MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bên trong ngành công nghiệp IVF trị giá hàng tỷ USD của châu Á

14-05-2024 - 08:06 AM | Tài chính quốc tế

Suốt hành trình 11 năm theo đuổi thiên chức làm mẹ, cô Jenjira đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc - từ hy vọng đến tuyệt vọng. Khi niềm khao khát làm mẹ liên tục bị khước từ, Jenjira không bỏ cuộc. Cô đã tìm đến các phòng khám hỗ trợ sinh sản tốt nhất ở Bangkok.

Bên trong ngành công nghiệp IVF trị giá hàng tỷ USD của châu Á- Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Shutterstock

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, giờ đây, người phụ nữ 45 tuổi này chỉ còn 2 phôi đông lạnh cuối cùng trong khi ngân sách đang dần cạn kiệt. Sau 9 lần chuyển phôi thất bại, Jenjira lo sợ không còn đủ thời gian để ước mơ có một đứa con của hai vợ chồng cô trở thành hiện thực.

“Tôi đã tìm đến cả khoa học và tâm linh nhưng có lẽ số mệnh định đoạt tôi không có con. Từ sâu thẳm tâm can, tôi vẫn muốn có con. Nhưng sau mỗi lần thất bại, chúng tôi lại rất buồn, chán nản, thế giới như sụp đổ và tôi cảm thấy mình là kẻ thất bại”, cô Jenjira chia sẻ.

Cô cho biết áp lực từ gia đình chồng và người chồng luôn khao khát có người thừa kế đã khiến cô suy sụp về mặt tinh thần. Suốt những năm qua, Jenjira đã phải trải qua nhiều tháng chữa trị như tiêm hormone, dùng thuốc, tăng cân và quá trình vực lại tinh thần đầy vất cả sau những chu kỳ điều trị thất bại.

Cho đến nay, cô đã chi khoảng 5 triệu baht (khoảng 3,4 tỷ đồng) điều trị có con. Đây là tài sản lớn đối với cô nhưng chỉ là một giọt nước trong đại dương thị trường “tìm con” trị giá hàng tỷ USD ở châu Á.

Bên trong ngành công nghiệp IVF trị giá hàng tỷ USD của châu Á- Ảnh 2.

Nhân viên y tế thực hiện điều trị sinh sản tại phòng khám IVF ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP

Số lượng trẻ sơ sinh tại Châu Á - Thái Bình Dương đang nhanh chóng tụt xuống mức rất thấp khi tỷ lệ sinh giảm mạnh, khiến nhu cầu về công nghệ hỗ trợ sinh sản (ART) tăng vọt. Theo dự báo của Allied Market Research, thị trường dịch vụ sinh sản của khu vực này sẽ có giá trị ước tính khoảng 13,5 tỷ USD vào năm 2028 – gấp đôi giá trị vào năm 2020. Tiềm năng tăng trưởng bùng nổ của ngành này đã kéo theo vốn đầu tư mạo hiểm và danh sách thị trường chứng khoán tăng vọt.

Trong khi nhiều cặp vợ chồng đang trì hoãn việc sinh con tự nhiên, thì tỷ lệ vô sinh cũng đang gia tăng ở cả nam và nữ trên toàn cầu. Hàng triệu người đã lựa chọn không sinh con, trong khi các chuyên gia cảnh báo về sự suy giảm nhân khẩu học dường như không thể đảo ngược ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan.

Singapore, Malaysia, Australia và New Zealand cũng gia nhập danh sách ngày càng mở rộng các quốc gia phải đối mặt với tỷ lệ sinh giảm.

Nhưng trong thế giới AVR, nơi sống hay nơi lựa chọn làm dịch vụ hỗ trợ sinh sản, sẽ quyết định chi phí để có con.

Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), thủ tục ART phổ biến nhất, có chi phí trung bình là 10.200 USD mỗi chu kỳ tại các bệnh viện tư nhân ở Singapore, nơi có mức giá cao nhất trong khu vực. Trong khi đó, chi phí IVF ở Ấn Độ có mức giá rẻ nhất khoảng 2.700 USD cho mỗi đợt điều trị. Phụ nữ thường yêu cầu tối thiểu ba chu kỳ IVF, kèm theo nhiều loại thuốc, để hỗ trợ sản xuất trứng.

Bên trong ngành công nghiệp IVF trị giá hàng tỷ USD của châu Á- Ảnh 3.

Thủ thuật đông lạnh trứng. Ảnh: Getty Images

Tiến sĩ Colin Lee, Giám đốc điều hành của Tập đoàn IVF Alpha có trụ sở tại Malaysia, cho biết: “Chi phí thực hiện IVF tối đa hóa tỷ lệ mang thai không hề rẻ. Toàn bộ quá trình IVF khá phức tạp”.

Tại châu Á, các phòng khám IVF mọc lên khắp khu vực khi ngày càng có nhiều cặp vợ chồng sinh con muộn hơn, phản ánh những thay đổi xã hội rộng lớn xung quanh sự lựa chọn, kinh tế và thu hẹp chênh lệch giới tính.

Các chuyên gia cho biết nhu cầu về các phương pháp điều trị sinh sản có giá cả phải chăng, có chỉ dẫn rõ ràng đang ngày càng cấp thiết. Nhiều quốc gia đang kêu gọi các chính phủ tăng cường trợ cấp dành cho những phụ nữ muốn sinh con.

Ông Luk Rombauts, Giám đốc y tế của Monash IVF và giáo sư tại Đại học Monash ở Melbourne, cho biết: “Tại Australia, cứ 18 trẻ sơ sinh thì có một trẻ được sinh ra bằng phương pháp IVF, báo cáo do Đại học New South Wales công bố năm ngoái tiết lộ. Nhờ sự tài trợ của chính phủ, hầu hết các bệnh nhân mong muốn có con đều có thể tiếp cận IVF. Ngoại trừ những vùng rất xa xôi của Australia, khả năng tiếp cận IVF nói chung đều thuận lợi”.

Tương tự như vậy, theo dữ liệu mới nhất của Bộ Y tế Singapore, các chương trình hỗ trợ chi phí điều trị sinh sản của chính phủ giúp sẽ tài trợ một phần cho hàng nghìn đợt điều trị ARV mỗi năm – 10.800 ca vào năm 2021.

Bên trong ngành công nghiệp IVF trị giá hàng tỷ USD của châu Á- Ảnh 4.

Kỹ thuật viên làm việc tại một phòng khám sinh sản ở Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: AFP

Trong khi đó, Thái Lan vẫn là quốc gia dẫn đầu thị trường về du lịch y tế, với một loạt các phương pháp điều trị sinh sản nhắm vào thị trường Trung Quốc rộng lớn. Trong đó, Baidu và WeChat cung cấp đầy đủ các hướng dẫn cần thiết cùng với chi phí và xếp hạng bệnh viện.

Các diễn đàn bằng tiếng Trung mô tả Thái Lan là “thánh địa” cho các phương pháp điều trị vô sinh, với cơ sở vật chất tiên tiến nhất và chuyên môn phong phú. Các công ty có trụ sở tại Trung Quốc như Green Bridge chuyên kết nối khách hàng Trung Quốc với các dịch vụ sinh sản của Thái Lan, tự hào với hơn 5.000 ca sinh nở thành công.

Các dịch vụ bổ sung dành riêng cho thị trường Trung Quốc được kết hợp thành các gói, chẳng hạn ưu đãi trị giá 22.000 USD từ Green Bridge - bao gồm các kỳ nghỉ trọn gói tại các khách sạn 5 sao, trợ lý tận tâm và thậm chí cả một bảo mẫu chăm sóc sau sinh 25 ngày phục vụ người Trung Quốc.

Hoạt động kinh doanh này cũng đang bùng nổ trên khắp châu Á với nhiều giao dịch hơn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản. Hồi tháng 4, Tập đoàn sinh sản Jinxin niêm yết ở Hong Kong (Trung Quốc_ đã mua 30% cổ phần của Morula, nhà cung cấp IVF lớn nhất Indonesia, tiếp thêm động lực cho nền kinh tế sinh sản đang phát triển của khu vực.

Bên trong ngành công nghiệp IVF trị giá hàng tỷ USD của châu Á- Ảnh 5.

Bà mẹ trẻ cho con ăn trong công viên. Ảnh: Shutterstock

Công nghệ IVF đã xuất hiện từ hơn 4 thập kỷ trước, khi “em bé ống nghiệm” đầu tiên trên thế giới - Louise Brown - được sinh thành công tại Bệnh viện Đa khoa Oldham ở Anh vào lúc nửa đêm ngày 25/7/1978. Kể từ đó, ước tính có khoảng 12 triệu trẻ sơ sinh đã được sinh ra bằng phương pháp điều trị sinh sản này. Em bé IVF đầu tiên của châu Á là Samuel Lee, người Singapore, sinh năm 1983, nhờ công trình tiên phong của Giáo sư Shan Ratnam.

Bước đột phá này đã mang lại hy vọng cho các cặp vợ chồng hiếm muộn trên khắp châu Á, đồng thời tạo ra ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ USD, mang lại điều kỳ diệu về cuộc sống cho những người sắp làm cha mẹ.

Điều trị sinh sản liên quan đến việc sử dụng thuốc tiêm hormone để kích thích buồng trứng sản xuất nhiều trứng. Sau đó lấy trứng thụ tinh với tinh trùng bên ngoài cơ thể. Sau khi thụ tinh, phôi thu được sẽ được theo dõi và nuôi dưỡng trong vài ngày trước khi được cấy vào tử cung, giúp tăng cơ hội mang thai thành công.

Theo chuyên gia, độ tuổi cũng là yếu tố quyết định tỷ lệ thành công của IVF. Đối với phụ nữ dưới 35 tuổi, có khoảng 30 - 35% ca IVF thành công, tỷ lệ này giảm xuống mức thấp nhất là 7-10% đối với phụ nữ trên 40 tuổi.

Ngoài vai trò của tuổi tác, phụ nữ cũng cần chuẩn bị tâm lý sẵn sàng trong quá trình thực hiện các phương pháp hỗ trợ sinh sản để có kết quả tốt.

Theo Hải Vân

Báo Tin Tức

Từ Khóa:
Trở lên trên