MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên chốt đổi tên để "tiến công" ra các thành phố lớn, nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên 70%

28-06-2024 - 20:41 PM | Doanh nghiệp

Ông Hoàng Tuyên - Chủ tịch HĐQT cho biết - đến năm 2030, TNH dự định có chuỗi 10 bệnh viện phủ rộng toàn quốc gồm bệnh viện đa khoa và chuyên khoa như ung bướu, phụ sản, mắt, chuyên khoa đột quỵ.

Sáng 28/6, CTCP Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (mã chứng khoán TNH) đã tổ chức ĐHCĐ thường niên 2024. Các cổ đông đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024 với doanh thu thuần 540 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 155 tỷ đồng, lần lượt tăng 14,8% và 3,3% so với thực hiện năm 2023. Công ty sẽ trả cổ tức bằng cổ phiếu năm 2023 với tỷ lệ 15%.

Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên chốt đổi tên để

Cổ đông cũng thông qua phương án đổi tên từ CTCP Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên thành CTCP Tập đoàn Bệnh viện TNH và nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài của công ty từ 49% lên 70%.

HĐQT công ty cho rằng, việc tăng tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài mang lại cơ hội tốt để cổ phiếu TNH tăng tính thanh khoản trong giao dịch, tăng cường khả năng huy động vốn, mở rộng quy mô hoạt động của công ty và thay đổi cơ cấu cổ đông theo hướng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn.

2 thành viên mới được bầu cử vào HĐQT nhiệm kỳ này bao gồm bà Nguyễn Thị Thùy Giang và ông Ngô Minh Trường. Trong đó, bà Giang là cựu Phó Giám đốc – Phân tích cổ phiếu của SSI, được đề cử bởi KWE Beteiligungen AG – quỹ ngoại nắm 10,51% vốn TNH. Trong khi đó, thành viên HĐQT cũ là ông Nguyễn Xuân Đôn đã từ nhiệm.

TNH hiện có 2 cơ sở khám chữa bệnh đã đi vào hoạt động gồm: Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên, Bệnh viện đa khoa Yên Bình (Thái Nguyên), còn Bệnh viện TNH Việt Yên (Bắc Giang) đang chờ Bộ Y tế cấp phép.

Bên cạnh đó, công ty này đang triển khai đầu tư dự án Bệnh viện TNH Lạng Sơn với quy mô dự kiến 10 tầng, gồm 300 giường bệnh, được thiết kế theo mô hình bệnh viện đa khoa.

Ngoài ra, trong năm 2023, TNH đã góp vốn thành lập pháp nhân liên kết là CTCP Bệnh viện TNH Hà Nội để thực hiện đầu tư dự án tại Khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra) Hà Nội, quy mô khoảng 500 giường bệnh.

Trả lời về tầm nhìn chiến lược dài hạn 10 năm, ông Hoàng Tuyên - Chủ tịch HĐQT cho biết - đến năm 2030, TNH dự định có chuỗi 10 bệnh viện phủ rộng toàn quốc gồm bệnh viện đa khoa và chuyên khoa như ung bướu, phụ sản, mắt, chuyên khoa đột quỵ. Tại Hà Nội, TNH không nghĩ đến việc cạnh tranh trực tiếp với các bệnh viện Hồng Ngọc, Thu Cúc, Phương Đông… vì thị trường đang ở tình trạng quá tải.

“Một lợi thế lớn của TNH là có các bệnh viện vệ tinh. Khi TNH Hà Nội đi vào hoạt động thì TNH đã có 5 bệnh viện vệ tinh ở các tỉnh lân cận. Bệnh viện tại Hà Nội và Tp.HCM, Đà Nẵng sau này sẽ là bệnh viện tuyến cuối để các cơ sở xa trung tâm và đó sẽ là nơi đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các cơ sở khác của TNH” – Ông Hoàng Tuyên cho biết.

Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên chốt đổi tên để

Ông Hoàng Tuyên, Chủ tịch HĐQT TNH

Ông Lê Xuân Tân - Tổng giám đốc chia sẻ về một lợi thế khác, khi TNH là một trong số ít các bệnh viện được cấp giấy phép khám sức khỏe bệnh nghề nghiệp. Điều kiện để được cấp loại giấy phép này rất khó, khi việc đầu tiên là phải đáp ứng tiêu chuẩn về đầu tư trang thiết bị để chẩn đoán bệnh nghề nghiệp. Các thiết bị này khó mua, đắt tiền, trong khi loại bệnh này trước đây không được quan tâm đúng mức nên chỉ những người đã mắc bệnh mới đi khám khiến cho không nhiều bệnh viện đầu tư trang thiết bị.

Theo ông Tân, gần đây sự quan tâm của các Doanh nghiệp với loại bệnh này tăng lên rất nhiều, bên cạnh quy định của các Khu công nghiệp, doanh nghiệp có lao động liên quan đến việc độc hại đều phải đi khám bệnh nghề nghiệp. Tuy nhiên, các bệnh viện chưa kịp mua sắm thiết bị cũng như chưa chuẩn bị nguồn nhân lực có thể thực hiện do sự hạn chế về đào tạo.

“May mắn chúng tôi đã định hướng triển khai việc này khi nhìn thấy xu hướng. Chúng tôi đã triển khai được các hợp đồng khám sức khỏe bệnh nghề nghiệp với các DN không chỉ trên địa bàn Thái Nguyên mà còn ở các tỉnh khác như Bắc Giang”.

Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên chốt đổi tên để

Ông Lê Xuân Tân - Tổng giám đốc TNH

Trả lời về việc mở thêm lĩnh vực tiêm chủng, ông Tân cho biết nhu cầu tiêm vắc xin ngoài chương trình tiêm chủng mở rộng đã tăng lên rất cao sau Covid, ví dụ như phòng cúm, viêm não mô cầu. Bệnh viện TNH có tay nghề cao trong việc tiêm và đặc biệt là cấp cứu tai biến khi tiêm. Nhiều cơ sở tiêm chủng đã ký với TNH về việc hỗ trợ chuyên môn.

“Cho nên nhu cầu tiêm chủng tại bệnh viện rất lớn, trước mắt là Việt Yên – khu đông đảo lực lượng người lao động làm việc tại các KCN. Chúng tôi không ngại chuyện cạnh tranh, vì bộ phận tiêm chủng mở trong bệnh viện không khó khăn như mở một trung tâm tiêm chủng riêng biệt” – Ông Tân cho biết.

Bên cạnh đó, lãnh đạo của TNH chia sẻ về việc tối ưu doanh thu sau khi các bệnh viện đã chạy hết công suất, bằng cách trang thiết bị hiện đại, đào tạo cán bộ chuyên sâu để cung cấp các dịch vụ cao chuyên sâu và kỹ thuật mới để thu hút khách hàng cao cấp và tăng thu.

Đơn cử, Bệnh viện Yên Bình Thái Nguyên có lợi thế nằm gần khu công nghiệp Yên Bình, nơi tập trung đông công nhân mà chủ yếu là của Samsung. Tuy nhiên, do công nhân được Samsung tổ chức đưa đón về nơi cư trú tại nhiều tỉnh nên số lượng người ở lại KCN rất ít.

Bệnh viện vẫn hoạt động rất hiệu quả. Năm 2023, khu vực này có 3 bệnh viện, gồm BV Yên Bình (quy mô 150 giường), BV 91 (quy mô 140 giường), BV Phổ Yên (160 giường) tổng số 550 giường. Số lượng khám của BV Yên Bình là 115.165 lượt, BV 91 là 35.163, BV Phổ yến là 66.063. Như vậy, riêng BV Yên Bình có lượt khám chữa bệnh lớn hơn cả 2 BV khác cộng lại.

“Công suất rất cao nhưng chúng tôi theo dõi mấy năm trở lại đây thì mức tăng trưởng hàng năm chỉ có 5%, vì chỉ có từng đó người thôi. Do đó phải phát triển về mặt chất lượng, cung cấp các dịch vụ kỹ thuật cao thì doanh thu mới có thể tăng cao hơn” – TGĐ TNH nhấn mạnh.

Lan Hạ

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên