MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bệnh loét dạ dày ngày một tăng, có khi cả gia đình cùng mắc: Chuyên gia chỉ 5 nguyên nhân

13-11-2018 - 10:23 AM | Sống

Viêm loét dạ dày mãn tính tại Việt Nam đang tăng trong những năm gần đây. Bệnh gặp ở bất cứ ai, lứa tuổi mắc nhiều từ 40 - 49 tuổi.

Cả nhà cùng điều trị viêm dạ dày

Theo GS.Hoàng Công Đắc, Chuyên gia hàng đầu về tiêu hóa (Bệnh viện Thanh Nhàn), Nguyên Giám đốc Bệnh viện E viêm dạ dày mãn tính là bệnh khá phổ biến trong cộng đồng. Việc cả gia đình cùng phải đi điều trị viêm loét dạ dày mãn tính không phải là chuyện hiếm.

GS. Đắc đã từng điều trị cho trường hợp gia đình có 6 người thì tới 5 người cùng bị viêm loét dạ dày mãn tính. Khi xét nghiệm HP cho 5 bệnh nhân, chỉ có 2 bệnh nhân dương tính.

Qua điều tra bệnh sử GS nhận thấy nguyên nhân gây ra đau dạ dày của gia đình này chủ yếu là do thói quen ăn uống và sinh hoạt. Cả gia đình thường ăn đồ muối chua và có thói quen thức khuya, căng thẳng trong công việc và học tập.

Viêm loét dạ dày là do sự phá huỷ làm mất lớp niêm mạc dạ dày, có thể lan xuống lớp dưới niêm mạc, lớp cơ thậm chí đến lớp thanh mạc và có thể gây thủng (viêm loét).

5 thủ phạm khiến viêm loét dạ dày "lây lan" nhanh

Theo nhận định của GS. Đắc bệnh viêm loét dạ dày hiện nay đang ngày một tăng nguyên nhân phần lớn đến từ thói quen sinh hoạt, lối sống nhanh và gấp.

Stress tăng nguy cơ bị viêm loét

Áp lực công việc dẫn tới những sự căng thẳng về thần kinh khiến cho con người mất ngủ, ăn uống kém… Căng tâm lý gây ra rối loạn tiết dịch dạ dày.

Bệnh loét dạ dày ngày một tăng, có khi cả gia đình cùng mắc: Chuyên gia chỉ 5 nguyên nhân - Ảnh 1.

Theo GS.Đắc stress là một trong những nguyên nhân khiế cho bệnh bị viêm loét dạ dày tăng.

Đặc biệt vớ người có thói quen làm việc thức khuya thường xuyên nguy cơ bị viêm loét dạ dày cao. Vì ban đêm là thời điểm dạ dày tiết dịch axit mạnh nên bệnh nhân đau dạ dày hay bị đau về đêm.

"Người đã có bệnh lý bị đau dạ dày thì tuyệt đối không thức khuya để bệnh không tiến triển nặng", GS. Đắc nói.

Cảnh giác với vi khuẩn HP

GS.Đắc cho biết gần như ai cũng có vi khuẩn HP. Đây là loại vi khuẩn sống và sinh sôi trong lớp chất nhầy bao phủ niêm mạc dạ dày. Bình thường thì HP không gây bệnh, nhưng khi lớp nhầy bao phủ niêm mạc bị phá vỡ nó có thể gây viêm và dẫn đến loét dạ dày.

Vi khuẩn HP có thể lây từ người sang người qua tiếp xúc (nước bọt, cao răng), lây qua ăn uống khi dùng chung bắt, đĩa, cốc, thìa…

Thường xuyên ăn đồ muối chua

Ở các nước phát triển số lượng người bị bệnh viêm loét dạ dày cao có liên quan tới chế độ ăn thực phẩm muối như: thịt muối, cá muối, thịt hun khói…

Còn ở Việt Nam số lượng bệnh nhân viêm loét dạ dày mãn tính tăng nhanh có liên quan trực tiếp tới thói quen ăn mặn. Ăn mặn khiến cho lớp niêm mạc dạ dày dễ bị tổn thương. Đây là điều kiện rất thuận lợi để cho vi khuẩn HP phát triển và bệnh.

Sử dụng thuốc giảm đau bừa bãi

Thói quen dùng thuốc giảm đau không theo chỉ định của bác sĩ dễ gây ra viêm loét dạ dày mà ít người ngờ tới. Các loại thuốc giảm đau aspirin, ibuprofen gây kích thích niêm mạc đường tiêu hóa và viêm loét.

Cần phải uống thuốc giảm đau theo khuyến cáo của bác sĩ. Khi uống thuốc thì cần phải ăn no trước khi uống.

Uống thuốc, rượu bia

GS. Đắc khuyến cáo thói quen hút thuốc, rượu bia gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng tới dạ dày.

Hút thuốc có thể là tăng loét dạ dày ở người có vi khuẩn HP. Uống rượu gây ra kích thích làm tăng sản sinh axit dạ dày và làm bào mòn lớp chất nhầy bao phủ niêm mạc dạ dày.

Để viêm dạ dày mãn tính không "lây lan"

Đối với người đã bị viêm dạ dày mãn tính cần phải điều trị tích cực, theo dõi thường xuyên để kiểm soát bệnh. Tránh stresss, thức khuya, ăn uống đảm bảo vệ sinh. Kiêng thực phẩm gây biến đổi gen thuận lợi cho ung thư phát triển.

Với người chưa bị mắc cần phòng bệnh bằng chế độ ăn đảm bảo có rau xanh. Hạn chế những tác nhân đã nêu ở trên để tránh nguy cơ mắc viêm loét dạ dày. Duy trì thói quen sinh hoạt khoa học, thường xuyên thể dục thể thao để tăng cường sức khỏe cho cơ thể.

Theo Ngọc Minh

Trí thức trẻ

Trở lên trên