từ trần đến sàn, kết hợp với độ cao bay dưới 10.000 feet (3.040 mét) có nghĩa hành khách sẽ có "view" cực kỳ ngoạn mục. Cũng bởi vì thân máy bay khổng lồ chứa đầy khí heli, ngăn cách động cơ với cabin nên có rất ít rung động và hầu như không có tiếng ồn. Máy bay cũng gần như không bị ảnh hưởng bởi nhiễu động không khí.
"Một khi đã lên bầu trời, bạn sẽ bay trong một môi trường gần như yên tĩnh hoàn toàn", Durham nói.
Tham khảo: Live Science