Bệnh nhân ung thư cần tóc hiến tặng, vì khát vọng được sống "như một người bình thường"
"Cái răng cái tóc là góc con người" - câu nói này đúng với tất cả mọi người, và đặc biệt càng trở nên trân quý hơn với những "chiến binh K" đang từng ngày từng giờ đối diện với căn bệnh quái ác.
- 13-06-2024Người có tính cách này dự báo khả năng sống thọ cao, yên tâm sức khoẻ tốt: Nếu bạn có thì xin chúc mừng
- 10-06-2024Nghiên cứu 700.000 người phát hiện những thói quen giúp tăng thêm 24 năm tuổi thọ: Sau 40 tuổi nếu bạn duy trì được thì xin chúc mừng
- 10-06-20241 dự án khởi nghiệp liên quan đến sâm Ngọc Linh của nhóm sinh viên gen Z khiến doanh nghiệp phải xuống tiền đầu tư có gì đặc biệt?
"Mọi người nhìn chằm chằm vào mình như sinh vật lạ"
Không ít người cho rằng, khi một bệnh nhân mắc phải căn bệnh ung thư quái ác họ sẽ chẳng còn tâm trí nghĩ tới ngoại hình, dáng vẻ bên ngoài bởi những nỗi lo về bệnh tật, về quá trình điều trị gian nan hay số tiền khổng lồ... sẽ che lấp tất cả.
Vậy nhưng, mái tóc giả, thứ tưởng chừng chỉ có thể thay đổi vẻ ngoài lại khiến những người đang vùng vẫy giữa đớn đau do bệnh tật mang lại có thêm niềm tin tiếp tục chiến đấu.
Đã không còn mái tóc dài vốn có sau nhiều lần điều trị hóa chất, chị Nông Thị Trinh (27 tuổi, đến từ Hà Giang) khi được trao tặng mái tóc giả vào đúng dịp Quốc tế phụ nữ năm 2023 tại Viện huyết học và Truyền máu Trung Ương (Hà Nội) từ những nhà hảo tâm đã không khỏi nghẹn ngào. Nghẹn ngào bởi từ nay sẽ chẳng còn ai nhìn chằm chằm và coi chị như một "sinh vật lạ".
Chị Nông Thị Trinh
"Mình phát hiện ra căn bệnh này từ tháng 10 năm 2022. Từ khi xạ trị điều trị bệnh, tóc rụng dần, đến không còn cọng tóc nào. Mỗi lần đi ra đường đều rất tự ti, mọi người nhìn chằm chằm vào mình "như sinh vật lạ". Mình từng đã khóc rất nhiều, đến mức rơi vào trầm cảm hơn 1 tháng.
Hôm nay, nhận được mái tóc này thực sự mình rất vui, xúc động lắm. Cảm ơn mọi người đã chia sẻ mái tóc của mình cho những bệnh nhân ung thư như chúng mình" - chị Trinh chia sẻ.
Cũng là người được nhận tóc từ chương trình Cắt tóc miễn phí và trao tặng tóc cho bệnh nhân ung thư, chị Nông Thị Linh (26 tuổi, đến từ Bắc Kạn) mỉm cười hạnh phúc.
"Mình bị bệnh ung thư máu, mới phát hiện cách đây 2 tuần và tới đây điều trị luôn. Trước đó khi biết phải cạo đầu để điều trị bệnh, mình cảm thấy rất tự ti và mặc cảm, không muốn ra ngoài. Bây giờ có mái tóc, mình có thể tự tin khi ra đường rồi.
Một mái tóc giả cũng không rẻ, người bệnh chúng mình mong muốn lắm cũng không có tiền mua được."
BSCKII Hoàng Thị Lan Hương - PGĐ Bệnh viện TW Huế cũng chia sẻ trong một chương trình trao tặng tóc cho các bệnh nhân điều trị ung thư, mỗi bộ tóc trao đi đều mang theo nhưng câu chuyện thật đẹp của riêng mình và từ nay, những bộ tóc đó cùng mang chung một ý nghĩa lớn lao hy vọng giúp các nữ bệnh nhân tự tin hơn với vẻ ngoài của mình, thắp lên ngọn lửa lạc quan trên con đường chiến đấu với bệnh tật.
BSCKII Hoàng Thị Lan Hương - PGĐ BV Trung ương Huế đội tóc cho bệnh nhân
Ngay cả trong cơn khốn khó của căn bệnh quái ác, con người ta vẫn luôn hướng về cái đẹp. Và phải chăng, cũng chính cái đẹp ấy có thể giúp những "chiến binh K" này bước qua quãng thời gian không ngừng giành giật lấy từng phần của sự sống ấy một cách nhẹ nhàng hơn.
"Tại sao bạn này lại không có tóc?"
Người lớn đã vậy, với các em nhỏ, sự khác biệt hay đơn thuần chỉ là một câu hỏi ngây ngô của bạn bè đồng trang lứa cũng có thể trở thành nỗi tự ti ám ảnh các em, không chỉ một ngày, một tháng mà còn có thể là "bóng đen" theo các em cả một đời.
Chia sẻ trên báo Sức khoẻ và đời sống, ThS. Lý Thị Hảo - Trưởng phòng Công tác xã hội, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương không khỏi xót xa khi nhắc đến những bệnh nhi K:
"Các em tuy còn bé nhưng đều có những mong muốn rất rõ ràng, có nhận thức tốt về ngoại hình. Các em cũng mong muốn được xinh đẹp, được hòa nhập vào cuộc sống. Sau những ngày điều trị trong bệnh viện, các em mong được trở lại trường học. Khi các bạn cùng lớp thắc mắc "Tại sao bạn này lại không có tóc?", đó cũng là điều khiến các em cảm thấy tự ti.
Vì vậy, các em mong muốn có một bộ tóc để có khuôn mặt đẹp hơn, giống như khi mình có tóc. Chúng tôi tin chắc rằng với sự chung tay của mọi người, đây (những mái tóc giả) sẽ là món quà giản dị mà ý nghĩa để mang lại nụ cười cho các em bé, cho các em có chất lượng sống như những em bé bình thường".
Một bệnh nhi hạnh phúc khi được nhận mái tóc mới (Ảnh: Viện huyết học và truyền máu Trung ương)
Chị Hoàng Thị Đạt (Yên Bái) là mẹ của bệnh nhi đang điều trị tại Khoa Bệnh máu trẻ em, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương. Cậu con trai 5 tuổi của chị Đạt mới phát hiện bệnh ung thư máu một tuần nay, chị còn chưa hết bàng hoàng với tin dữ. Mắt chị đỏ hoe khi nhắc đến căn bệnh mà con và các bạn đang phải chịu đựng. Giữa nỗi đau ấy, chị lại càng đồng cảm khi nhìn thấy các em bé rụt rè với mái đầu trọc.
"Khi đưa con vào phòng điều trị, tôi thấy các bạn nhỏ, nhất là các bé gái, sau quá trình trình điều trị hóa chất đều bị rụng tóc và phải cắt đi. Có một số bạn thiếu tự tin và không muốn cắt đi mái tóc của mình. Tôi nghĩ mình nên hiến tóc để giúp các con phần nào có thêm niềm tin và nghị lực chiến đấu với căn bệnh quái ác này", chị Đạt tin chắc như vậy.
Một mái tóc, với người bình thường thì nó là thứ hiện diện mỗi ngày. Vậy nhưng với những bệnh nhân ung thư, nó là niềm tin và động lực để họ vượt qua tất cả, trở lại một cuộc sống như bao người.
Các tiêu chuẩn hiến tóc
Theo thông tin từ Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV) - tổ chức Thành viên của Hiệp hội Phòng chống Ung thư Quốc tế (Union of Cancer Control – UICC), trước khi đi cắt tóc, tình nguyện viên nên gội đầu thật sạch và sấy khô tóc trước khi cắt để bảo quản tốt hơn (khuyến kích gội đầu bằng các hương liệu tự nhiên). Đối với tóc layer, nên chia và buộc lại thành từng lọn tóc theo chiều dài trước khi cắt, cạo.
Tham gia hiến tóc cho BCNV đồng nghĩa với việc bạn đồng ý trao toàn quyền sử dụng tóc của mình cho tổ chức. Dưới đây là một số tiêu chí cụ thể để hiến tóc của BCNV
Tóc phù hợp để hiến
- Tóc tự nhiên có chiều dài từ 25cm trở lên;
- Tất cả các loại tóc đã qua xử lý với hóa chất (uốn, nhuộm, duỗi, v.v.) có chiều dài từ 35cm trở lên;
- Với tóc xoăn: không cần duỗi thẳng lại, chỉ cần dùng tay kéo thẳng để đo đủ độ dài tiêu chuẩn;
- Tóc đã được cắt và lưu giữ không quá 2 năm kể từ ngày cắt có thể hiến tặng, nhưng phải được bó (buộc, cột) thành bộ và đáp ứng đầy đủ các điều kiện trên;
- Đặc biệt, khuyến khích quyên tặng tóc là tóc bạc, tóc muối tiêu. Chiều dài tóc được tính từ bên dưới dây thun đến đoạn tóc đều và nhiều nhất ở ngọn.
Tóc không phù hợp
- Tóc ngắn hơn độ dài tiêu chuẩn quy định ở trên;
- Tóc không được buộc, tết, cột chặt lại bằng dây thun, tuột mối cột thun.
- Tóc không phù hợp vẫn có thể hiến tặng. BCNV sẽ bán số tóc này để góp thêm vào chi phí gia công các bộ tóc.
Tóc từ chối nhận
- Tóc gom nhặt từ các sợi rơi, rụng dưới sàn nhà; bện rối.
- Tóc giả, tóc nối, tóc mái;
- Tóc ướt, tóc hư hỏng, ẩm mốc. Với những loại tóc này, văn phòng BCNV sẽ không nhận hoặc tiêu hủy.
Đồng thời, BCNV khuyến nghị nên buộc tóc bằng dây thun vàng (hoặc các loại thun bằng chất liệu tương tự). Không sử dụng dây thun buộc tóc như dây thun đen, vì loại thun này dễ bị đứt và chảy trong thời tiết nóng bức.
Những địa chỉ nhận tóc hiến
1. Với Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV)
Địa chỉ: 122/11 Phổ Quang, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM
Điện thoại: 0961 924 300
Thời gian làm việc: 10h -12h; 13h30 – 17h ( Thứ 2 đến thứ 6)
2. Với Mạng lưới Vì trẻ em ung thư
- Gửi trực tiếp tại viện Huyết học và truyền máu Trung ương:
Địa điểm: Quầy đón tiếp phòng Công tác xã hội, sảnh tầng 1 nhà H
Thời gian: Giờ hành chính từ thứ 2 – thứ 6
Nhận Giấy chứng nhận hiến tóc trực tiếp
- Gửi trực tiếp tại văn phòng Trạm tóc ước mơ:
Địa điểm: 119 Trần Đăng Ninh – Dịch Vọng – Cầu Giấy – Hà Nội
Thời gian: 9h-11h30 & 14h-17h30 vào thứ 7 hàng tuần
Nhận Giấy chứng nhận hiến tóc trực tiếp
- Gửi gián tiếp qua bưu điện hoặc chuyển phát:
Địa chỉ nhận:
Chương trình Trạm tóc ước mơ
119 Trần Đăng Ninh – Dịch Vọng – Cầu Giấy – Hà Nội
SĐT: 0978507887
Đời sống pháp luật