“Bêu tên” 10 bộ và cơ quan giải ngân vốn đầu tư công chưa được 10%
Đến nay, vẫn có đơn vị chưa giải ngân đồng vốn đầu tư công nào như: Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam, Hội Nhạc sỹ Việt Nam; Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN.
- 05-08-2020Làm bài bản, đón sóng đầu tư vào khu công nghiệp
- 04-08-2020Giải ngân vốn đầu tư công đang có chuyển biến tích cực
- 03-08-2020Kiến nghị Chính phủ sớm điều chuyển vốn đầu tư công
Bộ Tài chính vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước (NSNN), cho biết tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng và ước 7 tháng đã có sự chuyển biến tích cực so với các tháng đầu năm. Tuy nhiên, vẫn còn một số bộ, cơ quan ngang bộ giải ngân chậm...
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến ngày 31/7, cả nước đã giải ngân hơn 216.538 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 35,6% kế hoạch. Trong đó, giải ngân vốn trong nước đạt 37,4% kế hoạch, vốn nước ngoài đạt 19,5% kế hoạch, vốn chương trình mục tiêu quốc gia đạt 39,8% kế hoạch.
Đến ngày 31/7, cả nước đã giải ngân hơn 216.538 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 35,6% kế hoạch (Ảnh minh họa: KT)
Một số đơn vị có tỷ lệ giải ngân cao là Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (100%), Ngân hàng Chính sách xã hội (99,45%), Hội Nhà văn Việt Nam (93,59%)... Tuy nhiên, vẫn còn 10 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 10%, đáng chú ý có đơn vị chưa giải ngân đồng vốn nào, như: Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam, Hội Nhạc sỹ Việt Nam; Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Bộ Tài chính cho biết, có 12 bộ, cơ quan trung ương và 38 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 35%, trong đó có 6 bộ, cơ quan trung ương và 8 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 55% và có 24 bộ, cơ quan trung ương và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 25%.
Nguyên nhân giải ngân chậm được Bộ Tài chính chỉ ra là do chưa có hướng dẫn về quy trình, thủ tục cập nhật giá gói thầu; thẩm quyền quyết định sử dụng chi phí dự phòng của giá gói thầu khi cập nhật giá gói thầu… dẫn đến công tác chuẩn bị đầu tư, điều chỉnh dự án và cập nhật giá gói thầu để tổ chức lựa chọn nhà thầu của các dự án bị triển khai chậm
Bên cạnh đó, chính sách về giải phóng mặt bằng, tái định cư vẫn còn có vướng mắc dẫn đến tình trạng khiếu kiện ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng triển khai dự án. Năng lực nhà của một số nhà thầu hạn chế…
Còn giải ngân vốn vay nước ngoài cũng chậm là do Nghị định 56/2020/NĐ-CP về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài, hiệu lực thi hành từ 25/5/2020 có nhiều quy định thay đổi so với nội dung các nghị định trước đó, dẫn đến việc các bộ, địa phương, chủ dự án còn lúng túng khi triển khai dự án…
Một nguyên nhân nữa là do đại dịch Covid-19, các chuyến bay thương mại chưa có nên chuyên gia nước ngoài chưa tới được, nguồn vật tư cũng bị đứt đoạn, nhiều công trình phải tạm dừng thi công ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Đầu tư công chậm sẽ khiến quá trình phục hồi nền kinh tế trở nên khó khăn hơn và kéo theo nhiều hệ lụy khác như Chính phủ sẽ phải trả phí cam kết cao hơn, các dự án phải trả chi phí cao hơn; chi phí quản lý dự án cũng tăng lên theo thời gian…
Để đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh hoặc thu hồi kế hoạch vốn năm 2020 đối với các trường hợp chưa đủ điều kiện bố trí vốn hoặc không còn nhu cầu sử dụng vốn (khoảng 28.178,633 tỷ đồng).
Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và các chủ đầu tư, ban quản lý dự án cần khẩn trương thực hiện các thủ tục phê duyệt đơn giá, chi phí dự phòng... để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, trường hợp có vướng mắc, làm việc với Bộ Xây dựng để được hướng dẫn cụ thể.
Bộ Tài chính cũng đề nghị các bộ, cơ quan trung ương khẩn trương hoàn thành việc giao chi tiết vốn đầu tư công nguồn NSNN kế hoạch năm 2020 cho các dự án trước ngày 31/7/2020; đồng thời lập kế hoạch và giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu... Rà soát và báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn năm 2019 kéo dài sang năm 2020 của các dự án chậm tiến độ sang các dự án khác có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ… Đồng thời, đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương thực hiện nghiêm báo cáo định kỳ tình hình giải ngân vốn đầu tư nguồn NSNN gửi về Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo đúng quy định.
Chính phủ, Thủ tướng đã quyết định Chính phủ sẽ họp giao ban 1 tháng/lần với các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương định kỳ 15 ngày phải báo cáo về kết quả giải ngân với Thủ tướng.
Hy vọng với các giải pháp và biện pháp đã nêu những tháng tới giải ngân đầu tư công sẽ có nhiều chuyển biến tích cực hơn nữa, để đạt mục tiêu giải ngân đạt 100%, để nền kinh tế có tăng trưởng dương./.
VOV