MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bệnh viện Bạch Mai gỡ nỗi “khổ viện” cho người bệnh

07-06-2020 - 07:55 AM | Xã hội

Bệnh viện Bạch Mai tiến tới không còn nằm ghép, xóa bỏ nhiều dịch vụ, thì người bệnh và nhân viên y tế được hưởng lợi gì?

Nếu như trước đây Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai thường xuyên trong tình trạng quá tải với khoảng 170-200 bệnh nhân nội trú thì nay chỉ còn hơn 70 bệnh nhân. Người nhà bệnh nhân không được vào phòng bệnh dù bệnh nặng hay nhẹ, bác sỹ điều trị sẽ chủ động liên hệ khi cần trao đổi. Đặc biệt, tại đây không còn cảnh người bệnh nằm ghép và tất cả mọi sinh hoạt của bệnh nhân đều được các nhân viên y tế chăm sóc. Bệnh nhân Nguyễn Thị Phương đang điều trị tại đây cho biết, họ không còn phải chịu cảnh “khổ viện” nữa mà thay vào đó là cảm giác hài lòng.

Bệnh viện Bạch Mai gỡ nỗi “khổ viện” cho người bệnh - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

 "Tôi đi lại được nên không cần người nhà, bác sỹ chăm sóc nhiệt tình, có người mang cơm đến tận nơi, thuốc đến tận giường"- chị Lan nói."Tôi rất ngạc nhiên, trước đây tại bệnh viện rất đông, áp lực, nhưng bây giờ đã khác, mỗi người một giường và được chăm sóc tận tình. Tôi cảm thấy rất yên tâm"- chị Phương chia sẻ.

Chị Đinh Thị Lan, một bệnh nhân đang điều trị tại đây cũng chia sẻ, bệnh viện bây giờ sạch sẽ hơn, có điều hòa.

Các bác sỹ cũng cho biết, việc không có người nhà bệnh nhân tại các phòng bệnh góp phần giảm lây nhiễm chéo và nhiễm trùng trong bệnh viện. Bệnh viện cũng không tiếp nhận các trường hợp tuyến dưới có thể điều trị. Tuy nhiên, khi triển khai chăm sóc toàn diện người bệnh, công việc của các nhân viên y tế cần phải chu đáo, tỉ mỉ, thậm chí áp lực hơn trước.

"Về thu nhập, chúng tôi không lo lắng mà điều băn khoăn nhất là làm sao chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân. Đối với bệnh nặng tuyến dưới không điều trị được hoặc thiếu nhân lực thiết bị, những bệnh nhân đó sẽ được điều trị tại Bạch Mai. Mục tiêu cao nhất là làm thế nào tốt nhất cho bệnh nhân"- BS Đặng Trung Hiếu, Khoa Tiêu hóa cho biết.

Chị Nguyễn Vân Khánh, Điều dưỡng trưởng Khoa Tiêu hóa tất bật ra vào các phòng bệnh để đảm bảo người bệnh nào cũng được chăm sóc trong thời gian nằm viện. Đây là chủ trương mới được thực hiện, khi triển khai còn vấp phải một số khó khăn như thói quen của người Việt muốn có sự chia sẻ với người thân, thói quen hành nghề của nhân viên y tế từ trước chỉ là truyền thuốc đúng, đủ cho người bệnh… Song hiện tại, với số lượng bệnh nhân ổn định, việc chăm sóc người bệnh từ bữa ăn, giấc ngủ đã đi vào nề nếp. Theo chị Nguyễn Vân Khánh, những thay đổi này không ảnh hưởng nhiều đến thu nhập của nhân viên y tế.

Xóa bỏ các đơn vị dịch vụ, chăm sóc toàn diện người bệnh, xóa bỏ 20 -30% để số lượng giường dịch vụ về mức quy định, tiến tới không còn giường dịch vụ… Đây là những thay đổi mạnh mẽ mà Bệnh viện Bạch Mai đang thực hiện từ một tháng trở lại đây. Bác sỹ Triệu Văn Trường, Khoa Ngoại cho rằng, những thay đổi này đã khiến môi trường bệnh viện tốt hơn, ngăn nắp, gọn gàng hơn rất nhiều. Hơn nữa, việc điều trị chuyên sâu tạo cơ hội cho các bác sỹ phát triển kỹ thuật, từ đó đào tạo cho tuyến dưới cũng tốt hơn.

Bệnh viện Bạch Mai gỡ nỗi “khổ viện” cho người bệnh - Ảnh 2.

Các bác sĩ của Khoa Chấn thương chỉnh hình, BV Bạch Mai đang thực hiện ca phẫu thuật cắt thùy phổi nội soi một đường rạch. (Ảnh minh họa)


"Thay đổi này của bệnh viện là đi đúng hướng, giúp bệnh viện trở lên sạch sẽ hơn, văn minh hơn, tuy nhiên áp lực nhân viên y tế cao hơn, nhưng sẽ góp phần cải thiện tốt chất lượng chăm sóc điều trị cho bệnh viện. Bệnh viện lấy mục tiêu chất lượng điều trị cho người bệnh là chính nên áp lực sẽ tăng lên nhưng tôi tin sẽ thực hiện được"- BS Triệu Văn Trường cho biết.

Để có được một Bệnh viện Bạch Mai gọn gàng, văn minh, giảm quá tải như thời điểm này là cả nỗ lực lớn của tập thể Bệnh viện. Theo GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện, việc giải thể các đơn vị dịch vụ cần có sự đồng thuận của cán bộ nhân viên toàn bệnh viện, vì các dịch vụ này là nguồn thu,  tức là những khoản ngoài lương của nhân viên bệnh viện. Khi các dịch vụ bị xóa đồng nghĩa với thu nhập ngoài lương của bệnh viện sẽ giảm. Các giải pháp tài chính sẽ phải tính tới để cân đối thu nhập cho nhân viên y tế.

"Chúng tôi vừa rồi đã giải thể một số đơn vị, sáp nhập và điều chỉnh lại một số khoa phòng để người đúng việc. Đây chính là điều kiện quan trọng để chúng tôi giảm chi phí thường xuyên, tiết kiệm được chi phí không cần thiết như điện, nước, văn phòng phẩm... Bên cạnh đó, chính là sự hài lòng của người bệnh. Trước đây người bệnh phải trả rất nhiều khoản tiền như dịch vụ nước sôi, vận chuyển xe điện..., nay những dịch vụ này miễn phí. Nhà tang lễ là nơi có nguồn thu nhưng gây ồn ào, tạo tâm lý tiêu cực cho bệnh nhân. Tới đây, chúng tôi cần có những giải pháp tài chính, xây dựng các trung tâm quốc tế phục vụ cho người thu nhập cao, người nước ngoài và lấy nguồn thu từ đó bù đắp lại cho người nghèo, người có thu nhập trung bình, người có bảo hiểm y tế"- GS.TS Nguyễn Quang Tuấn cho biết.

Theo các chuyên gia, khi tiến hành tự chủ tài chính toàn diện, các bệnh viện cũng sẽ phải đối mặt với một thách thức lớn khi giá dịch vụ y tế không được tăng mà vẫn phải tạo ra lợi nhuận để cải cách tiền lương, tăng cường kỹ thuật cao, giữ chân bác sỹ giỏi. Song, với bệnh viện Bạch Mai, việc xóa bỏ các đơn vị dịch vụ, xóa nằm ghép, tiến tới xóa giường dịch vụ đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo cộng đồng. Bởi xét đến cùng, dù có ở hoàn cảnh nào, mục tiêu của các cơ sở y tế vẫn là tìm ra các biện pháp để chăm sóc, điều trị tốt nhất cho người bệnh./.

Theo Thúy Ngà

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên